Ngày 24.10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức sơ kết quá trình thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất (HTLS) của các ngân hàng thương mại (NHTM), công ty tài chính và quỹ tín dụng nhân dân trung ương.
Theo NHNN, tính đến ngày 30.9.2009, dư nợ cho vay HTLS đạt trên 402.000 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ tín dụng bằng VND của nền kinh tế. NHNN cho rằng HTLS đã tạo điều kiện cho DN, hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa tồn kho, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư, tạo việc làm cho người lao động. Với cơ chế HTLS, chi phí trả lãi vay NH năm 2009 của phần lớn DN giảm được một nửa so với năm 2008; sau khi được HTLS, DN chỉ còn phải trả lãi suất vay 4% - 6%/năm.
Mặc dù đã góp phần lớn đối với việc ngăn chặn đà suy giảm cũng như kích thích nền kinh tế nước ta, nhưng cơ chế HTLS cũng đã gây ra không ít tác động tiêu cực. NHNN thừa nhận việc HTLS đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn theo Quyết định 497/QĐ-TTg đạt kết quả thấp, gây nên tình trạng bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân là do điều kiện, thủ tục cho vay chưa phù hợp với thực tế, chặt chẽ và quá phức tạp. Với cơ chế HTLS, lãi suất vay VND còn khoảng 4% - 6%/năm, tương đương lãi suất vay USD, cộng thêm sự lo ngại rủi ro tỷ giá nên các DN nhập khẩu chuyển sang vay VND để mua ngoại tệ, gây sức ép tăng tỷ giá và căng thẳng thanh khoản trên thị trường ngoại hối. Từ đó làm phát sinh hiện tượng lợi dụng cơ chế để trục lợi, rủi ro tín dụng tăng lên.
Không những vậy, tình trạng bất bình đẳng giữa các khách hàng vay đã nảy sinh; giá cả và lợi nhuận từ sản phẩm không phản ánh đúng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Những mặt trái trên cũng đã được UB Kinh tế của Quốc hội nêu ra trong báo cáo thẩm tra mới đây. Tín dụng 9 tháng đầu năm tăng đến 29 đã gây áp lực lớn đến lãi suất, làm tăng chi phí vốn và giá thành sản phẩm…
Theo thống kê, chỉ có khoảng 20% DN được vay vốn HTLS theo Quyết định 131/QĐ-TTg, phần lớn DN còn lại phải tự “bươn chải mưu sinh”. Dư luận cho rằng có hiện tượng dùng vốn vay để đảo nợ, đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản… Cùng quan điểm, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng VN Dương Thu Hương cho rằng, chúng ta đều chưa rõ tiền HTLS đi đâu, về đâu và không loại trừ tiền đó chạy vào chứng khoán lẫn bất động sản.
Bà Hương kiến nghị, nếu có cơ chế HTLS mới để tiếp tục kích cầu thì không nên thông qua hệ thống NHTM nữa mà bằng cách khác để hỗ trợ trực tiếp cho DN như giúp tìm kiếm thị trường, đào tạo nhân lực, hỗ trợ giảm giá thành sản phẩm để kích thích tiêu dùng…
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt và thận trọng phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước. Tổng phương tiện thanh toán sẽ được kiểm soát chặt chẽ phù hợp với mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Lãi suất cơ bản sẽ được giữ nguyên ở mức 7%/năm để ổn định thị trường tiền tệ. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc được giữ ở mức 3% đối với tiền gửi không kỳ hạn và 1% đối với tiền gửi có kỳ hạn.
. Theo SGGP |