* Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục được thông qua dù vẫn còn nhiều băn khoăn
* Năm 2014: Xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đầu tiên
Sáng nay, 25.11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Luật thuế tài nguyên; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu và Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo kế hoạch, sáng nay Quốc hội cũng sẽ thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng do nhận thấy còn nhiều ý kiến trái chiều và tính khả thi không cao nên Chính phủ đã có tờ trình xin rút khỏi danh sách các Luật được thông qua lần này.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục: Vẫn còn nhiều băn khoăn
Trong số các dự án Luật và Nghị quyết được thông qua sáng nay, đáng chú ý là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục có tỷ lệ đại biểu tán thành thông qua khá thấp, chỉ đạt trên 60%. Có tới hơn 100 đại biểu Quốc hội không tán thành thông qua dự án Luật này.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng nay, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng, nếu Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục không tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, giữ nguyên những nội dung ban đầu thì chính bản thân ông cũng sẽ không bấm nút thông qua. “Tuy nhiên, Ban soạn thảo đã tiếp thu hầu hết các ý kiến của đại biểu Quốc hội, vì thế những nội dung Luật Giáo dục sửa đổi đã khá hoàn thiện, vì vậy có thể thông qua ngay”, ông Thi nói. Cụ thể, Luật đã sửa đổi các nội dung về chương trình-sách giáo khoa, về quy trình thành lập trường đại học (cụ thể hơn và có thể áp dụng ngay)... Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo bổ sung thêm hai điều mới: Điều 50a về đình chỉ hoạt động giáo dục; Điều 50b về giải thể nhà trường như trong Dự thảo Luật.
Báo cáo thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật đã trình cũng đã tập trung giải quyết được ở mức độ nhất định một số vấn đề bức xúc hiện nay như: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn về việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy, học tập. Bổ sung các quy định về yêu cầu công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục và xác định rõ nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục; tách bạch hơn điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục...
Về thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trước mắt cho giữ quy định về thẩm quyền thành lập trường đại học của Thủ tướng như Luật Giáo dục hiện hành nhưng tăng cường trách nhiệm thẩm định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện, sau đó tổng kết, đánh giá về vấn đề này để có cơ sở lý luận, thực tiễn thuyết phục hơn và sẽ trình Quốc hội quyết định vào một dịp thích hợp khác.
Năm 2014: Xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đầu tiên
Cũng trong sáng nay, với 77% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dù trước đó có không ít băn khoăn về an toàn bức xạ, sự phụ thuộc phần lớn vào nước ngoài và hiệu quả kinh tế của dự án.
Theo nghị quyết, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy. Mỗi nhà máy có 2 tổ máy, công suất 2.000 MW. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Thời điểm khởi công chưa được xác định mà căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định sau (trước đó, khi thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng trước mắt chỉ nên làm một nhà máy).
Nghị quyết Quốc hội nêu rõ chọn công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Tổng mức đầu tư dự toán 200.000 tỷ đồng. Nghị quyết cũng khẳng định: dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là công trình quốc gia ở cấp đặc biệt, lần đầu tiên được xem xét xây dựng ở Việt Nam. Vì vậy sau khi giao Chính phủ quyết định đầu tư và triển khai dự án, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ thực hiện 9 đầu việc. Trong đó nhấn mạnh Chính phủ phải tính toán thiết kế công trình theo tiêu chuẩn cấp đặc biệt, bảo đảm an ninh, an toàn cao nhất; nghiên cứu đánh giá đầy đủ các tác động của đứt gãy kiến tạo địa chất, biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Ngoài ra, nhà thầu được lựa chọn phải có kinh nghiệm lâu năm trong việc thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân, thuộc quốc gia có tiềm lực cao về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này, đã thực hiện nhiều dự án nhà máy thủy điện hạt nhân, có khả năng thu xếp tài chính và suất đầu tư hợp lý.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân để tham gia xây dựng đảm bảo chất lượng và vận hành nhà máy, kiểm tra, giám sát và đánh giá về an toàn trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân; nghiên cứu, đánh giá tài nguyên, trữ lượng, khả năng khai thác, chế biến và nhu cầu sử dụng urani trong nước...
Trước khi khởi công xây dựng tổ máy đầu tiên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về kết quả chuẩn bị. Sau khi triển khai đầu tư dự án, hằng năm Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án.
Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật trọng tài thương mại.
. Theo SGGP |