Với Luật dân quân tự vệ, sẽ phát triển tốt hơn lực lượng dân quân, tự vệ biển, làm nòng cốt bảo vệ người dân trên biển cũng như giúp họ xác định tốt hơn đâu là vùng biển của ta, đâu là vùng biển của nước ngoài.
Sáng nay (29.10), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật dân quân tự vệ và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ để bảo vệ lợi ích, chủ quyền đất nước
Dự thảo Luật dân quân tự vệ đã được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII với 157 đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và 24 đại biểu phát biểu tại Hội trường. Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và gửi dự thảo Luật đã được chỉnh lý để lấy ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật dân quân tự vệ trình Quốc hội kỳ này gồm 9 chương, 68 điều quy định về nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, tổ chức, nhiệm vụ, hoạt động của Dân quân tự vệ, chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ và trách nhiệm quản lý nhà nước về Dân quân tự vệ.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình nhấn mạnh, cốt lõi của Luật dân quân tự vệ, là mọi công dân, bất kể nam nữ, ở độ tuổi quy định phải tham gia dân quân, tự vệ. Với thôn, phố, phải tổ chức lực lượng dân quân. Với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, phải tổ chức lực lượng tự vệ. Ở đâu có dân, ở đó có lực lượng vũ trang quần chúng. Mỗi người dân, cán bộ, công nhân, nông dân sẽ là người lính để bảo vệ khi đất nước có kẻ địch xâm lược. Ông Lê Quang Bình nhấn mạnh, chúng ta xây dựng lực lượng dân quân tự vệ nhằm bảo vệ lợi ích, chủ quyền của ta, không nhằm chống ai. Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình. Và để bảo vệ nền hòa bình đó, chúng ta tổ chức các lực lượng cũng chỉ vì mục tiêu hòa bình và độc lập dân tộc.
Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến đại biểu đều cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật dân quân tự vệ của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật dân quân tự vệ lần này khá phù hợp. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly khỏi thực tế sản xuất và công tác. Để bảo đảm hoạt động của lực lượng này mang lại hiệu quả thiết thực, cách đây 4 năm, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về dân quân tự vệ, nay Pháp lệnh được nâng lên thành luật, quy định cụ thể, chi tiết về nghĩa vụ đối với dân quân tự vệ, tổ chức chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ. Đây là một quyết định đúng đắn, quán triệt quan điểm của Đảng ta về nền quốc phòng toàn dân và nó phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến của đại biểu chưa nhất trí với một số điều khoản của Dự thảo Luật. Chẳng hạn, quy định việc xây dựng lực lượng dân quân nòng cốt, giao cho Hội đồng quân sự địa phương cấp huyện làm công tác tuyển chọn là không phù hợp. Đại biểu Lê Dũng (đoàn Tiền Giang) cho rằng, việc tuyển chọn dân quân tự vệ, nếu chỉ giao cho Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã sẽ không công bằng, dễ dẫn đến tiêu cực, xin cho. Đại biểu đề nghị nên nên để cấp thôn, khu phố, xóm bình xét việc tuyển chọn công bằng, theo nguyên tắc dân chủ.
Vẫn còn những băn khoăn
Về việc tổ chức lực lượng dân quân tự vệ trong các doanh nghiệp, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về việc triển khai lực lượng dân quân tự vệ trong các doanh nghiệp không có tổ chức Đảng như thế nào. Bởi dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, nhất thiết phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Về chế độ đối với người tham gia nghĩa vụ dân quân tự vệ còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Đại biểu Đinh Thị Hiểu (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị quy định cụ thể về nghĩa vụ, trách nhiệm của dân quân tự vệ khi có bạo loạn chính trị. Chế độ tiền lương, phụ cấp: nên nâng lương thường xuyên cho cấp chỉ huy, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác.
Về nội dung trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng Dân quân tự vệ và quy định về việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng đây là vấn đề rất hệ trọng và đề nghị phải quy định về số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho dân quân tự vệ; quy định việc sử dụng vũ khí nhất là các trường hợp nổ súng, bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng.
Về vấn đề này, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, pháp luật đang quy định cho lực lượng vũ trang nói chung và một số lực lượng khác được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nhưng chỉ được quy định chung là “được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật” mà chưa có luật, pháp lệnh nào của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vấn đề này, nhất là vấn đề “nổ súng”. Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2010 của Quốc hội, trong quý I.2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, dự kiến Pháp lệnh sẽ quy định vấn đề này. Do đó, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên quy định theo hướng chung: Lực lượng Dân quân tự vệ được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc trang bị, chế độ đăng ký, quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật của lực lượng Dân quân tự vệ. Dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Cần làm nổi bật vị trí, vai trò của dân quân tự vệ biển
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển với mục tiêu tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Việt Nam ở biển Đông, nhất là lợi ích của người dân đang hằng ngày hoạt động đánh bắt cá trên biển. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay Đảng, Nhà nước ta đang chủ trương phát triển kinh tế biển, muốn trở thành một nước mạnh về kinh tế biển, chúng ta phải xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ biển, trong đó có lực lượng dân quân tự vệ biển. Thời gian qua, đã xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc với tàu cá của ngư dân Việt Nam. Nhưng không vì thế mà chúng ta không tổ chức đánh bắt thường xuyên trên vùng biển của mình để không bị mất chủ quyền về biển. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng đề nghị, sắp xếp lại Điều 2 để làm nổi bật vị trí, vai trò của dân quân tự vệ biển. Về quy mô tổ chức dân quân tự vệ: bổ sung khoản 6, điều 19, phải tổ chức những đơn vị tự vệ biển, đảm bảo hoạt động đánh bắt có hiệu quả và đảm bảo chủ quyền quốc gia trên biển.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.
. Theo VOV |