Gượng dậy sau lũ
10:29', 6/11/ 2009 (GMT+7)

* Bão số 11: 107 người chết, 11 người mất tích, 88 người bị thương

Đến cuối ngày 5.11 đã có 107 người chết do lũ (Phú Yên 72, Bình Định 18, Khánh Hòa 13, Gia Lai 3, Ninh Thuận 1), 11 người mất tích. Nhiều địa phương giờ đây đang khẩn trương khắc phục những thiệt hại. Thăm đồng bào gặp nạn ở Bình Định, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh yêu cầu không được để dân đói rét, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục chăm lo cứu trợ, giúp đỡ đồng bào vùng lũ.

 

Công nhân Võ Đình Ký tham gia sửa chữa đường sắt đoạn qua thị trấn La Hai, Đồng Xuân, Phú Yên.

 

Phú Yên: tập trung cứu đói

Đến sáng 5.11, con đường từ huyện Tuy An lên thị trấn La Hai (Đồng Xuân, Phú Yên) nhiều gia đình bắt đầu khẩn trương dọn dẹp sau trận lũ kinh hoàng. Nhà nhẹ nhất thì tốc mái, vỡ tường, nhiều nhà chỉ còn lại nền đầy bùn. Lần giở từng trang giáo án dính đầy bùn đất, cô giáo Đặng Thị Huyền Trang cho biết: “Nhà ngập lên tới nóc nên toàn bộ đồ đạc chìm trong biển nước. Toàn bộ giáo án và sách dạy của tôi nằm trong đống bùn nên giờ không biết phải làm sao cho khô”.

Đường sắt một số đoạn chạy qua Đồng Xuân cao hơn đường bộ 5m nhưng cũng không tránh khỏi cảnh bị nước nhấn chìm khiến nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng. Chỗ nhẹ chỉ hụt chân nhưng nơi nặng cả đoạn bị đánh bật khỏi trục đường hoặc lở đất hơn 1m.

Trên khắp các nẻo đường của thị xã Sông Cầu, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, đường sá giao thông, công trình thủy lợi bị sạt lở nghiêm trọng. Dọc các tuyến phố phường Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Thành..., nhà cửa xiêu vẹo, đổ nát. Ngày 5.11, Quân khu 5 đã điều động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ về thị xã Sông Cầu giúp dân làm kè chống sạt lở, dựng tạm nhà cửa để ở và tham gia cùng đoàn viên, thanh niên, nhân dân địa phương dọn vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Văn Luyện, phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết: “Trước mắt chúng tôi tập trung cứu đói, cứu khát cho người dân; huy động lực lượng dựng lại nhà cửa cho dân sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. Khắc phục hệ thống điện, các tuyến giao thông trên địa bàn thị xã và xử lý môi trường sau bão lũ; xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi để sớm khôi phục sản xuất, tái thiết thị xã tan hoang sau bão lũ”.

 

Em Trần Văn Ba (học sinh Trường tiểu học Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) ngồi thẫn thờ bên đống sách vở bị ướt sũng.

 

Khánh Hòa: khẩn trương thu dọn rác

Tính đến 19 giờ ngày 5.11, theo Ủy ban phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 13 người chết và 9 người bị thương. Trong hai ngày qua, tỉnh Khánh Hòa tập trung vào các hoạt động nhằm khắc phục hậu quả sau bão lũ. Tại TP Nha Trang, hơn 400 công nhân thuộc Công ty Môi trường đô thị Nha Trang đang khẩn trương thu dọn lượng rác khổng lồ dày 0,5-1m trên bãi biển Nha Trang để chuẩn bị đón khách du lịch đến thành phố biển sau bão lũ.

Theo ông Nguyễn Đăng Khoa - phó giám đốc Công ty Môi trường đô thị Nha Trang, lực lượng công nhân thu dọn rác trên hai đoạn bờ biển với tổng chiều dài khoảng 10km, trong đó chủ yếu làm từ công viên Bạch Đằng đến nhà hàng 378 Trần Phú. Ông Khoa cho biết trong hai ngày qua trung bình mỗi ngày công nhân dọn được khoảng 30 tấn “rác bão”. Mặc dù vậy, theo ghi nhận tại hiện trường của PV Tuổi Trẻ, lượng rác trên bãi biển Nha Trang còn rất dày.

Hỗ trợ 225 tỉ đồng và 10.000 tấn gạo

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 225 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2009 và xuất, cấp không thu tiền 10.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 11.

Theo đó, tỉnh Bình Định được phân bổ 70 tỉ đồng và 3.000 tấn gạo, Phú Yên 100 tỉ đồng và 4.000 tấn gạo, Khánh Hòa 20 tỉ đồng và 1.000 tấn gạo, Ninh Thuận 5 tỉ đồng, Gia Lai 30 tỉ đồng và 2.000 tấn gạo. Số tiền và gạo này được sử dụng để hỗ trợ và thực hiện cứu đói cho người dân, mua giống khôi phục sản xuất, khắc phục cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, thủy lợi, giao thông và vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh nói trên chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để khắc phục hậu quả bão lũ.

Kiểm tra tại Bình Định, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh:

Không được để dân đói

Chiều 5.11, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã về kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác ứng phó với bão lũ cũng như chỉ đạo một số biện pháp khắc phục hậu quả bão lũ tại Bình Định. Cùng đi với Tổng bí thư có Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã đến thăm hỏi, tặng quà đồng bào thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, nơi có 320 hộ dân với hơn 1.300 nhân khẩu bị nước lũ nhấn chìm và cô lập trong suốt bốn ngày qua. Tổng bí thư khẳng định: Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm chăm lo cứu trợ, giúp đỡ đồng bào vùng lũ.

Đồng thời, lưu ý tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung thực hiện tốt công cứu trợ cho dân, tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào bị đói vì thiếu ăn, bị rét vì thiếu quần áo, bị khát vì thiếu nước uống. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thiệt mạng trong lũ.

Tỉnh Bình Định và các lực lượng vũ trang tiếp tục tập trung giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, trong đó chú trọng công tác vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước và phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, tỉnh cần sớm khắc phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng do lũ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi để sớm ổn định đời sống và sản xuất cho dân sau lũ.

Đến 10.11 mới thông đường sắt Bắc - Nam

Thông tin từ thường trực ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Tổng công ty Đường sắt VN cho biết đến ngày 5.11, tuyến đường sắt Thống Nhất đoạn miền Trung đã có tới 25 điểm bị hư hại lớn do bão lũ. Dù huy động nhân lực, phương tiện thi công sửa chữa suốt ngày đêm nhưng do khối lượng hư hại quá lớn, ngành đường sắt chỉ đặt mục tiêu phấn đấu đến ngày 10.11 sẽ thông tàu bước 1 (tốc độ chạy tàu 5km/giờ) trên những đoạn đường bị hư hỏng.

Đến chiều qua, ngành đường sắt đã huy động hơn 1.000 công nhân làm việc ba ca để sửa chữa, khắc phục. Ước tính tổng kinh phí để sửa chữa phục vụ thông đường bước 1 cần khoảng 26,5 tỉ đồng. Tổng công ty Đường sắt dự tính cần ít nhất 50 tỉ đồng để khôi phục trạng thái ban đầu của tuyến đường sắt.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Bộ GTVT, quốc lộ 1 bị tắc trở lại do nước xói lở tại phía nam nút giao thông Phú Lâm đường tránh cầu Đà Rằng, Phú Yên. Mặt đường tại đây bị xói lở dài khoảng 20m gây tắc giao thông. Các đơn vị sửa chữa đường đã sử dụng phương án dùng dầm Bailey dài 30m để đảm bảo giao thông. Ước tính kinh phí thiệt hại đối với đường bộ đến ngày 5.11 khoảng 12 tỉ đồng.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lương tối thiểu khu vực hành chính, sự nghiệp tăng từ 1.5.2010  (05/11/2009)
Miền Trung huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả cơn bão số 11  (05/11/2009)
Việt Nam - Lào nhất trí vị trí cắm mốc đại 460  (05/11/2009)
1.400 tỷ đồng lập quy hoạch xây dựng nông thôn  (05/11/2009)
Đảm bảo đời sống nhân dân khi xây dựng thủy điện Lai Châu  (05/11/2009)
Những con số buốt lòng  (05/11/2009)
Công trình trong hành lang an toàn điện được bồi thường đến 70%  (04/11/2009)
WB: VN đối phó tương đối tốt với khủng hoảng  (04/11/2009)
Hàng loạt tổ chức Đảng và cá nhân bị kiểm điểm  (04/11/2009)
Thủ tướng: Khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ  (04/11/2009)
41 người thiệt mạng vì lũ dữ  (04/11/2009)
Mức lương tối thiểu mới tại doanh nghiệp từ đầu năm 2010   (03/11/2009)
Bão số 11 quét qua Phú Yên - Khánh Hòa: 4 người chết và mất tích   (03/11/2009)
Quốc hội nghe trình bày về 4 dự án luật: Tạo điều kiện để vốn chảy mạnh hơn đến người dân  (02/11/2009)
Bão đến sớm, quần tơi tả Phú Yên, Bình Định  (02/11/2009)