Trong khuôn khổ hội thảo góp ý Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi do Bộ TT-TT tổ chức tại Thừa Thiên-Huế, ngày 13.12, các đại biểu đã tập trung thảo luận vấn đề: dừng hay tiếp tục triển khai dự án đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam do Chính phủ Thụy Điển hỗ trợ?
Tại hội thảo, 100% đại biểu đến từ các báo đài Trung ương và địa phương khẳng định, thông qua các lớp đào tạo tập trung, ngắn hạn, tại chỗ… do dự án đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam triển khai từ năm 1999 đến nay, chất lượng báo chí Việt Nam từ báo in, báo điện tử và phát thanh truyền hình đều nâng lên trông thấy.
Trong đó, chất lượng hình ảnh cho bài viết hay kỹ thuật trang trí trang bìa của hệ thống báo in đã vượt xa so trước khi triển khai dự án. Do vậy, việc tiếp tục triển khai dự án là cần thiết. Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam, ông Phạm Khắc Lãm, ví von, kết quả của dự án trên là một điều kỳ diệu khi “gieo hạt lúa mạch trên nền lúa nước đã bội thu”.
Báo chí Thụy Điển có lịch sử lâu đời, được hình thành và phát triển theo thể chế nhà nước cộng hòa, một nước dân chủ điển hình. Nhưng chúng ta (khoảng 2.500 nhà báo - những người hưởng lợi được theo học các lớp của dự án) đã biết chắt lọc những tinh hoa từ nền báo chí nước bạn để phục vụ báo chí nước nhà theo đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước mà không lạc hậu với báo chí thế giới.
Các đại biểu kiến nghị, cần chia đối tượng theo học các lớp tập trung hay tại chỗ của dự án trong một cơ quan báo chí thành hai khối: quản lý và phóng viên nội dung. Thêm một vấn đề là làm gì để dự án trên vẫn “nối dài” phát huy tác dụng, ngay cả khi phía Chính phủ Thụy Điển dừng hỗ trợ?
Một số đại biểu đề nghị Bộ TT-TT, Cục Báo chí nên xây dựng một trung tâm đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ báo chí. Qua đó, trung tâm này với tư cách pháp nhân có con dấu, tài khoản riêng… sẽ tiếp nhận kinh phí tài trợ từ phía Chính phủ Thụy Điển hoặc từ các nguồn khác trong nước, kinh phí đóng góp trực tiếp từ các cơ quan báo chí tham gia hưởng lợi; tiếp tục mời giảng viên nước bạn sang phối hợp với giảng viên Việt Nam; xây dựng giáo trình cụ thể…
Thứ trưởng Đỗ Quỹ Doãn nhấn mạnh, việc “nối dài” dự án đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam trong giai đoạn mới là rất cần thiết. Vì vậy, kể cả khi Chính phủ Thụy Điển không tiếp tục hỗ trợ dự án thì chúng ta vẫn phải chủ động xây dựng trung tâm đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ báo chí, đáp ứng nhu cầu hoạt động báo chí nước nhà với hơn 16.000 nhà báo đã được cấp thẻ.
. Theo SGGPO |