Chính phủ vừa quyết định kéo thời gian xuất khẩu cát nhiễm mặn cho các dự án nạo vét khơi thông lạch sông, cửa sông, cảng sông giáp biển tận thu đến hết ngày 30.6.2010 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Từ nay đến tháng 6 năm sau là thời gian để phía hải quan và doanh nghiệp giải phóng lượng cát mặn đang ách tắc tại cảng vì quyết định dừng xuất khẩu các loại cát.
Đây là chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải gửi các bộ, ngành và UBND các địa phương hôm 17.11. Theo đó, đối với các dự án nạo vét khơi thông luồng lạch sông, cửa sông, cảng sông giáp biển tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật trước ngày ban hành văn bản này được tiếp tục thực hiện đến ngày 30.6.2010.
Tổng cục Hải quan có trách nhiệm giải quyết ngay các thủ tục xuất khẩu cát không phải là cát xây dựng (cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc) theo đúng quy định của Bộ Xây dựng về xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo hợp đồng xuất khẩu đã ký kết.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp khai thác cát nhiễm mặn trong cả nước có đơn “kêu cứu” đến Thủ tướng và các cơ quan liên quan, khiếu nại bị cấm xuất khẩu cát đột ngột khiến họ thất thoát tiền tỷ.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, kinh phí để nạo vét khơi thông luồng lạch các cửa sông, cảng biển hàng năm lên đến hơn 1.200 tỷ đồng, tất cả đều lấy từ ngân sách.
Trong các năm 2007-2009, việc cho phép doanh nghiệp xuất khẩu cát mặn đã góp phần giảm bớt nguồn chi từ ngân sách, tăng ngân sách địa phương thông qua các khoản thu như thuế xuất khẩu 17%, thuế tài nguyên 5%, phí bảo vệ môi trường 2.000 đồng mỗi m3.
. Theo VnExpess |