Bàn về dự án Luật Thi hành án hình sự tại phiên họp toàn thể sáng nay, 26.11, nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) đề nghị xem xét, sửa đổi các văn bản pháp quy khác có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật. Đa số ý kiến phát biểu thống nhất với quy định trong dự thảo Luật về cơ quan quản lý thi hành án hình sự là Bộ Công an.
Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng, cần có sự nghiên cứu đầy đủ, tiến đến thành lập cơ quan thi hành án (THA) độc lập, chịu trách nhiệm THA cả án dân sự và hình sự.
Tuy nhiên, nhiều ĐB phân vân trong việc sử dụng nhà tạm giam, trại tạm giữ làm nơi THA, . Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Thị Nga (ĐB Thái Nguyên) nhận định: “Không nên luật hóa một giải pháp tình thế là dùng nhà tạm giam, tạm giữ làm cơ quan thi hành án phạt tù”.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đồng tình: “Nếu quyết định sử dụng nhà tạm giữ, trại tạm giam làm nơi THA thì lại phải nâng cấp hàng loạt nhà tạm giữ, trại tạm giam, tốn kém không cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là những đối tượng bị tạm giam, tạm giữ nhưng sau đó được chứng minh không có tội đã bị giam chung với những phạm nhân đang thụ án. Điều này có vi phạm pháp luật”?
Nội dung khiến nhiều ĐB đặc biệt quan tâm là cách thức tiến hành hình phạt tử hình (dự thảo luật quy định song song hai hình thức xử bắn hoặc tiêm thuốc độc). Trên cơ sở phân tích cụ thể từng hình thức đang được áp dụng trên thế giới, ĐB Lê Thị Nga đề nghị chỉ nên áp dụng một hình thức duy nhất là tiêm thuốc độc.
Đây cũng là quan điểm của ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM). ĐB Hồng cho rằng, chính bản án nghiêm khắc đã có ý nghĩa trấn áp tội phạm, hình thức thi hành hình phạt bằng xử bắn (vốn không được phổ biến rộng rãi) không có ý nghĩa trấn áp tội phạm gì hơn so với các cách thức khác.
Bà Ngô Minh Hồng nói thêm: “Cũng không nên quy định về hiến xác hay hiến các bộ phận của cơ thể đối với tử tù. Về nguyên tắc thì họ có quyền quyết định hiến, nhưng việc thực hiện lấy các bộ phận cơ thể trong trường hợp này rất phức tạp và đa phần không có ý nghĩa thực tế”.
. Theo SGGP |