Mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), tiếp tục các giải pháp cân đối quỹ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thực hiện chính sách BHXH… Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Vai trò của chính sách BHXH và BHYT góp phần bảo đảm an sinh xã hội”, do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với một số cơ quan chức năng tổ chức ngày 14.11, tại Hà Nội.
20% số lao động chưa được đóng BHXH
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nhấn mạnh, với an sinh xã hội thì hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột. Chính vì thế những năm qua, chính sách BHXH đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Nếu như năm 1996, cả nước chỉ có 2,85 triệu người tham gia BHXH bắt buộc thì hiện nay con số này đã lên tới gần 9 triệu người. Tính bình quân, mỗi năm số người tham gia BHXH mới tăng trên 400.000 người. Bên cạnh đó, cũng đã có gần 50.000 người tham gia BHXH tự nguyện, dù chính sách này mới chỉ triển khai được gần 2 năm nay.
Ông Sinh cũng cho biết, với số tồn dư của Quỹ BHXH lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng (năm 2008 là trên 84.000 tỷ đồng), đã có hàng triệu người được hưởng các chính sách từ BHXH. Trung bình mỗi tháng, cơ quan BHXH chi trả lương hưu và trợ cấp cho khoảng 2 triệu người và hàng năm chi trả cho rất nhiều người hưởng trợ cấp BHXH một lần. Chỉ tính riêng năm 2008, gần 400.000 người được hưởng trợ cấp một lần và gần 3,5 triệu người lượt người được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp phục hồi sức khỏe.
Tuy nhiên, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, hiện việc thực hiện BHXH vẫn còn không ít khó khăn, trong đó nổi cộm lên là việc nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm việc thực hiện pháp luật BHXH, gây khó khăn cho công tác quản lý số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Qua điều tra cho thấy, số người làm công ăn lương thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc chưa có BHXH chiếm khoảng 20% tập trung vào người lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Lo xa hơn, BHXH Việt Nam cũng e ngại nguy cơ vỡ Quỹ BHXH trong tương lai, khi mà số người già tăng cao và số người trong độ tuổi lao động lại tụt giảm.
Thách thức mục tiêu BHYT toàn dân
Thống kê của Bộ Y tế, số người tham gia BHYT đã tăng từ 5,6% dân số (năm 1993) lên hơn 50% dân số (hiện nay). Đặc biệt đã có trên 15 triệu người nghèo và hàng triệu các đối tượng chính sách khác như: người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, nạn nhân da cam… đã được cấp thẻ BHYT miễn phí từ nguồn ngân sách.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế, cho biết, để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014 thì còn không ít thách thức.
Đó là việc bao phủ BHYT cho khu vực lao động tự do, như người lao động trong các hộ gia đình nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp… còn rất thấp. Cùng với đó, khả năng đáp ứng tài chính của Quỹ BHYT đối với nhu cầu chi phí y tế cũng là vấn đề lớn.
Đánh giá của WHO cho thấy, Việt Nam chỉ xếp thứ 183/194 nước (vùng lãnh thổ) về công bằng trong chăm sóc sức khỏe, vì người dân phải tự chi trả tới 73% chi phí chữa bệnh, trong khi WHO khuyến cáo tỷ lệ này chỉ nên dưới 50%.
Mặt khác, chất lượng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân, đặc biệt điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh giám sát
Theo ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, BHXH và BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội cơ bản nên nhiều năm qua Ủy ban đã đẩy mạnh hoạt động giám sát thường xuyên 2 lĩnh vực này. Qua đó cho thấy, đối với BHXH đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp mức đóng BHXH thấp hơn nhiều so với mức lương thực nhận và nợ đọng BHXH kéo dài.
Ông Lợi cũng cho rằng, trước những vấn đề còn bất cập trong việc thực hiện chính sách BHXH và BHYT đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải sớm có những chính sách và ban hành văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện hơn nữa pháp luật về BHXH và BHYT.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh đề nghị, Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường chỉ đạo kiểm soát viện phí, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đồng thời đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH và BHYT với hình thức xử phạt thật nặng đối việc trốn đóng BHXH và nợ đọng BHXH của doanh nghiệp.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng mã số an sinh xã hội cho toàn bộ người dân trong cả nước theo hướng mỗi công dân có một mã số an sinh xã hội duy nhất. Trên cơ sở đó để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.
. Theo SGGP |