Nhân Ngày Thế giới Phòng chống AIDS 1.12:
Cần tăng cường trách nhiệm của các quốc gia
10:6', 1/12/ 2009 (GMT+7)

Thách thức còn rất nhiều đối với chúng ta trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS. Các nước giàu cần thể hiện vai trò trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.

Đó là nhận định của Giáo sư Francoise Barre- Sinoussi, một trong 2 nhà khoa học Pháp đoạt giải Nobel Y học 2008 nhờ việc phát hiện ra virus HIV. Phóng viên VOV phỏng vấn Giáo sư.

*Thưa Giáo sư, trước tiên  bà có thể cho biết cơ duyên nào đã khiến bà gắn bó với việc nghiên cứu HIV?

Giáo sư Francoise Barre- Sinoussi: Có hai lý do khiến tôi lựa chọn con đường nghiên cứu virus HIV. Từ đầu năm 1970, tôi đã nghiên cứu một chủng virus rất đặc biệt làm suy giảm rất nhanh hệ miễn dịch của con người. Tôi tự hỏi đó là loại virus gì vậy và tác động của nó ra sao? Lý do thứ 2 là một số bác sỹ lâm sàng đã tìm đến chúng tôi, đặt ra cho chúng tôi câu hỏi: liệu virus gây ra bệnh AIDS này là có phải loại virus gây ra bệnh ung thư không?

Về mặt khoa học, chúng tôi nghiên cứu sự phức tạp của loại virus này cũng như sự tương tác với các tế bào hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Về mặt con người, tôi thấy đại dịch này có quy mô quá lớn, chúng ta phải lưu ý đến người bệnh và cuộc sống của người bệnh ở những nước nghèo. Về việc đoạt giải Nobel Y học 2008, đây quả là một vinh dự đối với tôi.

*Việc tìm ra virus HIV là một phát hiện đặc biệt quan trọng, thưa Giáo sư. Nó đã mở ra nhiều hướng đi mới trong công tác phòng chống HIV trên toàn cầu. Ông có thể phân tích thêm điều này?

Giáo sư Francoise Barre- Sinoussi: Đúng vậy. Các nghiên cứu về loại virus HIV này đã đưa đến các test thử HIV được đưa ra năm 1985. Nó mang một ý nghĩa lớn: Tránh lây nhiễm virus HIV qua đường máu và các sản phẩm về máu. Thứ 2 là thiết lập phương pháp điều trị năm 1996, đó là kết hợp 3 loại thuốc để ngăn chặn sự lây lan của virus, cải thiện sức đề kháng của cơ thể. Liệu pháp điều trị bằng 3 loại thuốc này làm giảm 85% số ca tử vong do HIV.

Nhưng cần lưu ý rằng liệu pháp điều trị này không chữa khỏi hoàn toàn hội chứng suy giảm miễn dịch và chỉ có thể ngăn chặn sự lan tràn của virus HIV mà thôi. Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa lớn trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV. Trong đó có việc phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. Ở một số nước phát triển như châu Âu, trong đó có Bỉ, hiện bây giờ không còn tình trạng lây nhiễm từ mẹ sang con nữa.

Mặt khác nó có thể phòng ngừa việc lây nhiễm từ một người có HIV sang người lành. Ở những người được điều trị bằng phương pháp kết hợp 3 loại thuốc này, người ta thấy là số lượng virus trong máu, lượng virus tiết ra từ cơ quan sinh dục ít hơn. Nên sự lây nhiễm ở những người được điều trị cũng giảm hơn so với người không được điều trị.

*Đã có những nghiên cứu nhằm tìm ra vaccine phòng chống HIV/AIDS. Nhưng kết quả hiện tại chưa được như mong muốn. Phải chăng là chúng ta đang bất lực trước đại dịch này, thưa Giáo sư?

Giáo sư Francoise Barre- Sinoussi:  “Không hẳn là như vậy. Hiện nay đã có rất nhiều nỗ lực quốc tế để có thể tìm ra một loại vaccine phòng chống HIV, chúng ta cũng đã biết đến một nỗ lực tại Thái lan để tìm ra loại vaccine hiệu quả đối với căn bệnh này cách đây ít năm. Một số ít người Thái lan đã được tiêm thử loại vaccine này. Trong thử nghiệm, thì họ đã được bảo vệ khỏi sự lây nhiễm HIV/AIDS. Nhưng do số lượng người ít, nên không đủ khẳng định là loại vaccine này có đủ hiệu lực hay không. Tuy nhiên, từ thử nghiệm này đã đặt ra một hướng đi mới cho các nhà khoa học trong việc tìm ra một loại vaccine hiệu quả phòng chống HIV/AIDS.

*Hiện có 25 triệu người đã tử vong vì HIV/AIDS. Cuộc chiến HIV/AIDS đang rất gian nan và chưa đạt nhiều hiệu quả. Chúng ta đang có rất nhiều việc phải làm…

Giáo sư Francoise Barre- Sinoussi: Vâng, đúng là phải có sự phối hợp của tất cả cộng đồng, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và cả chính những người bệnh. Tôi kêu gọi những nước nghèo phải có một cơ chế về việc tiếp cận các cơ chế thuốc điều trị của tất cả những người bệnh nghèo được dễ dàng hơn.

Tôi cũng muốn đưa ra một thông điệp với các nước giàu: Phải tôn trọng cam kết của mình đối với Quỹ Thế giới Phòng chống các bệnh Lao phổi, Sốt rét, HIV/AIDS. Và không chỉ tôn trọng các cam kết này, các nước giàu phải tăng viện trợ tài chính của mình lên, và nếu không đạt được những biện pháp như thế, chúng ta sẽ không thể nào đạt được mục tiêu đến năm 2010, tất cả những người bệnh trên thế giới sẽ được tiếp cận với các loại thuốc điều trị. Và nếu các nước giàu không tiếp tục các cam kết tài chính của mình trong mục tiêu thứ 6 về Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ, nhằm tăng các biện pháp tiếp cận HIV/AIDS vào năm 2015 và nếu những mục tiêu này không đạt được, hậu quả xấu sẽ vô cùng to lớn đối với các nước nghèo và cả thế giới.

Như chúng ta biết, nếu bệnh nhân ở các nước nghèo không được điều trị hiệu quả thì sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Virus kháng thuốc tung hoành, lây nhiễm khắp nơi trên thế giới rất nguy hiểm về mặt khoa học. Ngoài ra, nó cũng sẽ gây ra rất nhiều hậu quả về mặt kinh tế, vì chúng ta đều biết những người có HIV/AIDS phần lớn là những thanh niên trẻ, trong độ tuổi lao động.

*Viện Pasteur sẽ có những kế hoạch cụ thể gì để giúp đỡ các nước đang phát triển  trong cuộc chiến chống HIV?

Giáo sư Francoise Barre- Sinoussi

Giáo sư Francoise Barre- Sinoussi: Viện Pasteur đang tìm cơ chế để làm chậm lại sự phát triển của căn bệnh. Chúng tôi cộng tác với một số nước đang phát triển như Việt nam, Campuchia, Cameroon và những nghiên cứu của chúng tôi ở Việt nam, Campuchia chủ yếu nghiên cứu về sự kết hợp giữa sự lây nhiễm giữa lao phổi và HIV. Hiện tại thì chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát hiện điều trị sớm cho trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV từ người mẹ.

*Vâng, trong chuyến thăm Việt nam lần này, Giáo sư có lời khuyên gì đối với Việt Nam?

Giáo sư Francoise Barre- Sinoussi: Hiện nay, Chính phủ Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phòng chống HIV/AIDS. Chẳng hạn, như việc thành lập hệ thống trung tâm phát hiện HIV cho những người tình nguyện đến xét nghiệm máu phát hiện virus cũng như các trung tâm chăm sóc người bệnh điều trị. Theo tôi, công việc này không chỉ làm trong một hai ngày mà mất rất nhiều thời gian. Ngoài tài chính còn cần có nhân lực, nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực đảm trách công tác phòng chống HIV, đồng thời phát triển hạ tầng cơ sở. Ngoài ra, cần đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh đối với người HIV/AIDS. Do đó, cần có cơ chế giám sát về giám sát việc chữa bệnh đối với người có HIV. Nếu làm được này, Việt Nam sẽ không chỉ cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người bệnh HIV, mà còn chăm sóc cho các bệnh nhân mắc căn bệnh khác.

Việt Nam cũng nên tăng cường cho công tác nghiên cứu khoa học HIV/AIDS, để cải thiện hệ thống y tế và cải thiện công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Ví dụ trước đây Pháp ít tập trung đầu tư cho nghiên cứu mà chỉ tập trung vào khám chữa bệnh lâm sàng. Nhưng từ khi virus HIV bùng phát, các viện nghiên cứu của Pháp đã tích cực nghiên cứu lâm sàng. Hầu như các hệ thống y tế của Pháp đều tham gia vào công tác nghiên cứu này, 80% người bệnh được chữa trị, góp phần cải thiện công tác chữa bệnh.

*Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này!

. Theo VOV News

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thủ tướng yêu cầu: Bảo đảm tiêu thụ hết lúa, không để đột biến về giá  (01/12/2009)
Từ ngày 1.1.2010: Ưu đãi thuế suất với hơn 1.000 mặt hàng nhập khẩu  (30/11/2009)
Triển khai dạy học theo chuẩn tối thiểu  (30/11/2009)
Việt Nam sản xuất thuốc kháng virus cúm A  (30/11/2009)
Từ năm 2010 cấp đổi 26 triệu giấy phép lái xe  (30/11/2009)
Tổ chức truy điệu cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập  (30/11/2009)
Thống kê nhu cầu về nhà ở thu nhập thấp trên toàn quốc  (29/11/2009)
Khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất  (29/11/2009)
Khởi công đường ống dẫn khí 1 tỉ USD  (29/11/2009)
Khởi công đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận  (29/11/2009)
Cùng hành động vì hòa bình, an ninh ở Biển Đông  (27/11/2009)
Bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII  (27/11/2009)
3 tàu đánh cá bị chìm, 15 ngư dân mất tích  (27/11/2009)
Cú sốc lãi suất  (27/11/2009)
Vì sao giá vàng thế giới tăng mãi?   (27/11/2009)