Theo “Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” của UBTVQH đã được gửi tới các ĐBQH, tổng nguồn vốn của 90 TĐ, TCT tính đến 31.12.2008 là 1.241.000 tỷ đồng.
Báo cáo khẳng định, chỉ tính riêng trong năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước, mà chủ đạo là các TĐ, TCT đã đóng góp 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh những đóng góp về kinh tế, các TĐ, TCT còn đảm đương vai trò thực hiện những chính sách xã hội quan trọng.
Tuy nhiên, bản báo cáo cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, bất cập trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các TĐ, TCT. Về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, có tới 45,05% TĐ, TCT có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31.12.2008, tổng nợ tổ chức tín dụng của 7 tập đoàn (gồm các tập đoàn: Dầu khí, Than Khoáng sản, Cao su, Dệt may, Công nghiệp tàu thủy, Điện lực, Bưu chính Viễn thông) là 128.786 tỷ đồng, tăng 20,54% so với cuối 2007 và chiếm gần 10% so với tổng nợ tín dụng đối với nền kinh tế tại cùng thời điểm.
Đáng lưu ý, có 47 TĐ, TCT tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng... với tổng số vốn đầu tư rất lớn, cuối năm 2006 là 6.434 tỷ đồng, cuối năm 2007 là 16.190 tỷ đồng và cuối năm 2008 là 21.164 tỷ đồng.
Trong khi đó, hiệu suất đầu tư (lợi nhuận trên vốn đầu tư) tính chung là rất thấp, thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính của các đơn vị này. Nhiều tập đoàn đầu tư ra ngoài ngành, vào chứng khoán, mặc dù còn đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển các dự án quan trọng của Nhà nước.
Điển hình là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Năm 2008, đơn vị này đầu tư vào lĩnh vực tài chính khoảng 2.146 tỷ đồng, trong khi từ nay đến hết năm 2015 để đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn điện đơn vị còn thiếu 382.931 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2008 vẫn còn 23 đơn vị có lỗ lũy kế với tổng số tiền là 2.797 tỷ đồng.
Ngoài nội dung trên (được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi), trong tuần làm việc này, QH sẽ nghe báo cáo về các dự án Luật An toàn thực phẩm, Người khuyết tật; cho ý kiến về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bưu chính, Nuôi con nuôi, Thuế nhà đất; thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án thủy điện Lai Châu, điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ba nghị quyết quan trọng sẽ được QH xem xét, thông qua, gồm Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2010 và Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương 2010.
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM:
Tôi luôn nghĩ rằng cần có một đạo luật về quản lý, kinh doanh vốn nhà nước. Điều này càng thực sự cần thiết khi mà vào 1.7.2010, Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực, tất cả các loại hình doanh nghiệp đều tuân thủ một luật thống nhất - Luật Doanh nghiệp.
Tôi cho sẽ là một bất cập lớn, một khoảng trống lớn khi một khoản vốn của nhà nước lên tới 30 tỷ USD mà lại chưa có luật kinh doanh vốn nhà nước. Ở các nước, ví dụ như Malaysia, Tập đoàn Dầu khí Petronas của họ được quản lý bằng một đạo luật do QH thông qua hẳn hoi. Tập đoàn quốc gia đó có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh với QH. Có như vậy vốn của nhà nước mới được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. |
. Theo SGGPO |