|
Các nhà đầu tư bị sốc với quyết định tăng lãi suất cơ bản. |
Phiên giao dịch ngày 25.11 được gọi là "ngày đen tối" của thị trường chứng khoán Việt Nam khi các nhà đầu tư bị sốc với quyết định tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
Nhiều ý kiến từ các công ty chứng khoán cho rằng nhà đầu tư có phần phản ứng thái quá, nhưng trong một thị trường như vậy, không chạy theo tâm lý của số đông lại chưa hẳn là quyết định khôn ngoan.
Chứng khoán hoảng loạn: Kẻ khóc, người cười
Cty chứng khoán (CTCK) KimEng gọi ngày 25.11 là một ngày đen tối và bình luận là một phiên giao dịch "điên rồ". Nhưng có lẽ phiên ngày 26.11 còn đen tối hơn nữa khi thanh khoản sụt giảm rất mạnh: Tổng khối lượng khớp lệnh cả hai sàn giảm 35%, giá trị giảm 38%. Trong đó, sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) giảm gần một nửa cả giá trị lẫn khối lượng so với phiên trước.
Thanh khoản sụt giảm phủ bóng đen lên sự kỳ vọng của nhóm nhà đầu tư (NĐT) bắt đáy. Trong xu thế hoảng loạn của thị trường, nếu khối lượng gia tăng mạnh mẽ mới chứng tỏ lòng tham lớn lên trong số những NĐT đang cầm tiền chờ đợi.
Dạo quanh một số sàn chứng khoán (CK), không khí "tang tóc" bao trùm. Đã rất lâu rồi NĐT mới gặp lại cảnh hoảng loạn thực sự. Đa số NĐT cá nhân bám sàn đứng ngồi không yên và bị ảnh hưởng tâm lý chung của những người khác. Môi giới một sàn CK ở Kim Mã cho biết, cũng không biết khuyên khách hàng thế nào vì chính anh cũng đang "kẹp": "Lúc có tin tăng lãi suất, khách hàng tranh nhau bán, lệnh vào tới tấp khiến lệnh của chính mình cũng rớt".
Tuy nhiên, với những NĐT vẫn còn đang đứng ngoài, nỗi vui mừng không dám để lộ ra mặt. "Gần 100% mã CK giảm sàn 2 phiên liền, không hiểu NĐT đã "kẹp" có thể chịu nhiệt nổi không" - một NĐT của sàn HBBS cho biết. Theo anh, thật không thể ngờ rằng tin tăng lãi suất lại là "quả tạ" như thế. Kế hoạch giải ngân khi VN-Index về 520 và 500 điểm của anh cũng phải thay đổi vì phải chờ sao cho tâm lý thị trường bình ổn lại.
Theo ý kiến của một NĐT đang nắm giữ 100% tiền mặt, hai suy luận phổ biến nhất xâu chuỗi thông tin tăng lãi suất cơ bản với việc ra quyết định trên thị trường là: Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng khẳng định sẽ giữ ổn định lãi suất cơ bản trong năm 2009 để hỗ trợ chính sách kích cầu. Như vậy, việc tăng rất bất ngờ (thực ra chỉ là với những NĐT ít thông tin) rất có thể hàm ý một sự bắt buộc nào đó khiến NHNN không thể tiếp tục kéo dài chính sách nới lỏng như trước thêm nữa.
Thứ hai, tăng lãi suất sẽ tác động đến các dòng tiền đang luân chuyển và chảy vào kênh tiết kiệm nhiều hơn, từ đó suy ra CK sẽ bị "vạ lây". Thông tin được đưa ra quá nhanh, lại đang trong giờ giao dịch khiến NĐT khó có thể phân tích kỹ càng. Thực tế với NĐT nhanh nhạy, cũng không cần thiết phải phân tích rằng suy luận trên là đúng hay sai, mà chỉ cần phán đoán được phản ứng của thị trường và làm theo. Do đó, làn sóng bán tháo dâng lên mạnh mẽ không gì cản nổi, vừa bao gồm nhóm NĐT nhỏ lẻ tháo chạy, vừa bao gồm nhóm NĐT chuyên nghiệp góp phần đánh xuống để mua lại rẻ hơn.
Thực ra, với NĐT đang cầm tiền, cú sốc hoảng loạn này rõ ràng lại là cơ hội hiếm có vì rất nhiều CP đã có mức giảm trở về đáy hồi tháng 7.2009. Một thống kê sơ bộ cho thấy sàn HoSE có ít nhất 10 mã giảm trên 20% so với thời điểm 21.7.2009 khi VN-Index ở mức 416 điểm. Như vậy nếu so với thời điểm đỉnh lúc VN-Index ở 630 điểm thì mức giảm còn khủng khiếp hơn. Còn số lượng cổ phiếu có giá tương đương thời điểm tháng 7 lên tới hàng chục mã. Sự điều chỉnh như vậy đã là quá mạnh, xóa sạch những thành quả tăng trưởng trong gần 4 tháng.
Rủi ro chính sách?
"Các mốc điểm kỹ thuật có thể sẽ trở nên vô nghĩa trong bối cảnh thị trường như hiện tại" - ông Quách Mạnh Hào - Phó TGĐ CTCK Thăng Long - bình luận trong bản tin của mình. Khá nhiều phân tích của giới chuyên môn cho rằng về dài hạn các quyết sách của NHNN là có hiệu ứng tích cực với thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường CK sẽ chịu tác động tiêu cực nhanh nhất và chỉ khi nào lượng cung hoảng loạn được hấp thu hết thì cơ hội hồi phục mới trở lại.
Bình luận của CTCK SSI cho rằng, việc tăng lãi suất cơ bản giúp giải tỏa căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, mặc dù yếu tố ổn định vẫn còn phụ thuộc vào cung cầu vốn khả dụng cuối năm và động thái can thiệp qua thị trường mở của NHNN. Các quyết sách về tỉ giá, nếu không có sự can thiệp tiếp theo để thực sự tăng cung trên thị trường ngoại hối, thì độ ổn định vẫn còn là câu hỏi lớn.
Bất ngờ trong chính sách luôn là điều thị trường sợ nhất và nỗi sợ hãi với những tiêu cực trước mắt có thể lấn át các lợi ích xa hơn do điều chỉnh quan điểm và các biện pháp vĩ mô mang lại. Lưu ý là, do sự ổn định tỉ giá cũng như thanh khoản của NHTM một cách bền vững nhờ các điều chỉnh chính sách này mang lại vẫn còn là ẩn số, nên sự sợ hãi của thị trường có thể vẫn duy trì đến khi nào loại trừ được những bất trắc đó.
. Theo Lao Động |