* Sản xuất kinh doanh thực phẩm tươi sống sẽ phải có giấy phép
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trình Quốc hội dự án Luật An toàn thực phẩm. |
Sáng nay, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trình Quốc hội dự án Luật An toàn thực phẩm. So với Pháp lệnh VSATTP năm 2003, Dự thảo Luật quy định rộng hơn, bao quát hơn và cụ thể hơn các hoạt động trong lĩnh vực VSATTP. Bộ trưởng Bộ Y tế ngoài trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về VSATTP còn phải chịu trách nhiệm về độ an toàn của thực phẩm đối với sức khoẻ nhân dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, trong những năm qua, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, dù tình hình ngộ độc thực phẩm có giảm so với trước khi Pháp lệnh VSATTP được ban hành nhưng diễn biến vẫn còn khá phức tạp. Tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa bảo đảm ATTP còn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hoạt động liên ngành tuy đã được thiết lập, nhưng do các thành viên đều là lãnh đạo cấp bộ, ngành, lại hoạt động kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao, việc chỉ đạo chưa sát sao, sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa được chặt chẽ và thường xuyên.
Qua 6 năm thực hiện, Pháp lệnh VSATTP vẫn còn một số bất cập, nên cần thiết phải nâng lên thành Luật An toàn toàn thực phẩm.
So với quy định về phạm vi điều chỉnh trong Pháp lệnh VSATTP năm 2003, Dự thảo Luật quy định rộng hơn, bao quát hơn và cụ thể hơn các hoạt động trong lĩnh vực VSATTP. Ngoài việc bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật còn bao gồm cả kiểm nghiệm thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.
So với Pháp lệnh năm 2003, Dự thảo Luật có hẳn một chương quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm, với những điều kiện cụ thể đối với từng loại như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, các loại thực phẩm đặc biệt và trang thiết bị, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.
Đặc biệt, trong dự thảo luật có một mục riêng quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thức ăn đường phố. Cũng theo dự luật, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về VSATTP và chịu trách nhiệm về độ an toàn của thực phẩm đối với sức khoẻ nhân dân.
Thẩm tra dự án luật, liên quan đến điều kiện chung về bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Ủy ban KH-CN và MT cho rằng, theo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP trong giai đoạn 2004 - 2008 thì việc cấp giấy chứng nhận cơ sở SX-KD đủ điều kiện VSATTP còn bất cập, việc cấp giấy chứng nhận cho đối tượng này trên cả nước chỉ đạt 11,6%.
Nếu tiếp tục thực hiện theo quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở SX-KD đủ điều kiện VSATTP như đã làm thời gian qua tất sẽ gây tình trạng ách tắc, khó khăn cho cơ sở SX-KD thực phẩm. Do đó, việc quản lý SX-KD thực phẩm nên theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Hơn nữa, thực phẩm là loại sản phẩm, hàng hóa đặc thù, có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và sự phát triển giống nòi nên cần thiết phải được quản lý chặt chẽ.
Vì vậy, để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, dự thảo luật nên quy định quản lý điều kiện SX-KD thực phẩm theo hướng: Đối với thực phẩm thông thường như lương thực, đường, bánh kẹo... thì quản lý điều kiện SX-KD trên cơ sở tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đối với thực phẩm có nguy cơ cao như thịt, rau quả tươi sống, sữa, thủy sản… thì ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật các cơ sở SX-KD loại thực phẩm này phải có giấy phép do cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP cấp.
Cũng trong sáng nay, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét dự án Luật người khuyết tật. Chiều nay, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi).
. Theo SGGP |