Quốc hội nghe trình bày về 4 dự án luật: Tạo điều kiện để vốn chảy mạnh hơn đến người dân
17:49', 2/11/ 2009 (GMT+7)

Sáng nay, 2.11 Quốc hội (QH) nghe báo cáo của Chính phủ và các ủy ban của QH về 4 dự án luật: Luật Bưu chính, Luật nuôi con nuôi, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự án luật Bưu chính sẽ được các đại biểu QH thảo luận tại tổ vào chiều nay.

Về dự án Luật Nuôi con nuôi, theo báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật, có nhiều sự sửa đổi quan trọng so với bản đã trình UBTVQH. Bản dự thảo luật trình QH lần này không quy định hai hình thức (gồm “nuôi con nuôi đơn giản” và “nuôi con nuôi trọn vẹn”) như trước; nhằm bảo đảm cho trẻ em không bị hạn chế cơ hội tiếp tục duy trì quan hệ với cha mẹ đẻ và gia đình gốc.

Một sửa đổi đáng kể nữa: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sẽ là người quyết định việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài (chứ không phải Bộ Tư pháp). Cơ sở nuôi dưỡng không trực tiếp tham gia vào việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài mà chỉ hỗ trợ, hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc giới thiệu trẻ; đồng thời được tiếp nhận viện trợ từ thiện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ việc nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở.

Với 10 chương, 162 điều, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được đánh giá là về cơ bản đã tạo tạo cơ sở pháp lý xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng hiện đại, tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm xây dựng thị trường tiền tệ lành mạnh, đồng thời hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.   

Theo Tờ trình của Chính phủ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trình bày trước QH, so với luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi có nhiều nội dung mới, theo đó phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đã được mở rộng từ chỗ chỉ điều chỉnh về tổ chức và hoạt động đối với các TCTD sang điều chỉnh về thành lập, tổ chức, quản lý, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại và giải thể của các tổ chức tín dụng, trong đó nội dung “quản lý” là sự thay đổi lớn nhất.

Dự thảo luật có sự phân biệt giữa các ngân hàng làm chức năng kinh doanh (chủ yếu là các ngân hàng thương mại thuộc nhiều thành phần sở hữu khác nhau) và các ngân hàng làm chính sách (NH Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam).

Từ đó, dự thảo luật quy định theo hướng chỉ áp dụng một số quy định về minh bạch, thận trọng để bảo đảm vốn của nhà nước được sử dụng an toàn, đúng mục đích, còn các nội dung cụ thể về thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của ngân hàng chính sách sẽ được giao cho Chính phủ quy định.

Điều này nhằm nới lỏng những quy định quá chặt chẽ đối với các ngân hàng chính sách vốn hoạt động không vì mục đích lợi nhuận (nhưng hiện đang được áp dụng chung cho cả 2 loại ngân hàng), tạo điều kiện cho dòng vốn chảy mạnh hơn tới các đối tượng chính sách.

Đáng lưu ý, các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng đã được dự thảo luật phân nhóm và quy định theo hướng chặt chẽ hơn. Đơn cử, nhóm quy định về hạn chế trong hoạt động của TCTD bao gồm việc cấm cho vay kinh doanh cổ phiếu hay cấp tín dụng cho các kinh doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà TCTD nắm quyền kiểm soát. Nhóm các quy định về an toàn bao gồm việc hạn chế các quan hệ tín dụng hùn vốn, góp vốn chéo giữa các TCTD với các công ty có quan hệ về vốn, đặc biệt là các công ty nắm quyền kiểm soát ngân hàng…

Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế của QH do Chủ nhiệm UB Hà Văn Hiền trình bày lưu ý ban soạn thảo về việc một số quy định của dự luật có sự trùng lặp với các luật khác. Một số nội dung còn thiên về bảo đảm an toàn, chưa hài hòa giữa yêu cầu bảo đảm an toàn với bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bão đến sớm, quần tơi tả Phú Yên, Bình Định  (02/11/2009)
Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất thế giới  (02/11/2009)
Xem xét chủ trương đầu tư các dự án năng lượng trọng điểm  (02/11/2009)
Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn  (02/11/2009)
Di dời dân trước 12g đêm 1.11 để tránh bão  (01/11/2009)
Công bố gói kích cầu thứ hai  (01/11/2009)
Lên án hành động và các phát biểu vu cáo của ông Sam Rainsy  (01/11/2009)
Khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong  (01/11/2009)
Đề nghị quy định khung giá KCB cho cả khu vực y tế công và tư  (30/10/2009)
Cả nước đối mặt nguy cơ khô hạn trong mùa đông  (30/10/2009)
Đồng ý nguyên tắc thành lập Tập đoàn kinh tế tư nhân  (30/10/2009)
Khởi động dự án phòng chống tham nhũng trị giá 1,7 triệu USD  (30/10/2009)
Công điện khẩn về phòng chống cơn bão Mirinae  (30/10/2009)
“Gói kích cầu chưa đến tầm cỡ để Quốc hội giám sát”  (30/10/2009)
Không cắt giảm đầu tư  (30/10/2009)