|
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia |
Chỉ trong 3 ngày (từ 22 đến 24.10), VN đã có thêm 7 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1, trong đó chủ yếu là phụ nữ mang thai và trẻ em.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 hằng ngày được ghi nhận là giảm mạnh, thậm chí có ngày chỉ có thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, nơi chuyên điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 ở Hà Nội, lượng bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1 cũng giảm hơn 50% so với trước.
Ghi nhận giảm nhưng...
Trong khi đó, những ngày qua, các ca tử vong xuất hiện dồn dập khiến không ít người lo lắng. Chỉ trong 3 ngày (từ 22 đến 24.10), VN đã có thêm 7 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1, trong đó chủ yếu là phụ nữ mang thai và trẻ em. Điển hình là ngày 23.10, Bộ Y tế xác nhận thêm 4 ca tử vong, trong đó có 2 phụ nữ mang thai và một bé gái 2 tuổi.
Hầu hết các bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 đều được uống Tamiflu rất muộn so với khuyến cáo. Bộ Y tế cho rằng sở dĩ số người tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 tăng cao trong thời gian qua là vì phần lớn người bệnh là phụ nữ mang thai và mắc bệnh mãn tính kèm theo như béo phì, đái tháo đường, hội chứng Down, tim bẩm sinh...
Theo Bộ Y tế, hiện số bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 là gần 10.400 người. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), ước tính số người mang virus cúm A/H1N1 nhưng không biểu hiện bệnh có thể gấp 10 lần số người đã được xác nhận nhiễm, nghĩa là có ít nhất 100.000 người trong cộng đồng đang nhiễm virus cúm A/H1N1.
“Ở thời điểm này, dịch cúm A/H1N1 đã lan ra cộng đồng. Nếu người dân chủ quan và hệ thống y tế không đáp ứng tốt việc điều trị thì số ca tử vong sẽ tăng” – ông Nga nhấn mạnh.
Giám sát tại cộng đồng có vấn đề?
Dù theo khuyến cáo, mùa đông tới (khoảng tháng 11, 12) mới là đỉnh dịch ở VN nhưng số ca tử vong bất ngờ tăng cao đã khiến người dân lo ngại quy trình giám sát dịch bệnh mới của Bộ Y tế không khả thi.
Theo Bộ Y tế, đến năm 2010, WHO sẽ hỗ trợ khoảng 1 triệu liều vắc-xin cúm A/H1N1, đáp ứng cho 2% dân số VN. |
Về vấn đề này, TS Nguyễn Huy Nga cho biết hiện các nước trên thế giới cũng đã ngừng xét nghiệm cộng đồng mà chỉ xét nghiệm trong bệnh viện và ở các điểm giám sát với mục đích theo dõi diễn biến dịch, tình hình kháng thuốc của virus.
Qua quá trình theo dõi, giám sát, Bộ Y tế cho biết đã có những ca bệnh sau hơn 10 ngày điều trị bằng thuốc Tamiflu vẫn còn virus cúm A/H1N1, trong khi thông thường bệnh nhân chỉ cần 3-5 ngày điều trị bằng thuốc Tamiflu là đã có thể tiêu diệt được loại virus cúm nguy hiểm này.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, khẳng định chưa phát hiện trường hợp nào có hiện tượng virus cúm A/H1N1 kháng thuốc Tamiflu, mặc dù đã có trường hợp phải điều trị đến 39 ngày mới khỏi bệnh.
. Theo NLĐ |