Việc tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh giá đồng USD khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng đáng kể. Tại TP Hồ Chí Minh, giá các mặt hàng thiết yếu cũng tăng chóng mặt.
Các mặt hàng nhập khẩu hoặc nguyên liệu đầu vào như ôtô, xe máy, máy tính, linh kiện máy tính, máy ảnh, thép, sữa... đều được điều chỉnh tăng giá. Việc tăng giá đầu tiên phải kể đến là mặt hàng ôtô. Chỉ sau vài ngày Ngân hàng Nhà nước công bố nâng tỷ giá hối đoái liên ngân hàng, hãng Toyota Việt Nam đã công bố biểu giá xe mới, với mức tăng từ 16-46 triệu đồng/xe. Theo đó, giá tăng mạnh nhất là xe Camry 3.5Q, tăng 46,6 triệu đồng, Camry 2.4G tăng 33,8 triệu đồng…
|
Mua hàng tại siêu thị Big C |
Tại một số cửa hàng xe máy trên Phố Huế (Hà Nội), xe nhập khẩu tay ga như Piagio, SH, Spacy, Honda cũng đều tăng giá từ 500.000-3 triệu đồng/chiếc.
Trên thị trường, giá chiếc máy tính và các phụ kiện khác như tai nghe, máy in... cũng tăng trung bình 10%.
Các mặt hàng như điện thoại di động, thiết bị số... các đại lý vẫn không tăng giá do sức mua đang giảm mạnh.
Còn với mặt hàng tiêu dùng, sau một thời gian giữ giá thì hiện nhiều mặt hàng đã “bứt phá” tăng giá theo thị trường. Chẳng hạn như giá gas, trong tháng 11, các công ty gas đã 3 lần tăng giá.
Lý giải về việc giá gas tăng, Phó phòng kinh doanh của Saigon Petro cho biết giá gas thế giới tháng 12 tăng 75 USD/tấn so tháng 11 và chênh lệch tỷ giá thanh toán ngân hàng cao.
Đợt tăng giá lần này cũng tập trung nhiều vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, mỹ phẩm, sữa... Đáng chú ý, nhiều hãng sữa đã và đang có kế hoạch đồng loạt tăng giá, trong đó không chỉ có sữa nhập ngoại mà cả sữa trong nước có nguyên liệu... nhập ngoại.
Tại Hà Nội, đại diện một số siêu thị cho biết đã có khoảng 50 nhà cung cấp gửi thông báo tăng giá với mức tăng trung bình từ 2-10%. Tuy nhiên hầu hết các mặt hàng ở các siêu thị lớn như Big C, Metro vẫn chưa tăng.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C cho biết, giá hàng hóa trong siêu thị chưa tăng bởi các siêu thị có lượng hàng dự trữ lớn. Big C vẫn đang cố gắng kìm giá nhưng việc tăng giá hàng hóa là khó tránh khỏi, đặc biệt là hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia thì việc hàng hóa nhập khẩu tăng giá cũng chính là cơ hội để hàng nội “lên ngôi” chiếm lĩnh thị trường. Điều này chỉ thực sự được tận dụng hiệu quả nếu tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm trong nước chiếm tỷ lệ cao.
Tại các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm hàng tăng mạnh nhất là lương thực và thực phẩm. Rất nhiều mặt hàng thực phẩm bán lẻ đã bị đẩy giá lên từ 5-25%, trong đó tăng mạnh nhất là giá các loại rau củ, thủy hải sản.
Các loại cá biển như cá thu, cá chim, mực... tăng giá từ 7.000-15.000 đồng/kg. Đặc biệt, các loại rau củ quả thường dùng trong bữa cơm gia đình như hoa thiên lý, bông cải Đà Lạt, cải xanh các loại... cũng tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng.
Giá các loại gạo ngon như Nàng thơm chợ Đào, Thơm Thái... cũng tăng 1.500-3.000 đồng/kg.
Riêng mặt hàng đường ăn, dù nguồn cung đã dồi dào nhưng giá vẫn ở mức cao từ 15.000-17.000 đồng/kg.
“Liên tục trong các tuần qua thị trường hàng hóa bị tác động bởi tỉ giá USD và xăng dầu liên tục tăng. Riêng giá gạo tăng là do xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có nhiều đơn hàng”, ông Chu Xuân Phương, Phó trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Chi cục Quản lý thị trường lý giải.
“Cơn bão” tăng giá cũng đang làm chao đảo mặt bằng giá tại các siêu thị. Nhiều siêu thị cho biết, dù đã chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa, kinh phí với nỗ lực bình ổn 6 nhóm hàng thiết yếu bao gồm: gạo nếp, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, trái cây đặc biệt vào dịp Tết, tuy nhiên, do biến động của tỷ giá USD, giá đường nên một số mặt hàng thực phẩm đã bắt đầu rục rịch tăng 5-15%.
. Theo Vovnews
|