Miền Trung huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả cơn bão số 11
14:59', 5/11/ 2009 (GMT+7)

Mưa đã giảm hẳn ở các tỉnh miền Trung, lũ cũng đang xuống. Tuy nhiên, người dân cùng chính quyền các tỉnh đang phải lao vào khắc phục, giải quyết những gì bão lũ để lại. Ngoài con số thương vong: 98 người chết, 20 người mất tích, 66 người bị thương, người dân miền Trung phải đối mặt với những mất mát khác không hề nhỏ: hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập, trôi, hư hỏng; hoa màu, cây công nghiệp bị ngập, phương tiện sản xuất bị tàn phá, dịch bệnh chờ chực...

 

Ở những nơi còn bị cô lập như vùng rốn lũ khu đông huyện Tuy Phước, phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (Quy Nhơn)... thì chỉ có ca-nô  mới đưa hàng cứu trợ đến tay bà con.

 

Theo thông tin từ Trung tâm PCLB miền Trung-Tây Nguyên sáng 5.11, khu vực Nam Trung Bộ mưa đã giảm hẳn, riêng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn còn mưa, lượng mưa phổ biến từ 20 - 50mm. Theo dự báo, hôm nay (5.11) các tỉnh Trung Trung Bộ còn có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to, các khu vực khác không mưa.

Lũ trên tất cả các sông ở Trung Bộ và Nam Tây Nguyên đã đạt đỉnh và đang xuống. Mực nước ở hầu hết các triền sông đã xuống mức BĐI đến BĐII, riêng sông Kôn ở Bình Định, sông Ba ở Phú Yên và Gia Lai còn ở mức báo động III và trên BĐIII. Dự báo, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Gia Lai tiếp tục xuống.

Theo tổng hợp của các địa phương, đã có 98 người chết (Bình Định: 13, Phú Yên: 69, Khánh Hoà: 12, Gia Lai: 3 và Ninh Thuận: 1); 20 người mất tích (Bình Định: 3, Phú Yên: 16, Khánh Hoà: 1). 66 người bị thương (Quảng Ngãi: 4, Bình Định: 15, Phú Yên 20, Khánh Hoà: 9, Đắc Lắc: 18).

Mưa lũ đã làm 1.133 nhà bị sập, trôi; 15.283 nhà tốc mái, hư hỏng; 43.715 nhà bị ngập; 489 phòng học, 106 trạm xá, trụ sở UBND xã bị ngập, hư hỏng. Về nông nghiệp, 10.335 ha lúa bị ngập, đổ; 6.187 ha hoa màu các loại bị ngập, hư hại; 11.561ha ngô, mía bị ngập; 1.784ha cây công nghiệp bị hư hại; 913 ha ao nuôi cá, tôm ngập, hư hại; 2.111 lồng bè nuôi trồng hải sản vỡ, trôi. 128 tàu, thuyền, chìm, vỡ. Mưa lũ làm 82.721m3 đất sạt lở, trôi, bồi lấp; 512 cột điện gãy, đổ, đứt 1.053km đường dây các loại; 121 công trình nhỏ, đập tạm vỡ, hư hỏng; 27.073m đê, kè, kênh mương trôi, hư hỏng; 20.060m3 khối lượng đất đá sạt lở, bồi lấp.

Hiện công tác khắc phục hậu quả bão lũ vẫn đang được gấp rút triển khai chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị Quân khu 5, Quân đoàn 3, Quân chủng Phòng không - Không Quân huy động tối đa lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và giúp dân khắc phục hậu quả của bão lũ.

Bộ Y tế có công văn yêu cầu công ty dược TWIII và Công ty CP thiết bị y tế Medinsco cấp cho Sở Y tế hai tỉnh Bình Định và Phú Yên mỗi nơi 30 cơ số thuốc PCLB, 500.000 viên CloraminB và 100 chiếc áo phao...

Bộ Quốc phòng đã điều động 4.172 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện tập trung công tác cứu hộ, cứu nạn. Quân chủng Phòng không - Không quân huy động 6 máy bay trực thăng thực hiện 23 lượt chuyến bay chở 25 tấn hàng cứu trợ cho tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên. Lực lượng công an các địa phương vùng lũ lụt đã tập trung lực lượng, phương tiện giúp dân sơ tán, cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực bị ngập và tại các nơi sơ tán, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ách tắc.

Đến 17h ngày 4.11, lưu lượng về và lưu lượng xả lũ của các hồ thủy điện đã giảm; tất cả các đường dây 500kV, 220kV, 110kV đã vận hành bình thường; lưới điện phân phối tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Khánh Hòa đã cấp được từ 97-100% phụ tải, do lưới điện vẫn còn bị ngập nên Bình Định mới cấp được 50% phụ tải, Phú Yên mới cấp được 9,4% phụ tải.

Tuyến QL1 đã thông xe, tuyến đường sắt Bắc - Nam còn bị ách tắc tại một số đoạn từ ga Tuy Hòa đi ga Diêu Trì; nhiều tuyến tỉnh lộ vẫn bị ách tắc giao thông, đặc biệt tại Bình Định, Phú Yên.

Tỉnh Quảng Ngãi đã huy động tối đa lực lượng quân đội, cảnh sát, bộ đội biên phòng trong việc giúp dân khắc phục bão lũ. Toàn tỉnh đã sơ tán 1.111 hộ/4.409 người ra khỏi vùng nguy hiểm.

 

Hàng cứu trợ làm ấm lòng bà con vùng lũ ở huyện An Nhơn (Bình Định).

 

Tỉnh Bình Định nhờ được tăng cường lực lượng, cùng nhiều phương tiện của quân đội nên đã tiếp cận được một số khu vực bị cô lập, di dời được 3.000 dân trong các vùng ngập sâu lên các vùng cao. Hiện vẫn còn một số vùng ngập sâu và bị cô lập như xã Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn), xã An Hòa (huyện An Nhơn)...

Tại Phú Yên: 3 máy bay trực thăng đã chở thực phẩm cứu trợ cho nhân dân các vùng bị chia cắt thuộc huyện Đồng Xuân. Tuy nhiên, vẫn còn một số xã thuộc huyện Tây Hòa và Phú Hòa bị chìm sâu và chia cắt.

Tỉnh đã huy động 10 xe khách trung chuyển gần 2.000 hành khách của 4 đoàn tàu đang bị kẹt tại Phú Yên đến ga Diêu Trì. Toàn tỉnh đã sơ tán được 4.207 hộ với 16.018 người ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Tỉnh Khánh Hòa đã sơ tán được 2.763 hộ với 10.989 người ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Tỉnh Ninh Thuận đã sơ tán được 1.359 hộ với 4.602 người và Gia Lai huy động 4 xe lội nước, 6 ca nô của Quân đoàn 3 tiếp cận ứng cứu nhân dân vùng ngập lũ thuộc 5 huyện phía đông nam của tỉnh.

. Theo SGGP

225 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 11

Cơn bão số 11 tràn vào các tỉnh ven biển miền Trung ngày 2.11 gây ra hậu quả nặng nề. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 76 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp thiệt hại 60 tỷ.  

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 225 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2009 và xuất, cấp không thu tiền 10.000 tấn gạo từ nguồn Dự trữ quốc gia, hỗ trợ cho các địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão số 11.

Cụ thể, phân bổ cho tỉnh Bình Định 70 tỷ đồng và 3.000 tấn gạo; Phú Yên 100 tỷ đồng  và 4.000 tấn gạo; Khánh Hòa 20 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo; Ninh Thuận 5 tỷ đồng; Gia Lai 30 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo.

Số tiền và gạo này nhằm hỗ trợ và thực hiện cứu đói cho dân, hỗ  trợ dân sinh, mua giống khôi phục sản xuất, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, thủy lợi, giao thông và vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh nói trên chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để khắc phục hậu quả bão lũ.

. Theo VOV

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Việt Nam - Lào nhất trí vị trí cắm mốc đại 460  (05/11/2009)
1.400 tỷ đồng lập quy hoạch xây dựng nông thôn  (05/11/2009)
Đảm bảo đời sống nhân dân khi xây dựng thủy điện Lai Châu  (05/11/2009)
Những con số buốt lòng  (05/11/2009)
Công trình trong hành lang an toàn điện được bồi thường đến 70%  (04/11/2009)
WB: VN đối phó tương đối tốt với khủng hoảng  (04/11/2009)
Hàng loạt tổ chức Đảng và cá nhân bị kiểm điểm  (04/11/2009)
Thủ tướng: Khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ  (04/11/2009)
41 người thiệt mạng vì lũ dữ  (04/11/2009)
Mức lương tối thiểu mới tại doanh nghiệp từ đầu năm 2010   (03/11/2009)
Bão số 11 quét qua Phú Yên - Khánh Hòa: 4 người chết và mất tích   (03/11/2009)
Quốc hội nghe trình bày về 4 dự án luật: Tạo điều kiện để vốn chảy mạnh hơn đến người dân  (02/11/2009)
Bão đến sớm, quần tơi tả Phú Yên, Bình Định  (02/11/2009)
Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất thế giới  (02/11/2009)
Xem xét chủ trương đầu tư các dự án năng lượng trọng điểm  (02/11/2009)