Chuyên gia François Gemenne:
Hàng triệu người VN sẽ phải di cư vì khí hậu
10:14', 9/12/ 2009 (GMT+7)

Nhà nghiên cứu François Gemenne

François Gemenne là giám đốc nghiên cứu của Viện Khoa học chính trị Paris, một chuyên gia hàng đầu về khí hậu và di dân. Trong hai năm 2008, 2009, ông đã cùng nhóm của mình tiến hành một nghiên cứu dài hơi về hậu quả của biến đổi khí hậu tại VN để tìm ra những giải pháp cho vấn đề này.

Phỏng vấn của cộng tác viên Tuổi Trẻ.

* Thưa ông, kết quả nghiên cứu tại VN ra sao?

- Sau khi cân nhắc mọi số liệu khoa học có được cũng như những dữ kiện thu thập tại địa bàn, tôi có thể khẳng định VN sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng khí hậu ấm lên. Đó là chuyện nước biển dâng, khô hạn và những thiên tai khác như bão lũ mà hậu quả sẽ làm đảo lộn nhiều lĩnh vực: kinh tế, dân số, xã hội.

* Ông có thể dẫn một ví dụ cụ thể?

- Nhóm chúng tôi đã làm việc rất kỹ tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ở đó, dân quen sống với nước nổi từ lâu đời. Họ tổ chức cuộc sống và làm ăn theo mùa nước. Vấn đề hiện nay là nước lũ trở nên khó đoán, thường xuyên hơn và kéo dài lâu hơn. Tình trạng đó làm đảo lộn cuộc sống của họ, gây thiệt hại kinh tế và làm tổn hại tinh thần. Hãy thử tưởng tượng đến năm 2025 khi nước dâng thường xuyên hơn, những người dân đó sẽ sinh sống ở đâu, sẽ làm gì để sống?

* Những người dân mà ông gặp đã ý thức được về thảm kịch khí hậu đó chưa?

- Thật ra lúc này họ đã nhận ra. Người dân vùng ĐBSCL đã thấy tình trạng nước biển xâm nhập sâu hơn lúc trước. Thu nhập kinh tế của họ bị giảm không chỉ vì nước biển xâm nhập mà còn vì những trận bão mạnh liên tục. Họ biết tương lai sẽ tệ hơn nhưng vẫn có thái độ phó mặc cho trời đất. Đó là điều không tốt để cải thiện tình hình. Cần phải ứng phó ở cấp độ địa phương, trong cách sống mỗi ngày, chứ không phải thụ động chờ đợi người khác quyết định giúp mình.

 

Đứng trước sân nhà đầy... nước biển, bà Mai Thị Vân (64 tuổi, ấp Phước Hòa, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, Bến Tre) tỏ ra bất lực: “Nhà cách biển mấy cây số mà cũng bị ngập mặn thế này làm sao sống hở trời?”. Bà Vân có 1.000m2 lúa đang ngậm sữa nhưng triều cường ngày 3 và 4.12 đã đưa nước biển vào ruộng gây thiệt hại trắng

 

* Các cấp chính quyền ở VN đã ý thức rõ về tình hình?

- Đã rất rõ. Chính quyền cấp cao đã hiểu là phải làm gì đó. Ngay lúc này cũng như trong tương lai. Nhưng chính quyền vẫn chưa biết rõ phải làm cái gì trước cái gì sau và chỉ mới chú ý đến thiệt hại kinh tế mà chưa có tính tổng thể. Ý tôi muốn nói đến khía cạnh xã hội theo nghĩa rộng. Tình trạng quan liêu sẽ khó tạo được hành động phối hợp hợp lý. Hành động của cấp chính quyền địa phương là không đủ tầm và thường chỉ ứng phó theo ích lợi cục bộ địa phương, trong khi hành động ứng phó phải có tầm cấp tỉnh, quốc gia, vùng và toàn cầu.

* Vậy theo ông, cách ứng phó tốt nhất là gì?

- Đó phải là một kế hoạch phối hợp mang tính tổng thể. Từ bây giờ phải giảm lượng khí thải bằng cách tăng sử dụng năng lượng sạch và những kỹ thuật sản xuất ít gây ô nhiễm. Đi lại bằng xe công cộng nhiều hơn. Trồng cấy nên hợp lý theo kiểu truyền thống và sử dụng càng ít phân bón hóa học càng tốt vì phân bón thải ra khí azote.

"Cần nhớ rằng trận bão Katrina tàn phá bang Louisiana là vì người Mỹ đã phá rừng đước để xây dựng"

Hãy định lại chiến lược nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa để không lệ thuộc chỉ vào gạo hoặc cà phê cho xuất khẩu. Tình trạng độc canh thường gây thiệt hại do quá lệ thuộc vào giá thế giới và diễn biến khí hậu. Tăng cường bảo vệ các khu rừng đước và rừng rậm. Những hệ sinh thái này sẽ giúp giảm sốc trước tình trạng khí hậu ấm lên. Đó là ưu tiên hàng đầu.

Cũng cần nhớ rằng hàng triệu người VN sẽ phải di dời vì khí hậu. Tìm chỗ an cư cho họ chỉ là một chuyện. Ngay từ bây giờ cần tính đến những kế hoạch đào tạo và giáo dục, để trong tương lai những con người đó biết làm gì để sinh sống. Chính quyền càng cần đặc biệt lưu tâm đến người nghèo. Những đối tượng ít được bảo vệ này chắc chắn sẽ hứng chịu trước tiên những biến đổi trong vài năm tới. Xét trên bình diện dân số, việc kế hoạch hóa vẫn là phương cách tốt để bảo vệ người dân ở đất nước đông dân như VN.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
TTCK: Một năm nhìn lại  (09/12/2009)
181,4 triệu USD để chuyển trường tiểu học sang dạy học cả ngày  (09/12/2009)
Công bố Sách trắng quốc phòng 2009: Đủ khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ  (09/12/2009)
Hà Nội, TPHCM: Giá đất cao nhất 81 triệu đồng/m2  (08/12/2009)
Đi lao động nước ngoài được cho vay 70% chi phí  (08/12/2009)
Cả nước có 17.000 người làm báo chuyên nghiệp  (08/12/2009)
VN chịu biến đổi khí hậu nặng nề nhất  (08/12/2009)
“Giá đường đang rất khó đoán định”  (08/12/2009)
Về “Hiệu quả kinh tế của đường bay thẳng Hà Nội-TPHCM theo kinh tuyến 106 độ đông”: Phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng   (07/12/2009)
Giá nhiều mặt hàng tăng chóng mặt   (07/12/2009)
Lãi suất huy động VND đồng loạt lên 10,49%   (07/12/2009)
Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng GDP 8,2% trong năm 2010   (07/12/2009)
Quân đội đóng góp thiết thực vào các thành tựu của đất nước   (07/12/2009)
Còn 8.564 vé tàu Tết   (06/12/2009)
Từ 1.1.2010: Bãi bỏ ưu đãi thuế ôtô   (06/12/2009)