|
Từ hôm nay, 26.11, các ngân hàng sẽ mua bán với giá thấp nhất là 17.422 đồng/USD, cao nhất là 18.500 đồng/USD |
Từ hôm nay, 26.11, áp dụng biên độ tỉ giá VNĐ/USD là ± 3%; nâng tỉ giá liên ngân hàng lên mức 17.961 đồng/USD.
Trước diễn biến nóng của thị trường tiền tệ, ngày 25.11, Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam (SBV) đã ban hành chính sách mới về tỉ giá ngoại tệ. Theo đó, hôm nay (26.11), tỉ giá bình quân liên NH là 17.961 đồng/USD và áp dụng biên độ tỉ giá mới ± 3% (biên độ tỉ giá cũ là ± 5%). Các NH sẽ mua - bán ngoại tệ với giá thấp nhất là 17.422 đồng/USD, cao nhất 18.500 đồng/USD.
Sau khi thông tin trên được công bố, thị trường tài chính đã có phản ứng tích cực. Đầu ngày 25.11, USD tự do bán ra là 19.850 đồng/USD nhưng đến cuối giờ chiều xuống còn 19.550 đồng/USD, giao dịch trầm lắng; thậm chí các đầu mối ngoại tệ tại Hà Nội từ chối mua vào USD.
Giá vàng giảm 250.000 đồng/lượng, từ 28,85 triệu đồng/lượng xuống còn 28,6 triệu đồng/lượng, bất chấp giá vàng thế giới leo lên 1.180 USD/ounce, tăng hơn 10 USD/ounce so với giá đóng cửa của phiên giao dịch trước. Chiều 25.11, tại Hà Nội, sức mua của người dân có dấu hiệu tăng lên, còn ở TPHCM, giao dịch vàng hết sức im ắng.
Tại các sàn vàng, từ 13 giờ ngày 25.11, các chủ sàn đồng loạt áp tỉ giá ngoại tệ 18.300- 18.500 đồng/USD để quy đổi giá vàng thế giới thành giá vàng khớp lệnh.
Cùng ngày, SBV thông báo từ ngày 1.12, lãi suất cơ bản VNĐ sẽ tăng từ 7% lên 8%/năm, lãi suất tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tăng từ 7% lên 8%/năm và lãi suất tái chiết khấu của SBV đối với tổ chức tín dụng cũng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm. Như vậy, từ thời điểm trên, các NH chỉ được phép huy động vốn và cho vay với lãi suất tối đa là 12%/năm.
Đặc biệt, lãi suất vay vốn lưu động đối với các khoản vay thực hiện trong quý I.2010 và lãi suất cho vay trung và dài hạn để sản xuất kinh doanh đối với khoản vay thực hiện trong năm 2010 là 10%/năm (sau khi được bù 2% lãi suất).
Theo các chuyên gia tài chính, SBV tăng lãi suất sẽ hạn chế được sự chuyển dịch vốn từ các kênh đầu tư khác, kích thích người dân gửi tiết kiệm. Các NH giảm thiểu khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn ra vào, mạnh dạn bơm tiền cho nền kinh tế bởi với lãi suất trần cho vay 12%/năm bên vay vẫn chấp nhận được.
Ông Lê Đạt Chí, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng lãi suất cơ bản tăng đồng nghĩa chính sách tiền tệ bị thắt chặt, tiền sẽ có sự chuyển dịch từ cổ phiếu đến các kênh đầu tư khác.
Lãi suất tăng khiến chi phí sản xuất tăng lên, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ giảm bớt, lượng tiêu thụ hàng hóa theo đó sẽ giảm nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Dự báo, giá cổ phiếu có thể tiếp tục giảm trong vài phiên tới.
Các tập đoàn sẽ bán cho ngân hàng từ 5- 6 tỉ USD
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, SBV đã chọn biện pháp điều chỉnh nhanh để can thiệp mạnh vào thị trường. Việc điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản (LSCB), lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu nhằm kiểm soát chặt chẽ quy mô và chất lượng tín dụng, đồng thời tạo điều kiện cho các NH huy động các nguồn vốn từ nền kinh tế.
Tăng LSCB là một biện pháp giúp hạn chế tăng trưởng tín dụng nóng. Đến cuối tháng 11.2009, dư nợ tín dụng của nền kinh tế đã tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 4% so với chỉ tiêu cả năm cho cả hệ thống NH. Việc hạn chế tín dụng cũng góp phần giảm bớt áp lực lên tỉ giá.
Như vậy sau 10 tháng giữ nguyên ở mức 7%/năm, LSCB đã được điều chỉnh để mức trần lãi suất cho vay được nâng từ 10,5%/năm lên 12%/năm. SBV đánh giá việc tăng LSCB chưa tác động nhiều đến lạm phát vì tương đối phù hợp với biểu lãi suất của nền kinh tế trong các năm gần đây.
Cụ thể: năm 2005, kinh tế VN rất tốt, lãi suất cho vay cao nhất là 15,6%; lãi suất bình quân cho vay là 10,5%/năm; năm 2006, lãi suất cho vay cao nhất vẫn 15,6%, lãi suất cho vay bình quân là 11,5%; năm 2007, lãi suất cho vay cao nhất 16,2%, cho vay bình quân 11,89%.
Cùng với tác động mạnh vào chính sách tiền tệ, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết, Bộ Tài chính xem xét tăng thuế nhập khẩu trong phạm vi cho phép để giảm sức ép đến cầu ngoại tệ.
Một biện pháp khác được đánh giá là sẽ có tác động tốt đến thị trường ngoại tệ là Thủ tướng đã chỉ đạo đích danh các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu, nhất là khoáng sản phải bán lại ngoại tệ cho NH. Theo SBV, số ngoại tệ các doanh nghiệp giữ trên tài khoản hiện nay khoảng 10,3 tỉ USD, trong đó các tập đoàn và doanh nghiệp Nhà nước chiếm phần khá lớn. Dự kiến, các tập đoàn sẽ bán cho NH từ 5- 6 tỉ USD. |
. Theo NLĐ
|