Phải có luật về quản lý, kinh doanh vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
14:39', 9/11/ 2009 (GMT+7)

Đại biểu Mã Điền Cư - Quảng Ngãi

Sáng nay, 9.11, QH họp phiên toàn thể tại hội trường, giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước từ năm 2006 đến 31.12.2008. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên điều hành phiên họp.

Mở đầu phần thảo luận của QH sau khi Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo tóm tắt về vấn đề trên, ĐB Mã Điền Cư ghi nhận những mặt tích cực trong hoạt động của các TĐ, TCT và cho rằng, xu hướng tách bạch giữa quản lý – kinh doanh với việc mô hình Tổng công ty Đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước là rất đúng đắn.

Tuy nhiên, ĐB nhận xét, tình hình hoạt động của các TĐ, TCT nói chung và sử dụng vốn tại các DN này nói riêng “rất ít được công khai, minh bạch nên việc giám sát chưa được thường xuyên, liên tục”. Trong khi đó, hiện nay còn nhiều đầu mối quản lý vốn, khó có được con số chính xác, phản ánh đúng thực trạng. ĐB kiến nghị thành lập một cơ quan ngang cấp bộ để quản lý hoạt động của khối DNNN.

“Trước mắt, đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về quản lý vốn nhà nước. Về lâu dài, đề nghị QH ban hành luật về quản lý vốn nhà nước”, ĐB Mã Điền Cư nói.

Trong khi đó, ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) chia sẻ “cái khó” nhìn từ phía các TĐ, TCT nhà nước, khi họ vừa phải tuân thủ mệnh lệnh hành chính, vừa phải thực hiện Luật Doanh nghiệp, mà có khi hai sự “chỉ đạo” này có độ vênh nhất định. ĐB Hải yêu cầu: “Chủ sở hữu vốn chỉ can thiệp khi nào xét thấy vốn nhà nước đang có dấu hiệu bị thất thoát hoặc sử dụng không hiệu quả”.

Ông Hải cũng cho rằng, cần sòng phẳng hơn khi xử lý các trường hợp DNNN thua lỗ kéo dài, thậm chí có thể phải dứt khoát tiến hành giải thể các DN “càng để càng thua lỗ kéo dài, lỗ lũy kế càng lớn”. ĐB này cũng lưu ý đến cách đánh giá của các tổ chức tài chính tín dụng quốc tế về nợ xấu của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có cả nợ xấu của doanh nghiệp và nợ xấu của ngân hàng – vốn là hai yếu tố có quan hệ hữu cơ với nhau.

“Theo các tổ chức quốc tế thì nợ xấu của ta lên tới 13% tổng dư nợ. Tất nhiên, vấn đề cốt yếu nhất không nằm ở số nợ lớn mà ở chỗ khả năng trả nợ thế nào. Nhưng không thể không nghiêm túc nghiên cứu, tham khảo những đánh giá của họ”, ĐB Hải cung cấp thông tin.

Tiếp lời ông Hải, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), nhận xét, TCT có 4 lợi thế rất lớn chưa khai thác được hết, trong đó có một lợi thế mà báo cáo giám sát chưa nhắc đến, đó là tâm lý người tiêu dùng.

“Nhiều người Việt Nam vẫn giữ thói quen tin tưởng hơn vào hàng hóa do DN nhà nước sản xuất; song nhiều TĐ, TCT đã không biết cách tận dụng, để lãng phí niềm tin xã hội này". Ông Hùng tán thành các kiến nghị của UBTVQH, song đề nghị cụ thể hóa hơn nữa tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Có cùng quan điểm với ông Hùng, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) rành rọt phân tích: “Năm 2007 trừ trượt giá, lạm phát thì lợi nhuận của các TĐ, TCT chỉ còn 3% trên vốn chủ sở hữu, năm 2008 là -11% (âm 11%). Việc đầu tư ngoài ngành theo hướng đầu cơ ngắn hạn, lấn sân nhau đã làm lệch hướng con thuyền kinh tế của đất nước, không đảm bảo phát triển bền vững.

Trong khi yêu cầu đẩy mạnh tiến trình CPH DNNN, ĐB Loan nhấn mạnh: “CPH phải tránh “bình mới rượu cũ” kiểu như chuyển DN thành Công ty TNHH 1 thành viên nhà nước. Cần xác định rõ trách nhiệm của 1 đầu mối quản lý, nhưng lại phải có cơ chế kiểm soát hoạt động của cơ quan này”.

Những kiến nghị sau giám sát của UBTVQH (trích lược)

1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật liên quan đến doanh nghiệp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tế, có chế tài xử lý mạnh các hành vi vi phạm, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc về văn bản trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. Cụ thể như sau:

- Đối với Luật doanh nghiệp: cần nghiên cứu, sửa đổi một số quy định liên quan đến tỷ lệ biểu quyết thông qua những vấn đề quan trọng như chiến lược phát triển, tăng giảm vốn, quyết định nhân sự chủ chốt; sửa đổi điều lệ tại Đại hội cổ đông...

- Đối với Luật đất đai: cần sớm xem xét, sửa đổi các quy định để giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan đến giá đất, đơn giá thuê đất...; bổi sung các quy định về xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý đất được thuê, đất được giao có thu tiền sử dụng đất cho phù hợp; quy định về giao, cho thuê đất, nhà của nhà nước khi doanh nghiệp chưa có đủ hồ sơ pháp lý...  

Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh để quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

- Khẩn trương ban hành, sửa đổi các nghị định, thông tư hướng liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty

2. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vốn và tài sản tại tập đoàn, tổng công ty theo nguyên tắc phải có một đầu mối (Bộ Tài chính) chịu trách nhiệm chính theo dõi việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt.

3. Thực hiện triệt để hơn tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức đánh giá mô hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để có định hướng và giải pháp rõ ràng; đồng thời xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với đặc thù của SCIC.

Hoàn thiện cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên cơ sở làm rõ địa vị pháp lý, mối quan hệ với cơ quan quản lý vốn, cơ quan quản lý nhà nước (Bộ, Ủy ban nhân dân), trên cơ sở đó xác định cơ quan đầu mối quản lý về mặt nhân sự đối với đội ngũ cán bộ này.

4. Tổ chức rà soát đánh giá hoạt động của tập đoàn, tổng công ty để có biện pháp chấn chỉnh, củng cố các tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn hoặc hoạt động kém hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.

- Chấn chỉnh hoạt động đầu tư tràn lan ở một số đơn vị, nhất là sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro. Xây dựng những quy định cụ thể và điều kiện các tập đoàn, tổng công ty được phép đầu tư ra ngoài ngành sản xuất, kinh doanh chính.

- Đối với những tập đoàn, tổng công ty có vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế hiện đang gặp khó khăn về tài chính, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý tập đoàn, mặt khác cần cơ cấu lại theo hướng: (1) đánh giá thực trạng nhu cầu vốn của các tập đoàn, tổng công ty để có cơ chế xử lý bổ sung vốn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án; (2) cơ cấu lại tài sản theo hướng chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc không cần thiết cho hoạt động kinh doanh chính để tập trung nguồn lực phục vụ sản xuất - kinh doanh theo nhiệm vụ được giao.

- Có giải pháp xử lý triệt để tình trạng nợ dây dưa, nợ chiếm dụng không lành mạnh trong nền kinh tế đang gây trở ngại nghiêm trọng cho nhiều doanh nghiệp, nhất là các tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây lắp.

- Kiên quyết xử lý sớm, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, không để tình trạng vốn đầu tư của Nhà nước tiếp tục bị thất thoát. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp cổ phần hóa, bảo đảm đến 1 tháng 7 năm 2010 các công ty nhà nước thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

5. Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát đủ năng lực và điều kiện về quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty song song với việc tăng tính trách nhiệm của cơ quan quản lý; quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc về hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

- Xây dựng hệ thống quy chuẩn quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty. Phân định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, từng đầu mối về kết quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty.

- Có các cơ chế thưởng, phạt hiệu quả về hành chính, kinh tế để bảo đảm cho Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.

6. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và mô hình hoạt động của tập đoàn kinh tế, xây dựng thị trường kinh doanh lành mạnh theo nguyên tắc trước mắt giảm tối đa tính độc quyền của tập đoàn, tổng công ty

Nhà nước chỉ giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối đối với một số ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt. Các tập đoàn, tổng công ty này phải được củng cố về mặt tổ chức, kiện toàn bộ máy quản lý, áp dụng những chuẩn mực quản lý, kinh doanh hiện đại và có hiệu quả cao. Tiếp tục hoàn thiện mô hình công ty mẹ - công ty con theo nguyên tắc chủ sở hữu (công ty mẹ) được quyền định đoạt vốn, tài sản của công ty con theo quy định của pháp luật; lành mạnh hóa quan hệ sở hữu trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty theo hướng không cho phép công ty con đầu tư ngược trở lại vào công ty mẹ.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quốc hội đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổng công ty  (09/11/2009)
Giá vé tàu Tết Canh Dần dự kiến tăng đến 30%  (09/11/2009)
Tìm thấy xác 11 nạn nhân trong vụ sạt lở núi  (08/11/2009)
Phạt 500 triệu đồng nếu săn động vật rừng trái phép  (08/11/2009)
Hai tàu Hải quân Hoa Kỳ thăm thành phố Đà Nẵng  (08/11/2009)
Giúp dân ổn định đời sống sau cơn bão số 11  (08/11/2009)
Thiệt hại hơn 2.000 tỷ do bão số 11  (06/11/2009)
TP.HCM: Viện Pasteur sản xuất mẻ vaccine cúm A/H1N1 đầu tiên  (06/11/2009)
Thông qua mục tiêu tăng trưởng 2010 khoảng 6,5%  (06/11/2009)
Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2009  (06/11/2009)
Thủy điện miền Trung “xa lạ” với dự báo bão, lũ  (06/11/2009)
Gượng dậy sau lũ  (06/11/2009)
Lương tối thiểu khu vực hành chính, sự nghiệp tăng từ 1.5.2010  (05/11/2009)
Miền Trung huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả cơn bão số 11  (05/11/2009)
Việt Nam - Lào nhất trí vị trí cắm mốc đại 460  (05/11/2009)