Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Quy định cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015. Lần đầu tiên Bộ đã có quy định về hỗ trợ chi phí học tập bên cạnh các quy định khác về đối tượng miễn, giảm học phí và cơ chế thực hiện miễn, giảm học phí…
Học nghề được giảm 50% học phí
Bộ GD-ĐT dự kiến, đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: HS tiểu học; HS trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị ĐH; HS, SV hệ cử tuyển. Đối tượng được miễn học phí là người có công và con của người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29-6-2005; trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS, SV có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS, SV mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS, SV có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước; trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS phổ thông là con của hạ sỹ quan và chiến sỹ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân; HS, SV ngành sư phạm.
Các mức giảm học phí theo quy định này là 70% và 50%. Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: HS, SV các chuyên ngành: nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành nặng nhọc, độc hại. Các đối tượng được giảm 50% gồm: trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS, SV là con cán bộ, công nhân viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS, SV có cha mẹ thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước. Nhằm thu hút HS học nghề, đối tượng HS tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề cũng được giảm 50% học phí.
Theo dự kiến của Bộ, việc miễn, giảm học phí sẽ được thực hiện trong suốt thời gian học tập tại nhà trường, trừ trường hợp có những thay đổi về lý do miễn hoặc giảm. Các trường có đối tượng được miễn, giảm sẽ được Nhà nước cấp bù học phí theo số lượng người học thực tế.
Được hỗ trợ để trang trải chi phí
Không chỉ được miễn, giảm học phí, theo dự thảo này, nhiều trường hợp còn được hỗ trợ chi phí học tập bằng việc Nhà nước cấp tiền để trang trải một số chi phí học tập. Đối tượng được hỗ trợ này bao gồm trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước. Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho các đối tượng quy định để mua sách, vở, dụng cụ học tập, quần áo, giày dép... Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học.
Bên cạnh đó, việc không thu học phí có thời hạn trong trường hợp đột xuất như thiên tai cũng đã được Bộ dự kiến. Theo đó, khi xảy ra thiên tai, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và học sinh phổ thông thuộc vùng bị thiên tai. Đối với HS, SV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH gặp khó khăn đột xuất về kinh tế (do thiên tai, tai nạn...), tạm thời không có điều kiện nộp học phí thì có thể đề nghị thủ trưởng cơ sở giáo dục xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định. Các nhà trường cũng sẽ được Nhà nước cấp bù trong trường hợp nói trên.
. Theo HNM |