|
Đại diện cơ quan chức năng quận Bình Thạnh - TPHCM kiểm tra một điểm kinh doanh gas trên địa bàn |
Theo Nghị định 107/CP: Nhà cung cấp gas, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ đều phải chịu trách nhiệm về chất lượng, trọng lượng và giá cả. Mỗi cửa hàng chỉ được bán 3 loại gas.
Nghị định về kinh doanh khí hóa lỏng (gas) số 107/2009/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2010. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) đầu mối, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ đều phải chịu trách nhiệm về chất lượng gas, trọng lượng và giá bán. Nghiêm cấm liên kết tăng giá, đầu cơ trục lợi cũng như gian lận thương mại.
Gas lậu hoành hành
Các công ty kinh doanh gas cho biết lâu nay những lúc giá gas tăng cao thì gas lậu lại bùng phát mạnh. Như hiện nay giá gas lên đến 275.000 đồng- 280.000 đồng/bình, tức giá mỗi ký gas khoảng 23.000 đồng, chỉ cần bơm thiếu
1 kg gas là người bán đã bỏ túi được một khoản khá lớn. Còn ăn đậm hơn, bơm thiếu đến 2 kg thì người tiêu dùng cũng rất khó phát hiện. Vì vậy, hiện tượng bán gas không đủ trọng lượng đang rất phổ biến.
Không chỉ gian lận bằng việc bơm gas thiếu mà hiện tượng nạp gas công nghiệp, gas thải chất lượng kém với nhiều tạp chất nguy hiểm vào bình gas dân dụng để bán cũng thường xảy ra. Bằng chứng là trong tháng 11 và những ngày đầu tháng 12 này, Chi cục QLTT TPHCM đã phát hiện hàng chục vụ vận chuyển, kinh doanh gas trái phép, gas lậu với hơn 1.000 bình gas vi phạm. Theo QLTT TPHCM, nạn sang chiết gas trái phép không chỉ diễn ra tại các cửa hàng bán lẻ mà còn được thực hiện quy mô lớn tại nhiều trạm chiết gas ở các địa phương lân cận như Tây Ninh, Bình Dương, Long An... rồi vận chuyển bằng xe tải về TPHCM để tiêu thụ. Gần đây, cơ quan chức năng còn phát hiện tình trạng sang chiết gas lậu ngay trên xe tải...
Hiệp hội Gas VN cho biết, hiện cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas nhưng chỉ hơn 50% là có đăng ký nhãn hiệu, có đầu tư vỏ bình nghiêm túc. Lượng vỏ bình mà các DN này tung ra thị trường lên đến gần 10 triệu bình nhưng có đến 3 triệu bình không quay trở lại DN mà đang bị các cơ sở sang chiết lậu chiếm dụng. Điều này cũng có nghĩa trên thị trường gas dân dụng đang có đến 30% là gas giả. Nguy hiểm nhất là số bình gas “lưu lạc” này có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào do bình không được kiểm định (theo quy định hiện hành, 5 năm phải kiểm định bình gas một lần), trong khi nhiều vỏ bình đã bị giới kinh doanh gas lậu mài bỏ logo, cắt đế, cắt tai... để hàn lại thành của riêng mình khiến vỏ bình bị thay đổi kết cấu rất nguy hiểm khi sử dụng.
Phải bán đúng giá niêm yết
Theo nghị định mới, sẽ không còn đất sống cho những DN làm ăn chụp giựt. Quy định nêu rõ DN đầu mối phải có từ 300.000 vỏ bình, có trạm nạp gas riêng; tổng đại lý phải có 2.000 bình...
Điểm đáng chú ý là tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với 3 DN đầu mối cung cấp gas. Đối với các đại lý gas (cửa hàng bán lẻ gas) lâu nay được bán hàng chục nhãn hiệu gas khác nhau (không bị giới hạn) thì nay cũng chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho 3 DN đầu mối hoặc 3 tổng đại lý gas và chỉ được phép kinh doanh 3 nhãn hiệu gas. Không được phép mua bán bình gas trôi nổi, không được phép mua bán gas của nhãn hiệu khác ngoài hợp đồng... Đại lý gas phải treo bảng hiệu, logo của DN đầu mối và phải niêm yết giá rõ ràng, bán đúng giá (giá bán do DN đầu mối quy định). DN đầu mối muốn điều chỉnh giá bán phải thông báo với Sở Công Thương nơi có hệ thống phân phối của đơn vị cung cấp gas...
Theo ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas VN, lâu nay các đại lý bán quá nhiều nhãn hiệu gas nên không ai chịu trách nhiệm, kể cả các DN đầu mối cung cấp gas cũng né tránh. Nay mỗi đại lý chỉ bán 3 nhãn hiệu gas, trách nhiệm nhà cung cấp, nhà bán lẻ sẽ rõ ràng hơn, việc quản lý sẽ được xuyên suốt hơn.
Liên đới chịu trách nhiệm nếu có vi phạm
Trong nghị định cũng nêu rõ nhà cung cấp, tổng đại lý, cửa hàng đều phải có trách nhiệm về chất lượng, trọng lượng, giá cả. Nếu vi phạm đều liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bán gas không đúng với giá niêm yết do đầu mối quy định, không bảo đảm chất lượng, thiếu trọng lượng, đầu cơ trục lợi, liên kết tăng giá, gây bất ổn thị trường và các hành vi gian lận thương mại đều có đầy đủ quy định để xử lý. Nghiêm cấm chiếm dụng vỏ bình trái phép, mua bán vỏ bình không thuộc sở hữu; nhái vỏ bình, nhái nhãn hiệu cũng sẽ bị xử lý. |
. Theo NLĐO |