|
Giá vàng đang lên cơn sốt |
Vượt khỏi ảnh hưởng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tăng một cách “điên loạn” trong ngày 9.11. Giá vàng đã vượt qua khỏi mức 26 triệu đồng/lượng và cứ tiếp tục tăng nhanh.
Giá vàng tăng “điên loạn”
Giá vàng thế giới ngày 9.11 tăng 13 USD/ounce so với giá cuối tuần qua, lên 1.108 USD/ounce. Riêng giá vàng trong nước tăng đến gần 1 triệu đồng/lượng so với cuối tuần qua.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng là 26,5 triệu đồng/lượng tại TP.HCM, ở Hà Nội là 26,52 triệu đồng. Lúc 17 giờ 20 cùng ngày, sau khi SJC nghỉ, giá vàng SJC ngoài thị trường lên đến 26,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng Thần tài Sacombank - SBJ là 26,56 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước hiện nay đang cao hơn giá thế giới khoảng 2,5 triệu đồng/lượng quy đổi theo giá USD ngân hàng và cao hơn 1 triệu đồng/lượng quy đổi theo giá USD tự do. Đại diện các công ty kinh doanh vàng như SJC, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)... đều lắc đầu không hiểu tại sao giá vàng lại tăng cao đến vậy. Mãi lực thị trường trong ngày 9.11 vẫn khá ổn định. SJC đã bán ra 3.000 lượng vàng trong ngày, lượng mua vào là 3.500 lượng vàng. Thị trường không có tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Nguyên nhân khiến giá vàng “điên loạn” được giới kinh doanh vàng giải thích là các hoạt động mua cắt lỗ của nhà đầu tư (NĐT) diễn ra mạnh. Nhiều NĐT trước đây vay vàng bán nay phải chấp nhận mua lại với mức giá cao để cắt lỗ.
Hiện thị trường vàng đang thiếu vắng sự tham gia của các ngân hàng, những đơn vị giữ vàng nhiều nhất hiện nay. Chưa kể gần đây, một số ngân hàng còn tăng lãi suất huy động vàng và lượng vàng huy động được từ dân cư cũng tăng. Ông Nguyễn Đức Thái Hân - Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - cho biết, lượng vàng huy động tiết kiệm tăng hơn so với lượng vàng mà ngân hàng mua được từ trong dân cư. Tình trạng cắt lỗ trong hoạt động kinh doanh vàng đã xuất hiện nhưng không đến nỗi ồ ạt.
Theo quy định, các ngân hàng được phép bán ra tối đa 30% lượng vàng huy động được. Thế nhưng trong ngày 9.11, 3 ngân hàng cổ phần có lượng vàng huy động khá cao trong hệ thống đều tránh, không cho biết ngân hàng có chủ trương bán vàng ra hay không. Nhiều khả năng các ngân hàng đang giữ vàng do nếu bán vàng ra thì sau đó ngân hàng phải mua lại trên thị trường quốc tế để cân đối nguồn hàng trong kho. Thế nhưng hiện quy định không cho nhập vàng, bên cạnh đó là giá USD đang tăng mạnh, việc ngân hàng bán vàng ra sau đó mua lại để cân đối vừa khó khăn vừa nhiều khả năng rủi ro.
Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi -TGĐ Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ, nhận xét: “Giá vàng tăng quá loạn và không biết còn tăng đến đâu. Khi bán vàng trong nước và mua đối ứng ra nước ngoài, đơn vị đối ứng chỉ còn một cách là ngồi chờ giá vàng thế giới cao hơn giá trong nước thì đơn vị đối ứng mới có thể đóng trạng thái được. Nhưng điều này khó có thể xảy ra nên việc bán vàng trong nước và đối ứng ra nước ngoài không thể thực hiện được”.
Hiệu ứng
Theo một người kinh doanh vàng lâu năm, với mức giá vàng hiện nay, các nhà đầu tư kinh doanh vàng vật chất “đán xuống” - tức vay bán trước sau đó chờ giá vàng giảm để mua trả lại - “chết chắc”. Từ đầu tuần trước đến nay, vàng chưa thấy dấu hiệu gì giảm giá. Các nhà đầu tư vàng thường ít cũng phải vay 100 lượng, nhiều đến vài chục ngàn lượng nên việc họ lỗ nặng trong cơn “bão” giá vàng này là chắc chắn.
Những người dân có vay mượn bằng vàng trở nên “khó thở” với mức giá không thể tưởng tượng nổi này. Mượn bà con 5 lượng vàng từ hồi tháng 5.2009 để mua nhà, anh Nam (Q.Gò Vấp, TP.HCM) gần như không thể tin rằng chỉ trong vòng 6 tháng, số tiền chênh lệch giá lên đến 6 triệu đồng/lượng vàng. “Cuối năm cắn răng trả chứ không lại khó ăn nói với bà con”, anh Nam nói. Trường hợp của bà H. (Q.1, TP.HCM) khóc dở chết dở khi năm 2006 vay vàng của ngân hàng để mua nhà, giá vàng lúc đó 10 triệu đồng/lượng. Bây giờ giá vàng tăng hơn 150% mà vẫn chưa trả hết. Bà H. cho biết nếu bán nhà thì cũng phải tính bằng tiền đồng và giảm giá chứ tính theo vàng thì chẳng ai mua.
. Theo TNO
|