Phá sản vì đầu cơ vàng
10:45', 19/11/ 2009 (GMT+7)

Thông qua hoạt động đánh giá lên giá xuống, giới đầu cơ đã tạo ra những cơn sóng vàng làm nao núng nhiều người trong xã hội. Nhưng trong ngày thứ tư đen tối (11.11), giới đầu cơ vàng cũng trở thành nạn nhân của sóng vàng khi giá leo lên gần 30 triệu đồng/lượng.

“Chết” trong ngày thứ tư đen tối của thị trường vàng chủ yếu là những nhà đầu cơ vàng đã tạo sóng vàng bằng nguồn vốn vay, từ đó dắt dây dính chùm nhiều người.

 

Đầu cơ vàng miếng, tiền tươi lời ít

Chuyện kiếm tiền của giới kinh doanh vàng chủ yếu vẫn dựa vào việc đầu cơ vàng, mua vào hoặc bán ra để làm thay đổi giá vàng trên thị trường, qua đó hưởng chênh lệch. Khi đánh giá xuống, giới kinh doanh sẽ tung vàng ra bán để đẩy giá xuống, sau đó mua lại. Còn đánh giá lên là thu gom, sau đó kìm hàng đẩy giá, khi giá lên thì bán ra thu lợi.

Với giới đầu cơ vàng miếng, họ đầu cơ cả ba loại vàng: vàng bóng (vàng ký được nhập khẩu), vàng bóng phân (được phân kim từ nữ trang nên chất lượng chưa đạt bốn số 9) và vàng miếng của các thương hiệu vàng có tiếng, chủ yếu là vàng SJC.

Việc đầu cơ của giới kinh doanh vàng diễn ra khá dễ dàng nhờ cách tổ chức kinh doanh chặt chẽ và bài bản. Dù không ai đứng ra tổ chức nhưng hệ thống kinh doanh gồm các cửa hàng vàng được tổ chức khá lớp lang. Đầu tiên là các cửa hàng vàng F1. Để được gọi là F1 thì cửa hàng vàng đó phải có vốn và có thể thực hiện các vụ mua bán vàng cỡ chục đến hàng chục ngàn lượng. Các cửa hàng F2 quy mô nhỏ hơn, chỉ khoảng vài trăm lượng. Dưới nữa là cửa hàng F3 với quy mô cỡ 100 lượng, F4 cỡ vài chục lượng.

Các cấp cửa hàng này rất gắn bó với nhau và đặc biệt thường đánh theo một hướng. Khi F1 đánh giá lên thì đồng loạt các F còn lại sẽ đồng thanh đồng lòng đánh giá lên và ngược lại, từ đó tạo ra những đợt sóng vàng trên thị trường. Chỉ cần F1 tung chiêu mua vào 1.000 lượng vàng, lập tức các F khác cũng làm thế. Nếu mỗi F tùy vào quy mô vốn của mình mà cất vàng đi, không bán ra thì thị trường sẽ trở nên khan hiếm.

Bên cạnh đó, giới kinh doanh vàng làm ăn trên chữ tín, mua/bán chẳng cần hợp đồng, chỉ cần cuộc điện thoại, nghe đúng giọng của đối tác là chốt giá và số lượng. Sau đó dù giá có biến động, hàng vẫn được giao dịch theo đúng những gì hai bên đã chốt giá. Với một thị trường khá kỷ luật như thế, giới kinh doanh vàng dễ dàng làm giá trên thị trường. Khi có thua lỗ, họ cũng gồng mình chịu đựng và tự giải quyết với nhau hơn là làm to chuyện.

Để có thể thực hiện một phi vụ đầu cơ, giới kinh doanh phải tổng hợp, phân tích và phán đoán tình hình trong và ngoài nước. Đặc biệt, họ khai thác tối đa thông tin về tình hình ngoại tệ, các chủ trương chính sách liên quan vàng và ngoại tệ như lệnh cấm nhập khẩu vàng. Từ đó sẽ đưa ra quyết định đánh lên hay đánh xuống. Khi đã có quyết định, các hoạt động đầu cơ được đưa ra để đẩy giá.

 

Giá vàng trên thị trường luôn bị thao túng bởi giới đầu cơ lướt sóng vàng

 

Đầu cơ bằng vốn vay

Tuy nhiên, đầu cơ theo phương thức trên là không hấp dẫn vì phải tiền trao cháo múc, vốn bao nhiêu đầu cơ bấy nhiêu, “tiền tươi thóc thật” vì thế không có lời nhiều nhưng rủi ro cũng ít. Từ đó một vài công ty kinh doanh vàng lớn đã đi tìm cảm giác mới là dùng tiền vay của ngân hàng để kinh doanh vàng. Hoạt động này đỏ đen nhiều hơn, lãi cao nhưng mất tiền cũng bộn vì có sử dụng vốn vay.

Phương thức đầu cơ vàng bằng vốn vay được thực hiện thông qua ngân hàng. Cụ thể như sau: doanh nghiệp chốt giá bán vàng với khách hàng nhưng trong tay chưa có vàng. Doanh nghiệp sẽ mang tiền đến ngân hàng để vay lấy vàng bán. Số tiền phải đưa vào ngân hàng tương đương 107-110% lượng vàng cần vay. Trong đó, phần tiền nộp vào cao hơn 7-10% giá trị vàng sẽ vay được xem là phần tiền ký quỹ để ngân hàng xử lý trong trường hợp giá vàng tăng cao hơn so với thời điểm vay.

Trường hợp giá vàng tăng mạnh kéo tỉ lệ ký quỹ giảm còn 5%, ngân hàng sẽ yêu cầu người vay bổ sung tiền ký quỹ để duy trì mức 7-10%. Trường hợp giá tăng thêm, số tiền cầm cố chỉ còn tương ứng 103% giá trị số vàng đã vay, người vay không bổ sung tiền ký quỹ thì ngân hàng sẽ xử lý hợp đồng để thu nợ. Ngược lại nếu giá vàng giảm, doanh nghiệp sẽ tất toán số vàng đã vay để thu lãi.

Ngày thứ tư đen tối

Đợt biến động của giá vàng vừa qua, đa số cửa hàng vàng đoán giá sẽ xuống nên đã cầm cố VND để vay vàng bán. Tuy nhiên giá vàng tăng “điên cuồng”, người vay phải liên tục bổ sung tiền ký quỹ. Cao điểm trong sáng 11.11, chỉ trong vòng hai giờ giá vàng tăng hơn 3 triệu đồng/lượng khiến người vay kiệt sức đành nhắm mắt xuôi tay.

Không ít trường hợp vì muốn mua vàng để trả nợ cắt lỗ đã đẩy giá mua lên thật cao, chấp nhận mua bằng mọi giá để có vàng trả nợ. Từ đó những người có vàng càng được thể đẩy giá lên cao, đỉnh điểm là 30 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, giá cao nhưng không phải ai cũng gom đủ vàng. Vì thế một số chủ tiệm vàng đã chủ động đề nghị ngân hàng xử lý tài sản thế chấp vì không biết được điểm dừng của giá vàng, trong khi tốc độ bổ sung tiền ký quỹ chỉ tính theo phút. Tất nhiên, giá quy đổi cũng là giá vàng tại thời điểm chuyển đổi hợp đồng vay. Ví dụ ở thời điểm vay giá vàng là 20 triệu đồng/lượng, nếu vay 1.000 lượng sẽ tương đương 20 tỉ đồng. Nhưng ở thời điểm chuyển đổi hợp đồng vay, giá vàng là 29 triệu đồng/lượng thì số nợ mới sẽ là 29 tỉ đồng thay cho 1.000 lượng vàng.

Theo các ngân hàng, để có thể chuyển nợ vay vàng sang VND, họ cũng phải mua vàng hoặc cân đối nguồn vàng tương ứng mới dám đồng ý cho người vay chuyển nợ từ vàng sang VND.

Việc chuyển đổi nợ vay từ vàng sang VND diễn ra nhanh chóng, bởi trước đà tăng của giá vàng, cả người vay lẫn ngân hàng đều muốn giải quyết nhanh gọn. Khi đã đặt bút ký lại hợp đồng để thoát khoản vay vàng, nhiều nhà đầu cơ đã thở phào. Cao điểm của hoạt động chuyển đổi hợp đồng này là từ 9g - 12g ngày 11.11.

Trưởng phòng kinh doanh một ngân hàng cho biết với mức tăng đến 3 triệu đồng/lượng, những người vay số lượng lớn không tài nào xoay đủ tiền để bù vào. Trường hợp người đã vay và bán vàng ở mức giá thấp thì càng khó hơn do trước đó đã phải nhiều lần bổ sung tiền ký quỹ theo đà tăng của giá vàng.

Thế nhưng kể từ trưa, tin Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng trở lại khiến giá vàng giảm mạnh, giới đầu cơ đã lỡ chuyển đổi hợp đồng hoặc chịu cắt lỗ như chết đứng.

Các ngân hàng cho biết gần đây do giá vàng đã tăng quá nhanh nên hầu hết ngân hàng hạn chế cho vay bằng cách tăng tỉ lệ ký quỹ, từ 7-10% lên 15% hoặc cao hơn nữa tùy tình hình thị trường.

Những ngày này, giới đầu cơ vàng đang phải “dọn dẹp” chiến trường sau sự cố 11.11. Chưa rõ điểm dừng của cơn sốt giá vàng. Sẽ còn có thêm sóng trên thị trường vàng được tạo ra từ giá vàng thế giới và  không loại trừ có thêm hoạt động đầu cơ từ thị trường trong nước. Nhưng như giới kinh doanh vàng đã thừa nhận, đầu cơ lướt sóng vàng lãi lớn nhưng thua cũng đậm, bạo phát luôn đi cùng với bạo tàn.

Dắt dây

Để có tiền mặt ký quỹ ở các ngân hàng, một số chủ cửa hàng vàng đã vay tiền của bạn hàng và người thân. Vì thế khi giá vàng tăng chóng mặt, bị buộc phải cắt lỗ, các cửa hàng vàng này chỉ đủ tiền trả cho ngân hàng, không còn tài sản để thanh toán các khoản nợ vay bên ngoài.

Bên cạnh đó, không chỉ tự kinh doanh, các tiệm vàng, đặc biệt các cửa hàng vàng lớn, còn kiêm chức năng kinh doanh hộ khách hàng để hưởng chênh lệch giá mua - bán với tỉ lệ ký quỹ thấp hơn của ngân hàng. Đây cũng là một rủi ro cho các cửa hàng vàng. Do các ngân hàng ràng buộc khá kỹ nên khi giá vàng giảm mạnh, các chủ tiệm vàng lớn phải bổ sung tiền ký quỹ. Trong khi đó, các chủ tiệm vàng lớn có cho vay vàng quy định tỉ lệ ký quỹ thấp hơn, điều kiện lại không chặt chẽ. Khi bên vay vàng không chịu bổ sung tiền, các cửa hàng vàng lớn có cho vay vàng lãnh đủ.

Cũng có trường hợp người vay đồng ý bổ sung tiền ký quỹ, nhưng do phải gom tiền từ nhiều nguồn trong khi ngân hàng không thể chờ được buộc phải xử lý hợp đồng. Do vậy khi giá vàng giảm lại, người vay vàng mang vàng đến trả thì mọi việc đã an bài.

Ngoài ra, một số người dân có sẵn vàng hoặc tiền nhàn rỗi muốn chờ cơ hội kinh doanh cũng đem gửi sẵn ở tiệm vàng để kịp thời mua bán, đồng thời được hưởng lãi suất do tiệm vàng trả. Phần tiền này được các tiệm vàng dùng để cho khách hàng có nhu cầu vay đánh lên đánh xuống. Với các nghiệp vụ này, các tiệm vàng dù không được cấp phép nhưng đã làm chức năng giống như ngân hàng là cũng cầm cố, cho vay...

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chưa hoàn tất thủ tục nhập vaccine cúm A/H1N1  (19/11/2009)
Công nhận chức danh hơn 700 giáo sư và phó giáo sư  (19/11/2009)
Không sử dụng đất lúa 2 vụ để xây dựng sân golf  (18/11/2009)
Gây ô nhiễm môi trường có thể bị xử 10 năm tù  (18/11/2009)
Hai bộ trưởng hứa kiểm tra vụ công ty “con” của Vinafood 2  (18/11/2009)
Vàng nhập khẩu đủ hạ “sốt” nhưng chưa hạ giá trong nước  (18/11/2009)
Mổ xẻ nhiều vấn đề liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân  (18/11/2009)
Trả lời của Thống đốc NHNN chưa làm hài lòng đại biểu  (17/11/2009)
Phản đối Trung Quốc lập ủy ban thôn đảo ở Hoàng Sa  (17/11/2009)
Hoa Kỳ trợ giúp nạn nhân bão tại Việt Nam 1 triệu đô la  (17/11/2009)
Hôm nay 17.11: Quốc hội bắt đầu chất vấn  (17/11/2009)
Kỷ niệm 79 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam  (17/11/2009)
Sẽ cải thiện đáng kể chất lượng dự báo mưa lũ  (16/11/2009)
Không thể bỏ lãi suất cơ bản!  (16/11/2009)
Thông điệp đoàn kết từ cồng chiêng Tây Nguyên  (16/11/2009)