|
Sự hồi phục của thị trường đã bù đắp lại một phần lớn “đã mất” trong năm 2008, cũng như tạo môi trường và cơ hội để hoạt động tự doanh thuận lợi hơn. |
Hoàn nhập dự phòng và tự doanh là nguồn sinh lãi chủ yếu, nhưng có những nghiệp vụ mà hẳn các công ty lớn phải nhìn lại...
Đến thời điểm này các công ty chứng khoán có cổ phiếu niêm yết trên sàn đều đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 3; nhiều thành viên khác cũng đã chủ động công bố. Điểm chung, hầu hết họ thắng lớn.
“Sóng” lợi nhuận theo thị trường
Do đặc thù hoạt động, lợi nhuận của các công ty chứng khoán gắn với những biến động của thị trường. Theo đó, có thể xem từ “sóng” phản ánh đúng với kết quả hoạt động của những doanh nghiệp này, khác với tính ổn định tương đối thường có ở nhiều ngành khác.
Năm 2008, thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, có gần 90% công ty chứng khoán lỗ, nhiều trường hợp lỗ nặng. Năm 2009, sau 9 tháng đầu năm, thị trường phục hồi và khởi sắc, lợi nhuận nhiều công ty chứng khoán đã trở lại và dâng cao.
Mới đến tháng 7, chỉ mới qua đợt phục hồi nổi bật từ tháng 3 đến nửa đầu tháng 6, nhiều công ty chứng khoán đã bắt đầu công bố lãi, thậm chí vượt cả kế hoạch đặt ra cho cả năm. Điển hình như Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) là 42 tỷ đồng, vượt 25% chỉ tiêu; Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) chỉ sau 6 tháng đã vượt 50% đạt hơn 29,5 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là 282,2 tỷ đồng trong khi kế hoạch năm là 261,2 tỷ đồng…
Đến hết tháng 9, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này tiếp tục tăng cao, một số trường hợp tiếp tục vượt kế hoạch cả năm dù mới điều chỉnh lại. Như tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mức lãi là 217,4 tỷ đồng, vượt gần 50% kế hoạch mà công ty này chỉ mới điều chỉnh chưa đầy 1 tháng trước đó.
Nhìn chung, sau 9 tháng đầu năm, hầu hết các thành viên đều đã có những con số lợi nhuận trước thuế ấn tượng, như SSI đã có 649 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) là 218,55 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) 263,19 tỷ đồng (sau thuế), Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) là 174 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) trên 72 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) 36 tỷ đồng, hay Công ty Chứng khoán Hải Phòng (Haseco) cũng đã có lãi 8,1 tỷ đồng…
Nếu nhìn vào lợi nhuận thực tế và kế hoạch kinh doanh đặt ra trước đó, có thể thấy các công ty chứng khoán bước vào năm 2009 với sự thận trọng sau năm 2008 nhiều khó khăn; mặt khác, cũng có thể thấy có yếu tố bất ngờ trong dự tính, ngay cả với những trường hợp đã có điều chỉnh trong kế hoạch.
Khả năng tạo tiền…
Trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của nhiều công ty chứng khoán một phần đáng kể có từ khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán trước đó.
Thuyết minh về kết quả của mình, HSC cũng nhấn mạnh đến yếu tố trên: “Việc tiếp tục hiện thực hóa danh mục chứng khoán tự doanh với giá cao hơn mức trích lập dự phòng giảm giá vào cuối năm 2008 làm cho số hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán trong quý 3.2009 xuất hiện góp phần tích cực cho kết quả kinh doanh của HSC 9 tháng đầu năm 2009”. Hay với BVS là khoản hoàn nhập hơn 60 tỷ đồng trong 9 tháng; SSI là gần 254 tỷ đồng…
Sự hồi phục của thị trường đã bù đắp lại một phần lớn “đã mất” trong năm 2008, cũng như tạo môi trường và cơ hội để hoạt động tự doanh thuận lợi hơn. Điều này cũng có ở nhiều doanh nghiệp ngành khác có hoạt động đầu tư tài chính mạnh. Và một điểm nữa mà thị trường quan tâm là khả năng tạo tiền ở các nghiệp vụ khác.
Với quy mô giao dịch của thị trường luôn duy trì ở mức cao từ quý 2 đến quý 3, đặc biệt trong quý 3, phí môi giới trở thành nguồn thu quan trọng của nhiều công ty chứng khoán; và khá bất ngờ khi đó là một nguồn chính yếu của một số thành viên mới.
Ở nguồn thu phí môi giới, kết quả kinh doanh của Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC) nếu công bố hẳn sẽ thu hút sự chú ý của giới đầu tư, bởi đây là công ty đứng đầu thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ cả trên HOSE và HNX quý 3 vừa qua. Nhưng TSC từ chối công bố cụ thể.
Còn với Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), đó là bất ngờ khi có mặt trong Top 10 thị phần môi giới trên cả HOSE lẫn HNX, cũng là điển hình cho khả năng chiếm lĩnh của một số thành viên mới chỉ hoạt động trong khoảng hai năm trở lại đây. Chỉ trong quý 3, FPTS thu về 36,766 tỷ đồng doanh thu môi giới, gần ngang ngửa với cả đàn anh đi trước như HSC (38,727 tỷ đồng); trong khi doanh thu từ hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn chỉ khiêm tốn ở 6,8 tỷ đồng.
Cũng tại FPTS có thể thấy một nguồn thu vượt trội hơn trong quý 3 là doanh thu hoạt động tư vấn (27,789 tỷ đồng), trong khi nhiều tên tuổi khác hoặc thâm niên hơn chỉ thu về chưa đầy 1 tỷ đồng…
Trường hợp của FPTS, cũng như sự có mặt của những thành viên mới trong Top 10 thị phần môi giới vừa qua, cho thấy việc phát triển và cạnh tranh về dịch vụ vẫn là một yêu cầu nền tảng của các công ty chứng khoán. Còn với tự doanh, vẫn là một hoạt động chính yếu, nhưng chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động của thị trường và khó chủ động được kết quả trong dài hạn.
. Theo VnEconomy
|