Tổ chức truy điệu cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập
14:33', 30/11/ 2009 (GMT+7)

Ngày 28.11, Văn phòng Trung ương Đảng có thông báo về việc tổ chức Lễ truy điệu và di dời hài cốt cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Hà Huy Tập.

 

Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Hà Huy Tập. Ảnh tư liệu

 

Sau 68 năm, kể từ ngày cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập hy sinh tại Hóc Môn (Gia Định) nay là thành phố Hồ Chí Minh, đến nay đã tìm được phần mộ của ông.

Để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam và thể theo nguyện vọng của gia đình, dòng họ cố Tổng Bí thư, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định tổ chức trọng thể Lễ truy điệu tại thành phố Hồ Chí Minh và di dời hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập về an táng tại quê hương huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Tổ chức Lễ truy điệu và di dời hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập gồm các ông: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban; Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Lễ viếng cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh vào hồi 9 giờ ngày 1.12.2009, Lễ truy điệu được tổ chức vào hồi 13 giờ cùng ngày, sau đó di dời hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập về Hà Tĩnh. Ngày 2.12.2009, tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trọng thể lễ an táng hài cốt cố Tổng Bí thư.

Tóm tắt tiểu sử cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24.4.1906 trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngoạ, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; từ năm 1910-1919 học tiểu học ở tỉnh lỵ Hà Tĩnh; từ năm 1919-1923 tại Trường Quốc học Huế; sau khi tốt nghiệp, về dạy học tại Nha Trang.

Cuối năm 1925, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập gia nhập tổ chức Hội Phục Việt, một tổ chức cách mạng yêu nước; giữa năm 1926, Công sứ Nha Trang ra lệnh trục xuất ông ra khỏi Nha Trang.

Tháng 8.1926, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập chuyển về Vinh, dạy học ở Trường Cao Xuân Dục và được Hội Hưng Nam (tên gọi mới của Hội Phục Việt) giao nhiệm vụ phụ trách tuyên truyền giáo dục cho học sinh các trường tiểu học và công nhân ở Vinh-Bến Thủy. Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã mở một lớp huấn luyện chính trị cho công nhân và tổ chức thành công nhiều cuộc bãi khóa của thanh niên và học sinh ở Vinh, vì lý do đó mà ông bị cách chức giáo viên.

Ngày 18.3.1927 tại Vinh, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tham gia tổ chức và diễn thuyết trước hàng ngàn người tham dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh nhân dịp kỷ niệm một năm ngày mất của cụ. Sau đó, cố Tổng Bí thư rời Vinh vào Sài Gòn, dạy học ở trường tiểu học tư thục "An Nam học đường", vừa kiếm sống, vừa che mắt địch để hoạt động cách mạng.

Tháng 6.1928, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị đình chỉ dạy học ở Sài Gòn vì lý do "kích động học sinh bãi khoá ở nhiều nơi". Cuối tháng 12.1928, ông rời Sài Gòn đi Trung Quốc, tìm cách bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài.

Ngày 24.7.1929, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập vào học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô nay là Liên bang Nga). Tháng 3.1932, trên đường về nước theo đường Mátxcơva-Paris-Việt Nam thì cố Tổng Bí thư bị chính quyền Pháp ở Paris bắt và trục xuất sang Bỉ. Sau đó, ông trở lại Mátxcơva và tiếp tục tìm đường về nước hoạt động.

Tháng 4.1933, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập về nước qua con đường Trung Quốc, bắt liên lạc với Đảng và với người đồng chí của mình là Lê Hồng Phong bàn quyết định triệu tập Hội nghị Đảng để thành lập Ban Chỉ huy ở nước ngoài của Đảng làm nhiệm vụ chắp nối và khôi phục các tổ chức đảng trong nước. Tại hội nghị đó (tháng 3.1934), cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập được phân công chỉ đạo công tác tuyên truyền cổ động kiêm Tổng biên tập Tạp chí Bônsơvích (sau chuyển thành cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương).

Ngày 17.3.1935, Quốc tế Cộng sản gửi cho Ban Chỉ huy ở nước ngoài của Đảng chỉ thị ông Lê Hồng Phong là Tổng thư ký Đảng Cộng sản Đông Dương và cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập lãnh đạo Ban Chỉ huy ở nước ngoài của Đảng.

Từ ngày 27 đến ngày 31.3.1935, tại Macau, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập trực tiếp chủ trì Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 26.7.1936, Ban Chỉ huy ở nước ngoài của Đảng họp và quyết định cử cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Thư ký Ban Chỉ huy ở nước ngoài về nước để tổ chức Ban Chấp hành Trung ương và khôi phục các tổ chức đảng.

Ngày 12.10.1936, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ để bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Tại Hội nghị này, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Từ ngày 13 đến ngày 14.3.1937, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hóc Môn (Gia Định); từ ngày 2 đến ngày 3.9.1937, chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm (Hóc Môn) và từ ngày 29 đến ngày 30.3.1938,  chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm (Hóc Môn).

Từ tháng 5.1938 đến tháng 3.1940, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập 2 lần bị thực dân Pháp bắt và bị kết án tử hình. Ngày 28.8.1941, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị địch xử bắn tại Ngã tư Giếng Nước ở Hóc Môn, Gia Định.

. Theo TTXVN/Vietnam+

 

Chuyện kể về người chiến sĩ cách mạng

Nhân sự kiện ngày 1.12 lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đưa hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập từ Hóc Môn (TP.HCM) về lại quê hương xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), PV Tuổi Trẻ trở lại vùng quê nghèo đã có công sinh thành, nuôi dưỡng người anh hùng cách mạng này.

Hai bên con đường láng nhựa vào khu lưu niệm Hà Huy Tập ở thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng đã đậm không khí đón đợi di hài người con của quê hương hi sinh cách đây 68 năm ở Hóc Môn.

 

Ngôi nhà của gia đình ông Hà Huy Tập

 

“Tôi đi lần này là không về nữa”

Ông Hà Huy Đỏ, 91 tuổi (gọi cố Tổng bí thư Hà Huy Tập là anh con dì) vui mừng nói từng lời cho chúng tôi nghe về lần được gặp Tổng bí thư Nông Đức Mạnh năm 2001:

“Ông Mạnh về thăm khu lưu niệm Hà Huy Tập xong thì hỏi tôi biết những gì về anh Hà Huy Tập. Tôi thưa với ông Mạnh, tôi là hội trưởng hội phụ lão xã rồi kể chuyện đêm anh Tập về làng với bộ quần áo đen. Nơi đầu tiên anh Tập đến thăm hỏi là các cố (cụ) cao tuổi nhất trong làng.

Có lần đến thăm một gia đình nghèo vừa có người qua đời, anh Tập khuyên trong thời gian để tang 50 ngày không nên liên tục để cơm trên bàn thờ mà trước mỗi bữa cơm nên xới thêm một bát. Cuối bữa, đem chia bát cơm đó cho mọi người thì ai cũng nhớ và không bị lãng phí. Mấy đêm sau đó, do mật thám đánh hơi gắt gao quá nên không thấy anh Tập ở làng nữa”.

Ông Đỏ kể tiếp: “Ngày 30.3.1940 dân làng Kim Nặc bất ngờ thấy chiếc xe chở quan huyện Cẩm Xuyên Đặng Hiểu An cùng ba lính Pháp đậu trước cổng nhà dì ruột tôi là bà Nguyễn Thị Lộc (mẹ ông Hà Huy Tập). Lúc đó anh Tập đang đọc sách thì nghe một lính Pháp nói: “Ông bị bắt lại”. Anh Tập nói ngay: “Tôi biết”. Chúng sai người thợ mộc đang sửa nhà cho dì Lộc cạy cả bộ hậu sự ra để khám xét. Khi thấy bàn tay người thợ mộc do cạy hậu sự bị chảy máu, anh Tập nhìn người thợ mộc nói: “Lỗi tại tôi”.

Thế rồi chúng áp giải anh đi. Hôm ấy anh mặc áo sơmi trắng cộc tay, quần soóc trắng. Trước khi ra khỏi làng, anh đưa tay vẫy dân làng: Chào bà con ở lại, tôi đi lần này chắc không về nữa đâu”. Kể đến đây, ông Đỏ lặng người, ánh mắt già nua hoe đỏ.

“Phải làm được như cố Tổng bí thư Hà Huy Tập”

Chúng tôi đến nhà ông Hà Huy Tữu - nguyên là chánh văn phòng Công an Nghệ - Tĩnh, người gọi cố Tổng bí thư Hà Huy Tập bằng bác. Ở tuổi 79 ông Tữu vẫn cần mẫn ngồi viết tiếp bài đăng báo về những nét đẹp truyền thống của gia đình ông Hà Huy Tập.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Tữu cho biết do cha mất khi ông Tập còn nhỏ, mẹ ốm nặng nên khi em gái ông Tập là bà Hà Thị Thước vào Nam tìm ông Tập thì ông đã bị Pháp xử tử hình. Trước đó, trong thời gian chờ hành hình, ông Hà Huy Tập bí mật gửi một lá thư tay cho em rể Nguyễn Đình Cương qua bạn tù Võ Liệt được tha. Lá thư viết bằng bút chì, có đoạn: “Cương nói với mẹ chớ có buồn rầu. Khi tôi chết rồi không cần người lập tự. Và nói với bà con họ hàng xem tôi như người đi xa chưa về”.

Nhớ lại những chuyện kể về gia đình ông Hà Huy Tập, ông Tữu nhắc nhiều đến chuyện đời của bà Nguyễn Thị Lộc. Ông nói: “Cho đến bây giờ dân làng Kim Nặc vẫn truyền nhau về đức tính thủy chung, điềm đạm và lòng thương người của bà. Ngày ấy, gia đình bà Lộc cũng nghèo nhưng hễ có ai đến vay tạm bơ (lon) gạo, đồng bạc là bà Lộc cho hẳn chứ không hẹn trả lại”.

Ông nội của ông Hà Huy Tập là đốc học (coi việc học trong tỉnh) Hà Huy Phẩm mỗi lần về làng là đi gặp người cao tuổi nhất trong làng, thăm và cho tiền người hoạn nạn. Ông cũng luôn dặn dò con cháu “muốn nên người thì phải chăm học dù khó khăn đến mấy”.

Cố Tổng bí thư Hà Huy Tập chỉ có một người con duy nhất là bà Hà Thị Hồng, năm nay đã 71 tuổi, và một người cháu gái là bà Nguyễn Thị Kim Tiến - ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa XII.

Cuối những câu chuyện kể, ông Tữu tự hào: “Hầu hết gia đình trong họ Hà ở làng Kim Nặc đều treo di ảnh bác Hà Huy Tập. Tôi cũng đã kể chuyện này cho Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Nghe xong, ông Mạnh rất vui và nói: Đã là người họ Hà thì phải phấn đấu làm được như cố Tổng bí thư Hà Huy Tập”.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thống kê nhu cầu về nhà ở thu nhập thấp trên toàn quốc  (29/11/2009)
Khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất  (29/11/2009)
Khởi công đường ống dẫn khí 1 tỉ USD  (29/11/2009)
Khởi công đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận  (29/11/2009)
Cùng hành động vì hòa bình, an ninh ở Biển Đông  (27/11/2009)
Bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII  (27/11/2009)
3 tàu đánh cá bị chìm, 15 ngư dân mất tích  (27/11/2009)
Cú sốc lãi suất  (27/11/2009)
Vì sao giá vàng thế giới tăng mãi?   (27/11/2009)
Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Chế biến hơn 1 triệu tấn sản phẩm xăng, dầu   (27/11/2009)
Động đất tại Sơn La, Hà Nội chịu dư chấn nhẹ   (27/11/2009)
500 doanh nghiệp lớn nhất VN: Khu vực tư nhân chiếm gần 30%  (26/11/2009)
Hỗ trợ 100% lãi suất vốn thu mua tạm trữ lúa, gạo  (26/11/2009)
Bộ Công an thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự  (26/11/2009)
Tặng 4.500 vé xe tết cho sinh viên  (26/11/2009)