|
Vật giá tăng cao, lương thấp, công nhân không kham nổi cuộc sống đắt đỏ ở các thành phố lớn. |
Một đôi giày thể thao bán trên thị trường châu Âu, Hoa Kỳ... giá hơn 100 USD nhưng công nhân chỉ được hưởng khoảng 0,75 USD.
Giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên gia công cho những nhãn hiệu giày thể thao nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Reebok chỉ vào đôi giày đang đi, nói với chúng tôi: Chi phí sản xuất đôi giày này tại VN chưa đến 10 USD.
Trong đó, tiền công trả cho công nhân (CN) chỉ khoảng 0,75 USD. Nhưng đôi giày này khi được bán ở thị trường châu Âu, Mỹ... có giá trên 100 USD. Ông còn ví von: Lợi nhuận của đôi giày này là rất lớn, nhưng quyền lợi của CN - người làm ra đôi giày - chỉ là “phần vụn của mẩu bánh”.
Làm giàu cho trung gian
Những con số trên đã phần nào phản ánh thực trạng tiền lương của CN. Lợi nhuận phần lớn của việc gia công giày nằm trong tay những người trung gian. Ông Trần Văn Trạng, người đã có hơn 10 năm là giám đốc một công ty gia công giày cho Đài Loan, cho biết: Một đôi giày khi đến nhà máy gia công ở VN phải qua ba, bốn trung gian.
Trước tiên khách hàng từ Mỹ, châu Âu đặt hàng cho đối tác ở Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông... Những công ty ở nơi đây sẽ thiết kế mẫu, chuẩn bị nguyên liệu... tiền công của khâu này khoảng gần 1 USD/đôi. Các công ty nơi đây giao cho một đối tác khác sản xuất. Nếu những đối tác này không sản xuất mà giao cho một công ty khác thì họ sẽ cắt lại một phần tiền gia công ... Cứ thế, đơn hàng đến VN thì giá gia công sẽ càng thấp và CN là người thiệt thòi nhất.
Tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai luôn có sẵn một đội ngũ nhân viên chuyên chào hàng giày, quần áo thể thao, quần kaki... cho các đối tác nước ngoài. Hầu hết DN gia công các mặt hàng này đều phụ thuộc rất lớn vào những nhân viên trên.
Một nhân viên trong ngành này cho biết gia công một đôi giày thể thao trong thời điểm hiện nay chỉ khoảng 2 - 3,5 USD, quần kaki 4-6 túi khoản 5-7 USD, áo thun từ 0,8 -1,2 USD... Tiền lương của CN do DN tự quyết định. Có nơi cao thì được khoảng 60% còn bình thường chỉ 40% hoặc 50% giá gia công. Bởi vậy, CN muốn đạt thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng thì buộc phải làm việc “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.
Lao động “chạy” lòng vòng
Lâu nay, DN ngành may mặc, da giày thường than thiếu lao động và luôn rao tuyển mọi lúc. Ông Trần Minh Vũ, Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú – TPHCM, cho biết: “Tình trạng thiếu lao động tại TPHCM hiện nay có nhiều nguyên nhân. Nhưng sâu xa nhất vẫn là vấn đề tiền lương. Thu nhập quá thấp, CN sẽ không gắn bó với DN mà luôn tìm kiếm những DN khác để “nhảy việc” khi có cơ hội. Thực chất, khan hiếm lao động chỉ là sự dịch chuyển lao động lòng vòng giữa các DN.
Với mức trượt giá như hiện nay, thu nhập của người lao động mỗi năm phải tăng ít nhất từ 15% đến 20%. Được như thế họ mới có thể trang trải cuộc sống và có một phần tích lũy. Nếu không đạt được mục tiêu này, họ bỏ công ty là tất yếu.
Ông Nguyễn Văn Thành (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì PP) |
Tình trạng trên đã đẩy nhiều DN vào cuộc cạnh tranh lao động “chụp giựt” bằng những lời rao tuyển không thực tế. Trong cuộc khảo sát của LĐLĐ quận 8 – TPHCM với những CN bị mất việc tại Công ty Dục Quân, cho thấy: Nhiều DN đã “chiêu dụ” CN với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, khi CN vào làm việc mới “té ngửa” vì để đạt được mức lương ấy, họ phải tăng ca cả trăm giờ mỗi tháng.
Thất vọng trước việc DN “treo đầu dê, bán thịt chó”, CN lại bỏ việc để sang nơi khác có lời chào mời hấp dẫn hơn. Họ cứ đi loanh quanh như thế cho đến khi mỏi mệt, kiệt sức và trắng tay trở về quê. Ông Nguyễn Đình Kim, Giám đốc Công ty Giày Asia, cảnh báo một viễn cảnh không mấy sáng sủa cho DN ngành dệt may, da giày: Tuổi nghề của CN trực tiếp sản xuất rất ngắn. Ngoài 30 tuổi, nhiều CN phải chuyển nghề hoặc trở về quê tìm việc khác. Với thu nhập thấp như hiện nay, ngành dệt may, da giày tại các tỉnh phía Nam không còn hấp dẫn lao động trẻ nông thôn miền Trung và miền Bắc như trước.
Ra đi tay trắng, trở về trắng tay
Sau 5 năm làm việc tại TPHCM, chị Hoàng Minh T. đành phải khăn gói về quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ban đầu chị làm việc cho Công ty Kollan (KCX Linh Trung –TPHCM), với thu nhập hằng tháng khoảng 1,4 triệu đồng.
Mức lương này những năm trước cũng tạm sống được, thậm chí nếu chi tiêu dè sẻn còn có thể dư vài trăm ngàn đồng gửi về quê. Được hơn một năm, chị gọi thêm người em kế vào làm việc. Nhưng rồi vật giá ngày càng tăng, hai chị em làm việc cật lực cũng không dư dả gì.
Cuối năm 2007, họ cùng chuyển sang Công ty Eland (huyện Bình Chánh - TPHCM). Tại đây, mỗi tháng tăng ca gần 60 giờ nhưng thu nhập tổng cộng cũng chỉ 1,5 triệu đồng. Chị T. cho biết cuối năm nay sẽ nghỉ việc về quê luôn. Năm năm đến TPHCM “cày” cật lực cũng chẳng kiếm được gì, thôi thì về quê cày ruộng để đỡ đần cha mẹ. Không chỉ chị T. mà nhiều CN chúng tôi gặp gỡ trong một cuộc khảo sát mới đây cũng có ý định như vậy.
. Theo NLĐ |