Sáng nay, 26.10, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tần số vô tuyến điện và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của bản dự thảo luật này.
Điểm đáng lưu ý trong dự thảo Luật trình lần này là việc bổ sung các giải pháp hỗ trợ việc khai thác và sử dụng tần số vô tuyến điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng. Bên cạnh đó, dự luật còn có thêm quy định về bắt buộc áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao để thúc đẩy phát triển công nghệ và sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện.
Liên quan đến lo ngại của người dân về an toàn bức xạ vô tuyến điện, dự thảo Luật quy định phải có cơ quan có trách nhiệm về vấn đề này, từ ban hành quy chuẩn, quy định và quản lý chứng nhận hợp quy cho đến kiểm định, thanh kiểm tra và xử lý các vi phạm, các trường hợp khiếu nại, tố cáo.
Về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, dự thảo luật đã được chỉnh sửa theo hướng cho phép áp dụng phương thức đấu giá trong cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, áp dụng phương thức này với băng tần nào, kênh tần số nào, vào thời điểm nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc thu hồi quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong dải tần số do các bộ này quản lý và bổ sung dải tần số dự phòng để sử dụng phục vụ mục đích quốc phòng an ninh.
Phát biểu tại phiên họp sáng nay, các đại biểu QH đặc biệt quan tâm đến việc thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện. Một nhóm ý kiến đề nghị thành lập cơ quan quản lý độc lập và hoạt động của cơ quan này do QH quy định trực tiếp trong Luật (để phù hợp với cam kết quốc tế về vấn đề này), tuy nhiên đa số ý kiến cho rằng quy định như vậy là không phù hợp với Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ. Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng (ĐB Hải Dương) nhận định: “Thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện là rất cần thiết nhưng cơ quan này phải thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Hoạt động của cơ quan này do Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông quy định. Ta cứ “rập khuôn” mô hình của nước khác cũng không được, vì sẽ gây xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành”. Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Đình Long (Đắc Lắc). Ông Long nói thêm, một số quy định trong Luật còn chung chung, cần được cụ thể hóa.
. Theo GSGP |