Sáng nay, Đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng:
"Nóng" chuyện tham nhũng và trách nhiệm người đứng đầu
14:45', 19/11/ 2009 (GMT+7)

* Thủy điện: Đầu tư là cần thiết nhưng phải rà soát

Sáng nay, 19.11, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, sau phần báo cáo giải trình rõ thêm một số vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu. Những vấn đề được các đại biểu quan tâm là tình trạng tham nhũng và trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, bộ ngành.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng nay, 19.11.

 

Xét xử tham nhũng chậm: Thủ tướng cũng sốt ruột

Hai chất vấn đầu tiên từ ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) và Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đều tập trung vào vấn đề phòng chống tham nhũng. ĐB Lê Văn Cuông cho rằng, tình hình tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều vụ án kết luận, điều tra, truy tố quá chậm, có biểu hiện “đầu voi đuôi chuột”.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nói, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt kết quả bước đầu được nhân dân đồng tình như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tất cả các cấp các ngành, hoàn thiện thể chế luật pháp theo hướng công khai, minh bạch hơn, nhân dân giám sát, kiên quyết xử lý những vụ án mà nhân dân quan tâm. "Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương do tôi đứng đầu kiểm điểm và thấy rằng đã làm được nhiều việc nhưng cần phải tiếp tục triển khai kiên, quyết đồng bộ hơn. Các vụ việc được phát hiện đều chỉ đạo điều tra, truy tố xét xử đúng pháp luật. Còn tại địa phương, Ban chỉ đạo có nơi mới thành lập xong, đúng là cần cố gắng nhiều hơn", Thủ tướng giải thích. ĐB Lê Văn Cuông chất vấn tiếp: “Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng ở địa phương do Chủ tịch tỉnh, thành đứng đầu liệu có ổn không, vì dễ vừa đá bóng, vừa thổi còi?”. Thủ tướng cho rằng, vấn đề này đã được thảo luận kỹ, cần theo dõi tiếp rồi mới đưa ra đánh giá.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Thuyết bức xúc về vụ PCI và một số nghi án tương tự trong thời gian vừa qua. "Đang lộ diện dần một số biểu hiện mới của tội phạm tham nhũng, cụ thể là nhận hối lộ của tổ chức cá nhân nước ngoài, hối lộ tổ chức cá nhân nước ngoài, rửa tiền ở nước ngoài. Nhưng hiện nước ta chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng kết quả của các cơ quan điều tra nước ngoài và một số trình tự thủ tục khác. Chính phủ đã chuẩn bị thế nào về mặt luật pháp để hội nhập và sắp tới sẽ áp dụng biện pháp như thế nào để phòng chống loại tội phạm này?", ĐB Thuyết đặt câu hỏi. Thủ tướng nhắc lại diễn biến của vụ PCI và cho biết đích thân đã trực tiếp yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam tìm hiểu, phối hợp với phía Nhật Bản để giải quyết vụ việc. "Những gì chúng ta có chứng cứ, liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ và một số cá nhân khác, chúng ta đã xét xử theo pháp luật Việt Nam", Thủ tướng nói. Thủ tướng cho biết thêm, phía Việt Nam hiện cũng đã yêu cầu Nhật Bản cung cấp những chứng cứ mà phía Nhật có được. Chính phủ cũng đã cấp kinh phí để dịch thuật hồ sơ do phía Nhật Bản cung cấp. "Phải xem đó là một nguồn thông tin để chúng ta điều tra theo pháp luật Việt Nam. Đây là độc lập chủ quyền của chúng ta, bảo đảm tinh thần đúng người đúng tội, không bỏ sót tội nhưng không làm oan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho rằng, đối với những việc thông tin từ bên ngoài cho rằng có biểu hiện đưa hối lộ cho quan chức nào đó của Việt Nam Chính phủ đều rất quan tâm, giao cơ quan chức năng phối hợp tìm hiểu, xem xét xử lý nghiêm túc theo luật pháp Việt Nam. Ví dụ vụ báo chí Úc đưa tin về việc có đơn vị doanh nghiệp của Úc hối lộ để được in tiền Việt Nam, một mặt Chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng Việt Nam tìm hiểu vấn đề, nắm tình hình, kiếm tra đồng thời giao cho Bộ Ngoại giao làm việc với cơ quan chức năng của bạn. "Chúng ta kiên quyết trước mọi biểu hiện, hành vi tham nhũng nhưng phải làm khách quan, đầy đủ, nghiêm túc theo đúng pháp luật Việt Nam, với tinh thần không để sót tội phạm, không làm oan cho ai. Tất cả phải bằng chứng pháp luật, trên cơ sở pháp luật", Thủ tướng nói. Ông thừa nhận bản thân cũng rất sốt ruột trước các vụ trọng điểm chậm, nhưng cho rằng quá trình điều tra đòi hỏi phải chặt chẽ, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan.

Ít xử lý lãnh đạo địa phương: Phải chăng Thủ tướng có khó khăn, ngại?

Một vấn đề khác được ĐB Lê Văn Cuông đưa ra là chất lượng đại học (ĐH) thời gian qua có vấn đề, như tình trạng trường ĐH được thành lập tràn lan, dễ có tiêu cực thì trách nhiệm thuộc về ai? Thủ tướng thừa nhận thực tế này nhưng cho biết chỉ có 12 trường ĐH được kết luận là kém chất lượng. "Chất lượng ĐH phải nhìn nhận nhiều mặt. Không nên chỉ vì một vài trường hợp mà  phủ nhận cả thành tựu của ngành giáo dục ĐH. Chính phủ cũng đã yêu cầu chấn chỉnh các sai phạm", Thủ tướng nói. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn: "Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về Chính phủ, về Thủ tướng, về Bộ GD-ĐT. Chúng tôi đã thấy, đã tiếp thu và đã chấn chỉnh", Thủ tướng nói.

Liên quan đến vấn đề chất lượng cán bộ lãnh đạo ở địa phương ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đặt câu hỏi vì sao chưa thấy Thủ tướng xử lý kỷ luận lãnh đạo tỉnh, thành nào dù hiện nay tình trạng kỷ cương hành chính chưa nghiêm, trên bảo dưới không nghe. "Thủ tướng gặp khó khăn hay Thủ tướng ngại?", ĐB này đặt vấn đề. "Đại bộ phận cán bộ của chúng ta là tốt. Tuy nhiên, không tránh khỏi một bộ phận yếu kém, có sai phạm. Ai sai phạm phải bị xử lý nhưng phải có quy trình xử lý cán bộ. Tôi thấy đã làm đúng chức trách của mình", Thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm: “Chúng ta không mong cán bộ bị xử lý, phải cùng nhau làm tốt nhiệm vụ của mình". Đây cũng là thông điệp Thủ tướng gửi tới ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) khi ĐB này hỏi tại sao Thủ tướng chưa kỷ luật chủ tịch tỉnh, huyện vì thiếu sót để mất rừng.

Thủ tướng tái khẳng định "Chính phủ đã thấy, đã kiểm điểm, đã nghiêm túc rà soát những quy định, rà soát đội ngũ cán bộ công chức" khi đề cập đến vấn đề 80% khiếu nại tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai như ĐB Nguyễn Minh Thuyết đặt ra. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã rà soát, tổng kết và đang tiến hành sửa Luật Đất đai.

Thủy điện: Đầu tư là cần thiết nhưng phải rà soát

Phần chất vấn Thủ tướng sáng nay cũng khá “nóng” với vấn đề thủy điện từ thực tế lũ lụt ở miền Trung thời gian qua. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bày tỏ sự "thỏa mãn" đối với phần báo cáo bằng văn bản của Thủ tướng khi đề cập đến vấn đề này, vì cho rằng "qua câu trả lời của Bộ trưởng Công thương và Bộ TN-MT hôm qua thì ĐB chưa hài lòng". ĐB này đề xuất: “Mong Thủ tướng chỉ đạo thêm để công trình thủy điện đạt hiệu quả tổng hợp, sao cho các bộ, ngành liên quan ngồi lại với nhau để giải quyết quy trình vận hành liên hồ. Nếu không nhân dân sẽ tiếp tục kiến nghị".

Giải thích về vấn đề này, Thủ tướng khẳng định đầu tư phát triển thủy điện là cần thiết, vì đó là tiềm năng lớn, là nguồn lực cần phải khai thác. "Hiện các dự án thủy điện đang triển khai đúng các mục tiêu. Kết quả rất rõ khi đến nay thủy điện đã cung cấp 30% điện năng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng thừa nhận thực tiễn đang bộc lộ một số vấn đề. Đó là biến đổi khí hậu, là thiên tai bão lũ nằm ngoài khả năng dự báo và không thể lường hết. Nguyên nhân ở đây không chỉ do năng lực trình độ mà là do diễn tiến mới của sự việc. "Trước tình hình này Chính phủ đã chỉ đạo ba việc. Thứ nhất là rà soát lại quy hoạch, xem cái nào phù hợp, cái nào không. Căn cứ vào kịch bản mới nhất của biến đổi khí hậu và diễn biến bão lũ phức tạp vừa qua để điều chỉnh phù hợp, bổ sung cái cần thiết sao cho thích nghi với thiên nhiên, hạn chế thiệt hại. Bộ Công thương đang lập đoàn kiểm tra, chúng tôi sẽ có hội đồng đánh giá nghiêm túc. Thứ hai, các yêu cầu đối với một công trình thủy điện phải hết sức chặt chẽ. Từ các yêu cầu này, Bộ Công thương đã ban hành một bộ tiêu chí để xem xét, thẩm định phê duyệt từng dự án thủy điện xem đạt hay chưa. Chúng tôi yêu cầu rà soát qua thực tế để bổ sung tiêu chí. Thứ ba, dù hồ chứa nào, hồ thủy lợi hay thủy điện đều phải có quy trình vận hành liên hồ", Thủ tướng nói thêm. Ông cũng khẳng định, quy trình thẩm định, quy hoạch, giám sát phải làm chặt chẽ.

- ĐB Lê Thị Dung (An Giang): Quyết định 497 được coi là gói hỗ trợ lãi suất dành cho nông dân. Người dân ấm lòng với những quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhưng khi triển khai người dân bị sốc do gặp khó khăn. Sắp tới, tiếp tục thực hiện Quyết định 497, người nông dân có thực sự là người được thụ hưởng không?

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Các chính sách hỗ trợ kích thích kinh tế để đạt mục tiêu tổng hợp vừa ngăn chặn suy giảm kinh tế, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Quyết định 497 của Thủ tướng là hỗ trợ cho nông dân mua máy móc, vật tư để sản xuất nông nghiệp, mua vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn. Tuy nhiên, đúng là ngay từ đầu năm chưa tính đến quyết định này nên cuối tháng 4 mới ban hành, cuối tháng 8 Bộ Công thương mới có hướng dẫn. Tháng 9 mới đi vào bắt đầu triển khai. Tháng 10 các đại biểu Quốc hội ra đây họp rồi. Cho nên đi vào cuộc sống chưa được bao nhiêu. Đây là một hạn chế trong cụ thể hóa chủ trương.

Chính phủ yêu cầu đánh giá lại việc này, sửa đổi bổ sung để hỗ trợ cho nông dân mua sắm máy móc nông nghiệp nhằm cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp để giảm thất thoát sau thu hoạch. Để sửa đổi bổ sung những điều cụ thể trong Quyết định 497, Chính phủ vừa giao cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xây dựng một Nghị định về chính sách hỗ trợ tín dụng để nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Trong khi chờ Nghị định đó sẽ điều chỉnh, bổ sung sửa đổi những vấn đề cần thiết để Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai có kết quả tốt hơn.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phá sản vì đầu cơ vàng  (19/11/2009)
Chưa hoàn tất thủ tục nhập vaccine cúm A/H1N1  (19/11/2009)
Công nhận chức danh hơn 700 giáo sư và phó giáo sư  (19/11/2009)
Không sử dụng đất lúa 2 vụ để xây dựng sân golf  (18/11/2009)
Gây ô nhiễm môi trường có thể bị xử 10 năm tù  (18/11/2009)
Hai bộ trưởng hứa kiểm tra vụ công ty “con” của Vinafood 2  (18/11/2009)
Vàng nhập khẩu đủ hạ “sốt” nhưng chưa hạ giá trong nước  (18/11/2009)
Mổ xẻ nhiều vấn đề liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân  (18/11/2009)
Trả lời của Thống đốc NHNN chưa làm hài lòng đại biểu  (17/11/2009)
Phản đối Trung Quốc lập ủy ban thôn đảo ở Hoàng Sa  (17/11/2009)
Hoa Kỳ trợ giúp nạn nhân bão tại Việt Nam 1 triệu đô la  (17/11/2009)
Hôm nay 17.11: Quốc hội bắt đầu chất vấn  (17/11/2009)
Kỷ niệm 79 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam  (17/11/2009)
Sẽ cải thiện đáng kể chất lượng dự báo mưa lũ  (16/11/2009)
Không thể bỏ lãi suất cơ bản!  (16/11/2009)