|
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Dệt may Mùa đông. |
Nền kinh tế khu vực đã tăng trưởng trở lại và tại sao khu vực Đông Á và Thái Bình Dương lại tiến bộ hơn các khu vực đang phát triển khác; liệu khu vực này có thể tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh như trước khi có khủng hoảng… là những vấn đề chính trong Báo cáo cập nhật Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng thế giới (WB) với chủ đề "Biến sự tăng trưởng trở lại thành giai đoạn phục hồi", công bố ngày 4.11.
Khu vực đang tăng trưởng trở lại
Báo cáo cập nhật khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB khi đánh giá về tình hình kinh tế khu vực này đã sử dụng đến các từ "đáng ngạc nhiên", "rất đáng hoan nghênh". Nếu nhìn vào một năm trước, khi toàn bộ khu vực chứng kiến sự giảm sút mạnh của các mặt hàng xuất khẩu, tỷ lệ sa thải công nhân tăng cao... thì nay, các gói kích thích mạnh và kịp thời về tài chính và tiền tệ ở các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, cùng với những biện pháp quyết đoán ở các nước phát triển nhằm ngăn chặn sự sụp đổ tài chính đã chặn đứng được đà suy giảm và lấy lại được sự tăng trưởng trở lại trong khu vực. Xu hướng mua lại cổ phần từ giữa năm 2009 cũng đã góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng…
Báo cáo cũng chỉ rõ, trong giai đoạn trung hạn, các nước đang phát triển Đông Á có thể duy trì mức tăng trưởng nhanh hay không còn phụ thuộc vào tiến hành hội nhập khu vực thông qua việc khuyến khích buôn bán hàng hóa và mở rộng các chính sách tự do thương mại sang các khu vực dịch vụ. Việc đẩy mạnh chuỗi giá trị thặng dư trong mạng lưới sản xuất toàn cầu sẽ tạo ra những xung lực mới cho tăng trưởng vì những lợi ích từ công nghệ và cải tiến sẽ nhân rộng ra khắp các quốc gia trong khu vực.
Tin tưởng sự phục hồi của Việt Nam
Đó là đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới đối với những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua. Bản báo cáo chỉ rõ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế đã làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Các đơn hàng xuất khẩu với các sản phẩm dệt may và các sản phẩm công nghiệp khác đều sụt giảm.
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực của Chính phủ hỗ trợ các hoạt động kinh tế, những dấu hiệu tích cực của sự phục hồi cũng đang xuất hiện. Chính phủ đã công bố gói kích thích bao gồm nhiều biện pháp khác nhau, từ việc trợ cấp lãi suất, hoãn thuế đến việc giải ngân thêm vốn. Kết quả là GDP đã tăng 4,5% vào quý II.2009 và 5,8% vào quý III, đẩy tốc độ tăng GDP thực sự đạt 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái tính từ tháng 1 đến tháng 9.2009. Một điều đáng mừng nữa là sự vươn lên của ngành xây dựng. Khu vực này đang dẫn đầu về tốc độ phục hồi với giá trị thặng dư trong ngành ước đạt tới tỷ lệ tăng trưởng hai con số trong cả năm.
Một yếu tố quan trọng khác góp phần làm nên quá trình phục hồi, đó là sức mua nội địa với mức tăng doanh thu bán lẻ thực tế lên 9,3% so với cùng kỳ. Mặc dù WB dự đoán mức tăng trưởng cả năm 2009 của Việt Nam sẽ là 5,5%, hoặc thấp hơn 2 phần trăm so với trung bình các năm trước, nhưng các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh sự tin tưởng rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tự tìm đường thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng một cách tốt đẹp.
Đề cập đến gói kích cầu thứ hai của Việt Nam, ông Vi-kram Nê-hru (chuyên gia của WB) và ông I-vai-lô I-vơ-xki (tác giả của báo cáo) đều vui mừng nhưng đồng thời cũng lưu ý, Chính phủ cần thận trọng yếu tố thâm hụt cán cân vãng lai. Tác giả chính báo cáo của WB còn nêu rõ, Việt Nam đã có công bố về chính sách gần đây cũng như trong tương lai để bảo đảm vẫn duy trì gói kích thích kinh tế nhưng vẫn mở rộng tiền tệ, nhưng chúng ta cần có những thận trọng để tránh những "bong bóng" về bất động sản. Ông cũng nêu rõ, việc đầu tư nhiều và hiệu quả hơn nữa vào giáo dục và đào tạo - nguồn nhân lực tương lai của Việt Nam - sẽ giúp sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.
. Theo HNM
|