Thông điệp đoàn kết từ cồng chiêng Tây Nguyên
10:13', 16/11/ 2009 (GMT+7)

Sau 4 ngày với 14 hoạt động diễn ra tại Pleiku và 1 hoạt động diễn ra tại thủ đô Hà Nội, tối 15.11, Festival cồng chiêng quốc tế năm 2009 đã bế mạc tại Quảng trường 17.3, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai theo chủ đề: “Cồng chiêng Tây Nguyên và thông điệp đoàn kết các dân tộc”.

Với nhiều tiết mục như "Truyền thuyết biển hồ", "Vòng tay Đam San"; Hoa văn và trang phục Tây Nguyên cùng phần trình diễn nghệ thuật đường phố với những tiết mục đặc sắc, buổi lễ bế mạc đã thực sự đem lại nhiều ấn tượng khó phai cho mọi người.

Trong những ngày hội lớn vừa qua, tất cả 63 đoàn cồng chiêng trong và ngoài nước (5 đoàn cồng chiêng quốc tế gồm Indonesia, Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines) đã giúp du khách mãn nhãn khi với những bài cồng chiêng đặc sắc, những bộ chiêng tốt nhất phản ánh những sắc màu văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Đây được xem là cuộc hội ngộ cồng chiêng lớn nhất từ trước tới nay. Qua Festival lần này, vùng đất Tây Nguyên - nơi có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sẽ mãi hấp dẫn trong hành trình khám phá của bao người.

Phát biểu trong lễ bế mạc, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban tổ chức nhấn mạnh: “Festival cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai đã khép lại với thông điệp, hãy bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của nhân loại, vì hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, cùng phát triển của các dân tộc anh em trong cả nước và khu vực. Đồng thời hứa hẹn mở ra một điểm đến đầy tiềm năng của Gia Lai và Tây Nguyên”.

Trong những ngày qua, hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và chiêm ngưỡng những nét độc đáo của bản sắc văn hóa của các tộc người thiểu số của các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tất cả những hoạt động đều tái hiện lại một cách sinh động và hấp dẫn, có sức thu hút mạnh đối với du khách, từ lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu mừng chiến thắng cho đến tạc tượng nhà mồ, làng văn hóa ẩm thực.

Đặc biệt, những vòng chiêng Tây Nguyên đã làm cho du khách quốc tế ngây ngất và say đắm lòng người từ điệu múa cho đến âm thanh.

Sau khi xem biểu diễn hoạt động tái hiện lễ "Mừng lúa mới" tại Công viên văn hóa Đồng Xanh, du khách Jean Michael đến từ Paris (Pháp) tâm sự: "Vợ chồng tôi đã đến Việt Nam nhiều lần. Lần này được nghe thông tin có Festival Cồng chiêng quốc tế, tôi quyết định đến đây chủ yếu là để tìm hiểu chứ không phải là để thưởng thức.

Thật không ngờ, càng xem càng thấy thú vị, hoạt động nào cũng hay và cũng hấp dẫn, nhất là những vòng chiêng của các tộc người thiểu số Bahnar - J'rai. Họ múa thật có hồn theo từng động tác và nhịp gõ cồng chiêng cũng toát lên những niềm vui, niềm tin trong đời sống cộng đồng của họ.

Mặc dù là lần đầu và hơn thế nữa là người nước ngoài, song phần nào tôi cũng đã hiểu được ý nghĩa của loại hình bản sắc độc đáo này".

Du khách Michael Barker đến từ New Zealand nhận xét bằng cả tấm lòng: "Tôi không tiếc tiền và công sức khi đến phố núi Pleiku để du lịch trong dịp này. Hay và rất tuyệt khi tận "mắt thấy tai nghe" những vòng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số các bạn. Càng nghe, càng thấy thì lại càng khó có thể dứt ra được.

Trong mấy ngày nay, ở địa điểm nào có diễn ra hoạt động cồng chiêng là tôi đến thưởng thức, không kể xa hay gần, có ngày tôi phải "chạy sô" đến 3 điểm. Lần du lịch sau tôi sẽ đến với Pleiku nhiều ngày và xuống tận buôn làng để được nghe tiếng cồng chiêng giữa đại ngàn thì sẽ hay hơn và ý nghĩa hơn.

Có lẽ vào tháng 3 năm sau tôi sẽ đưa vợ con tôi trở lại Pleiku để du lịch, nhiều người nói rằng vào thời điểm này ở các buôn làng dân tộc thường diễn ra các lễ hội lớn..."

Trong số các hoạt động của festival lần này có hội thảo "Sự thay đổi đời sống kinh tế, xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á".

Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu trong nước và thế giới tham dự và cùng nhau bàn bạc những phương án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng một cách tốt nhất, bền vững nhất.

Đó là tín hiệu vui cho cộng đồng các dân tộc thiểu số có cồng chiêng ở Việt Nam và các nước ở khu vực Đông Nam Á.

. Theo TTXVN/Vietnam+

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tuần này, Quốc hội chất vấn kết quả thực hiện lời hứa của Chính phủ  (16/11/2009)
Ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất  (15/11/2009)
Còn nhiều thách thức  (15/11/2009)
Lấn chiếm đất sẽ bị phạt tới 500 triệu đồng  (15/11/2009)
Cá nóc sẽ là hàng thủy sản xuất khẩu giá trị cao   (13/11/2009)
Nhiều phương án bán vé tàu Tết Canh Dần-Vẫn khó với khách lẻ!   (13/11/2009)
Chi 22.000 tỷ đồng điều chỉnh lương tối thiểu   (13/11/2009)
Sốt giá vàng, ai hốt bạc?   (13/11/2009)
Khai mạc Festival Cồng chiêng quốc tế 2009 tại Gia Lai   (13/11/2009)
1,2 triệu liều vắcxin A/H1N1 cho phụ nữ có thai  (12/11/2009)
Việt Nam thành công trong cắt giảm đói nghèo  (12/11/2009)
Năm 2010, Quốc hội sẽ giám sát việc thành lập trường và chất lượng giáo dục đại học  (12/11/2009)
Nhà nước ra tay, giá vàng tụt áp  (12/11/2009)
Xả lũ ồ ạt vì “mù” thông tin  (12/11/2009)
Chuyên gia Thụy Sĩ đánh giá khả quan về thị trường chứng khoán Việt Nam  (12/11/2009)