Sáng nay, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch năm 2010:
Lo ngại tình trạng "dàn hàng ngang" dẫn đến "triệt tiêu" nhau
14:10', 27/10/ 2009 (GMT+7)

Một số ĐB đề nghị lấy năm 2010 là năm khởi đầu cuộc vận động quyết liệt đổi mới toàn diện và căn cơ giáo dục - đào tạo. Trong ảnh: Các em học sinh tiểu học trường Nguyễn Văn Trỗi (Q4, TPHCM) trong giờ ra chơi.

Sáng nay, 27.10, QH họp phiên toàn thể, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch năm 2010.

Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ghi nhận những thành tựu kinh tế, xã hội của nước ta trong điều kiện nền kinh tế thế giới suy thoái; đánh giá cao hoạt động điều hành, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực tự thân vận động vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cũng chỉ ra nhiều nhược điểm của nền kinh tế như: đầu tư còn dàn trải, lãng phí, phát triển rộng chứ chưa sâu, hệ số đầu tư cao... Đáng lưu ý, ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định) chỉ ra sự thiếu liên thông giữa các địa phương trong vùng kinh tế dẫn đến tình trạng “thay vì liên kết tìm cách cùng đầu tư, phát triển thì nhiều địa phương lại cạnh tranh trực diện, “triệt tiêu” nhau, dàn hàng ngang làm cảng nước sâu, sân bay, trường đại học riêng, khiến cho hiệu quả đầu tư rất thấp”. Ông Dũng và nhiều ĐB khác bày tỏ sự quan tâm về tình trạng người nông dân và khu vực nông nghiệp - nông thôn khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. ĐB Dũng nhận định: “Dường như các ngân hàng vẫn ưu ái khách hàng truyền thống của mình chứ chưa tích cực rót vốn về nông thôn. Đây cũng là lý do khiến khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, giàu với nghèo giãn rộng”.

Bên cạnh đó, vấn đề cân đối hợp lý thu - chi ngân sách cũng là một yêu cầu quan trọng được các ĐBQH đặt ra đối với Chính phủ. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) phát biểu: “Biết rằng năm 2010 là năm có nhiều sự kiện quan trọng có thể làm ngân sách tăng chi mạnh nhưng vẫn cần khống chế bội chi chỉ ở mức 6% trở xuống. Nhóm chỉ tiêu môi trường, chỉ tiêu xã hội (như tạo công ăn việc làm) phải được chú trọng để đảm bảo tính khả thi và thực sự nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

Đặc biệt, ĐB Đáng “mạnh dạn đề nghị” lấy năm 2010 là năm khởi đầu cuộc vận động quyết liệt đổi mới toàn diện và căn cơ giáo dục - đào tạo. “Không phủ nhận những cống hiến bền bỉ của ngành giáo dục đào tạo trong những năm qua nhưng kết quả vẫn không như sự trông đợi của toàn xã hội”, ĐB này trăn trở.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Bá Thanh (TP Đà Nẵng) lại bức xúc về tình trạng “kẹt xe, ngập nước ở các TP lớn, tình trạng lạm thu trong trường học và tình trạng khiếu nại tố cáo vẫn còn nhiều”. Để giải quyết các vấn đề này, theo ông Thanh, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương là chưa đủ. “Đánh giá của Chính phủ có vẻ hơi lạc quan. Tôi thấy chưa yên tâm về nợ của Chính phủ và khả năng bội chi, lạm phát. Tôi đề nghị ngừng thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia kém hiệu quả, cụ thể như chương trình trồng 5 triệu ha rừng”, ĐB Nguyễn Bá Thanh phát biểu.

Ba vấn đề khác được ông nhấn mạnh trong phát biểu của mình là yêu cầu củng cố hệ thống thống kê để có được căn cứ chính xác nhằm dự báo và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; đẩy nhanh việc chuẩn bị xây dựng đường cao tốc Hà Nội - TPHCM; có chính sách thiết thực hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. ĐB Thanh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong xuất, nhập khẩu vàng và linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá ngoại tệ. 

Trong số các vấn đề xã hội bức xúc khác, ý kiến về tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên của ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) được nhiều ĐB khác chia sẻ. “QH đã đồng ý chủ trương phát hành trái phiếu để đầu tư xây dựng bệnh viện nhưng đến nay vẫn còn tình trạng 2-3 bệnh nhân nằm một giường, người nhà nằm vạ vật. Phải tìm trúng và giải quyết tận gốc vấn đề này”. Ông Cuông cũng chưa hài lòng về quan điểm đầu tư cho y tế dự phòng của nhiều cấp, ngành, kể cả lãnh đạo ngành y tế. “Chi phí cho dự phòng chưa bằng ¼ chi phí chữa bệnh, vậy sao gọi là “phòng hơn chống”? Có phải đây là nguyên nhân của tình trạng dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm lý người dân?”, ông Cuông đặt câu hỏi. 

Chiều nay và ngày mai, 28.10, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch năm 2010.

Bên lề kỳ họp QH, sáng nay, 27.10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho phóng viên báo SGGP biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 29 và 30.10 tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình bày quan điểm về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất như thế nào với Thủ tướng. “Cách gọi “gói kích cầu thứ 2” có thể khiến nhiều người hiểu nhầm là có thể có thêm một khoản tiền nữa được dành cho hỗ trợ lãi suất ngắn hạn nhưng thực tế không phải như vậy”, ông nói và bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH. Theo Ủy ban Kinh tế QH thì gói hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn (theo Quyết định 131/QĐ-TTg) đã hoàn thành vai trò “giải cứu” cho một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng nên dừng lại đúng thời hạn đã được công bố (31.12.2009).

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Việt Nam có Trung tâm máy gia tốc y học hạt nhân đầu tiên  (27/10/2009)
Thận trọng với diễn biến giá vàng  (27/10/2009)
Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch sốt xuất huyết  (27/10/2009)
Ra mắt cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính  (26/10/2009)
Phải có cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn bức xạ vô tuyến điện  (26/10/2009)
Quanh việc công ty chứng khoán đồng loạt báo lãi  (26/10/2009)
Đưa khu thương mại-công nghiệp Tây Bắc vào hoạt động  (26/10/2009)
Quỹ Thính lực Starkey (Mỹ) giúp trợ thính cho 2.200 trẻ em  (26/10/2009)
Tử vong do cúm A/H1N1 tăng nhanh  (26/10/2009)
Xuất xưởng mẻ xăng Mogas A95 đầu tiên  (25/10/2009)
Cơ chế hỗ trợ lãi suất: Nhiều tích cực, lắm hạn chế  (25/10/2009)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng chậm lại  (25/10/2009)
Từ 0h ngày 24.10, giá xăng dầu tăng 300-700 đồng/lít  (24/10/2009)
Dung Quất xuất xưởng mẻ xăng A95 đầu tiên   (23/10/2009)
Thực thu vượt kế hoạch nhưng bội chi vẫn cao   (23/10/2009)