Ngày 26.11, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Biển Đông: Tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực”.
Trong số 150 đại biểu, có 54 đại biểu quốc tế đến từ các trung tâm nghiên cứu có uy tín ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, NaUy, Thụy Điển, Canada. Đây là một hội thảo quan trọng của những nhà nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông, những học giả nổi tiếng về uy tín khoa học và lập trường khách quan trên lĩnh vực nghiên cứu này.
Trong bài phát biểu tại hội thảo, PGS, Đại sứ Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh: Phương thức thảo luận của hội thảo này là thẳng thắn, khách quan, xây dựng, cầu thị và các đại biểu sẵn sàng chia sẻ những kết quả nghiên cứu chuyên sâu về Biển Đông nhằm góp phần nâng cao không chỉ hiểu biết của giới học giả, mà cả nhận thức của giới hoạch định chính sách và của công chúng về các vấn đề liên quan đến Biển Đông để từ đó thúc đẩy nỗ lực của các bên trong khu vực với mục đích duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông vì lợi ích của mỗi bên liên quan và vì hòa bình, an ninh và phát triển của cả khu vực.
Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu nhất trí với đánh giá rằng Biển Đông có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược an ninh, kinh tế (vận tải và tài nguyên); do đó, Biển Đông có ý nghĩa lớn đối với sự thịnh vượng, nền hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
Các đại biểu cũng đề cập tới những hoạt động hợp tác cụ thể trong thời gian qua như ngoài DOC ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc còn có thỏa thuận nghiên cứu địa chấn (JMSU) giữa Việt Nam, Trung Quốc và Philippines; hợp tác nghiên cứu hải dương giữa Việt Nam và Philippines (JOMSRE); hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trên khu vực vịnh Bắc bộ; giữa Việt Nam và Malaysia trong việc nộp báo cáo chung về thềm lục địa kéo dài và các hoạt động cứu nạn tàu đánh cá và ngư dân. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng trong vài năm gần đây, tình hình tranh chấp trên Biển Đông trở nên căng thẳng và phức tạp hơn.
Về nguyên nhân của tình hình này, một số học giả cho rằng một số bên liên quan tới tranh chấp đã đơn phương tăng cường hoạt động khẳng định chủ quyền, như sưu tầm thêm bằng chứng lịch sử và pháp lý, củng cố vị trí chiếm đóng, xây dựng nhiều công trình trên các đảo và bãi đá phục vụ mục tiêu phòng vệ và đánh cá. Một số nước đã ráo riết tăng cường tiềm lực kinh tế và quân sự cũng như vận động ngoại giao để hỗ trợ các yêu sách chủ quyền.
Một số học giả cho rằng sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, chương trình hiện đại hóa quân đội (nhất là hải quân), nhu cầu nhập khẩu năng lượng lớn hơn của kinh tế Trung Quốc và cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với các nước lớn khác đã làm tăng mối lo ngại của các nước liên quan đối với đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc trên vùng Biển Đông. Tuy nhiên, các học giả đều nhấn mạnh rằng về cơ bản, Trung Quốc đang thi hành chính sách đối ngoại hòa bình và hợp tác, do đó không muốn tranh chấp trên Biển Đông làm ảnh hưởng đến chiến lược lớn của mình.
Gần đây, việc các nước trong vùng Biển Đông soạn thảo và nộp báo cáo về thềm lục địa kéo dài theo yêu cầu của Liên hiệp quốc đã trở thành một dịp để các nước khẳng định chủ quyền, làm dấy lại làn sóng khẳng định – phản đối giữa các nước có chung tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Điển hình nhất là việc Trung Quốc chính thức đưa ra Đường Lưỡi bò để phản đối các nước khác nộp báo cáo về thềm lục địa kéo dài. Ngoài ra, việc nhiều nước tăng cường hoạt động khai thác tài nguyên trong khu vực (thăm dò và khai thác dầu khí, đánh cá) đã dẫn đến tình trạng tranh đua trong khu vực. Tình hình phức tạp hơn do trong lĩnh vực khai thác dầu khí có sự tham gia của các công ty đa quốc gia. Số lượng ngư dân bị bắt giữ cũng tăng lên.
Một số học giả nhận xét ngoài việc đưa ra tuyên bố ASEAN về Biển Đông (1992) và DOC (2002), ASEAN chưa coi vấn đề Biển Đông là ưu tiên, chưa thực sự trở thành cơ chế khu vực hữu hiệu trong việc giảm căng thẳng liên quan tới tranh chấp Biển Đông, chưa đẩy mạnh được các biện pháp xây dựng lòng tin, cũng như có biện pháp hữu hiệu quản lý tranh chấp và xung đột tiềm tàng…
Hội thảo tập trung vào thảo luận 3 cụm nội dung chính:
1- Tầm quan trọng của Biển Đông đối với hòa bình và an ninh khu vực; vị trí của Biển Đông trong chiến lược của các quốc gia liên quan.
2- Nguồn gốc và diễn biến tình hình các tranh chấp hiện nay.
3- Đánh giá về hiệu quả của các cơ chế hiện có trong khu vực nhằm kiềm chế căng thẳng gia tăng và đề xuất các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan. |
. Theo SGGP |