Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Không xả lũ thủy điện miền Trung sẽ nguy hiểm hơn nhiều
14:39', 10/11/ 2009 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải

Vừa qua, dư luận hết sức quan tâm đến ý kiến cho rằng, sau cơn bão số 10 và số 11, các nhà máy thủy điện miền Trung đã xả lũ đúng lúc lũ lên cao khiến mức độ thiệt hại gia tăng. Hôm qua, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này. Phó Thủ tướng nói:

Khi nước từ thượng nguồn về thì hồ thủy điện tích nước để chống lũ. Nhưng khi quá khả năng thì phải xả nước, nếu không sẽ gây vỡ đập, nguy hiểm hơn nhiều.

Khi có bão Ketsana, tôi đang ở miền Trung, lúc nghe thông tin trên, tôi đã phải cử đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi kiểm tra. Nếu nhà máy thủy điện làm sai quy trình thì tôi sẽ kỷ luật ngay để làm gương. Nhưng qua kiểm tra, xác định hồ thủy điện A Vương làm đúng quy trình.

Trước khi lũ về, đơn vị vận hành đã đưa về mực nước chống lũ. Khi lũ đến, nhà máy đã dùng hết dung tích chống lũ rồi thì phải mở xả, đấy là quy định. Hồ thủy điện chỉ được nâng mực nước lên trên mực dâng bình thường đến mực nước gia cường khi tất cả cửa xả ở dưới đã mở hết. Mức nước gia cường (trên mức nước dâng bình thường khoảng 2m) là để đảm bảo an toàn cho đập, đấy là mức nước cuối cùng. Nếu sử dụng quá mực nước gia cường thì vỡ đập.

- Vậy thưa Phó Thủ tướng, nguyên nhân nào dẫn đến thiệt hại nặng nề của các trận bão lũ vừa qua?

Trong các trận lũ vừa qua, tại sao hồ thủy điện hứng lũ rồi mà vẫn xả ầm ầm là do toàn lũ lịch sử. Nhưng không thể ngừng được, bởi hồ thủy điện đã làm hết vai trò là chứa dung tích chống lũ. Nếu không xả sẽ gây vỡ đập thì lúc ấy là thảm họa. Vừa rồi, khu vực chúng ta hay tính đến nhất, lo nhất là ngư dân trên biển thì lại không gặp vấn đề lớn, số người chết rất ít.

Trên đất liền, chính những nơi chúng ta lo lắng có nguy cơ sụt lở đất, ngập nước thì đều sơ tán dân trước khi bão vào. Ví dụ bão Ketsana các địa phương đã sơ tán được mấy trăm ngàn dân. Như trận bão Mirinae vừa rồi riêng vùng hạ lưu sông Ba đã di dời 10.000 dân, tỉnh Khánh Hòa sơ tán 19.000 dân. Nhưng chỉ sơ tán được nơi mình tính, còn những nơi mình không tính đến (vì thường rất ổn định) lại gặp thiệt hại nặng. Điều đó thể hiện sự bất thường, không lường được của bão lũ.

Các trạm quan trắc của ta đều xây cao hơn mức lũ lịch sử, thế mà vừa qua nước về trên cả lũ lịch sử, cuốn cả trạm quan trắc như ở Kon Tum, Gia Lai. Chính sự bất thường của thiên tai khiến cho thiệt hại lớn.

- Thiên tai khó lường, nhưng người dân miền Trung nói rằng trước đây không có nhà máy thủy điện thì không có lũ lớn đến vậy?

Trước kia và kể cả từ khi có nhà máy thủy điện, chưa bao giờ có lũ lớn. Lũ lớn bất thường không phụ thuộc vào nhà máy thủy điện. Vừa rồi, 3 huyện của Phú Yên thiệt hại nặng nhất trong bão là Sông Cầu, Đồng Xuân và Tuy An ở phía Bắc, làm gì có nhà máy thủy điện. Nhà máy thủy điện sông Ba ở phía Nam của Tuy Hòa, xả nước có gây chết ai đâu. Nhưng nếu nói thủy điện chưa cắt được hết lũ thì đúng. Không một nhà máy thủy điện nào có thể cắt hết lũ, nó chỉ làm đúng nhiệm vụ. Hiện nay, các dự án thủy điện đều được cấp bộ quản lý, phê duyệt. Nếu dự án nào không hợp lý thì các bộ phải ngồi với nhau, xem đúng hay sai. Khi nào Thủ tướng kết luận đúng thì mới được làm. Chúng ta đừng nói thà không có thủy điện còn hơn, bởi nếu không có thủy điện ngoài điện thì lấy nước đâu mà dùng mỗi khi có hạn hán.

- Từ những thiệt hại vừa qua, ngoài nguyên nhân khách quan, chúng ta rút ra được bài học gì, thưa Phó Thủ tướng?

Bài học thứ nhất là nhận thức của người dân. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lũ lụt càng trầm trọng hơn. Nhận thức của người dân là phải luôn cảnh giác, bão lũ không còn theo quy luật mà luôn luôn có bất thường.

Thứ hai, dự báo của chúng ta không thể chính xác 100%, do thiếu phương tiện công cụ dự báo, biến đổi khí hậu khó lường và mạng lưới trạm quan trắc không đầy đủ.

Thứ ba, là biến đổi khí hậu làm cực đoan hóa các hiện tượng thời tiết. Trước đây mưa sau bão người ta gọi là mưa rửa bùn, mưa rửa đền, tức là mưa nhỏ, nhưng bây giờ mưa sau bão đều gây chết người. Mưa sau và trước bão đều vô cùng lớn, tạo nên các số liệu lịch sử.

Ngày xưa ta lo nhất là bão, nhưng giờ là lo lũ. Đấy là điểm cực đoan cần phải hết sức cảnh giác. Chính phủ phải cùng các nhà khoa học nghiên cứu, xây dựng kịch bản, chương trình hành động để đối phó với biến đổi khí hậu.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm  (10/11/2009)
Vàng bị “thổi giá”  (10/11/2009)
Chuẩn hiệu trưởng: 3 tiêu chuẩn và 23 tiêu chí  (10/11/2009)
Tách bạch nhiệm vụ xã hội với hiệu quả kinh doanh  (10/11/2009)
Phân cấp và lạm quyền  (09/11/2009)
Phải có luật về quản lý, kinh doanh vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước  (09/11/2009)
Quốc hội đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổng công ty  (09/11/2009)
Giá vé tàu Tết Canh Dần dự kiến tăng đến 30%  (09/11/2009)
Tìm thấy xác 11 nạn nhân trong vụ sạt lở núi  (08/11/2009)
Phạt 500 triệu đồng nếu săn động vật rừng trái phép  (08/11/2009)
Hai tàu Hải quân Hoa Kỳ thăm thành phố Đà Nẵng  (08/11/2009)
Giúp dân ổn định đời sống sau cơn bão số 11  (08/11/2009)
Thiệt hại hơn 2.000 tỷ do bão số 11  (06/11/2009)
TP.HCM: Viện Pasteur sản xuất mẻ vaccine cúm A/H1N1 đầu tiên  (06/11/2009)
Thông qua mục tiêu tăng trưởng 2010 khoảng 6,5%  (06/11/2009)