* Bão gây mưa to ở Thừa Thiên Huế - Bình Thuận
* Áp thấp nhiệt đới mới ngoài khơi Philippines
Lúc 13g ngày 1.11, vị trí tâm bão số 11 cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 560 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (75 - 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
|
Lúc 13g ngày 1.11, bão số 11 cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 560 km về phía đông - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (phát lúc 14g30 ngày 1.11)
|
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo trong 12 giờ tới, bão số 11 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 1g ngày 2.11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 270 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (75 - 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 11 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 13g ngày 2.11, vị trí tâm bão ở trên địa phận các tỉnh Bình Định - Ninh thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm, bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 11 tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 13g ngày 3.11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc, 105,5 độ Kinh Đông, trên địa phận Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ tối 1.11, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.
Áp thấp nhiệt đới mới ngoài khơi Philippines
Theo Trang dự báo của Hải quân Mỹ, sáng nay (1.11), một áp thấp nhiệt đới đã hình thành ngoài khơi phía đông Philippines.
Áp thấp nhiệt đới này mạnh cấp 6 - 7, hiện còn cách bão số 11 khoảng khoảng 1.800 km. |
Từ đêm 1.11, các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, riêng vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao 2 - 4m. Khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình thuận có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.
Ngoài ra, sáng nay không khí lạnh đã tiến sát đến vùng biên giới phía Bắc nước ta. Ngày hôm nay (1.11), bộ phận không khí lạnh này sẽ tràn xuống các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 5. Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Các tỉnh miền Bắc từ đêm nay trời trở rét.
Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra tình hình phòng chống bão ở Khánh Hòa
Sáng 1.11, Bộ trưởng Cao Đức Phát, Trưởng Ban phòng chống lụt bão Trung ương, đã đến kiểm tra tình hình phòng chống lụt bão tại tỉnh Khánh Hòa.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng chống bão số 11 của địa phương; lưu ý Khánh Hòa không được chủ quan. Đến thời điểm này, Nha Trang, Khánh Hòa, chưa có biểu hiện bão (trời vẫn nắng, gió nhẹ, không có sóng lớn), nhưng theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Trung ương và Nam Trung bộ thì chiều tối 1.11 mới bắt đầu có mưa và mưa to ở các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận, mà tâm bão là ở Khánh Hòa.
Do vậy, tỉnh cần tiếp tục triển khai công tác phòng chống bão để đạt hiệu quả cao nhất, ngay từ bây giờ phải "cấm biển", gọi tàu, thuyền nhanh chóng về nơi trú ẩn an toàn, đồng thời không cho tàu, thuyền ra biển; khẩn trương thông báo cho ngư dân đưa các lồng bè nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn, không để người dân ở lại lồng bè khi có bão.
Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Đoàn đã đến kiểm tra thực tế công tác phòng chống bão ở một số cơ sở, địa phương trong tỉnh.
Thủ tướng chỉ đạo di dời dân trước 12g đêm 1.11
Ngày 31.10, Thủ tướng chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu UBND các tỉnh nằm trong vùng dự báo bão đổ bộ vào, từ Phú Yên đến Bình Thuận huy động nhân dân triển khai ngay việc chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện; phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn thực hiện việc di dời những hộ dân ra khởi các khu vực nguy hiểm (ven biển, vùng cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là di dời dân ra khỏi các nhà kém kiên cố đến nơi an toàn).
Việc di dời phải hoàn thành trước 24g ngày 1.11.2009, tổ chức lực lượng canh gác, bảo đảm an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân đi. |
. Theo TTXVN - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương |