Mùa khô 2010: Thiếu điện nặng!
14:50', 16/12/ 2009 (GMT+7)

Nước cạn kiệt ngay dưới chân đập thủy điện Hòa Bình.

Cơ quan chức năng dự báo, năm 2010, nhất là mua khô (khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 5 ở miền Bắc và từ tháng 4 đến tháng 9 ở các tỉnh phía Nam) khả năng thiếu điện nghiêm trọng.

Nhà máy điện chậm, khó tăng nguồn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức độ tăng trưởng tiêu thụ điện lên nhanh theo từng quý: quý I/2009, tiêu thụ điện tăng 3,79%, quý II/2009  tăng 11,3%, quý III/2009 tăng 17,3% và ước cả năm 2009 là 12,78%. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, riêng tháng 11 vừa qua, sản lượng điện tiêu thụ trung bình/ngày của toàn hệ thống là 248,6 triệu kwh, tăng 24,18% so với cùng kỳ năm 2008.

Nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm tới, đi cùng với đà phục hồi của nhiều ngành sản xuất. Theo EVN, riêng miền Bắc, mùa khô năm 2010 cần có thêm 2,5 tỷ kwh điện.

Lượng điện cần có thêm đáp ứng nhu cầu tăng vọt chỉ trông chờ vào một số nguồn điện mới bổ sung của năm 2009 và 2010. Tuy nhiên, hiện nhiều nhà máy điện không hoàn thành đúng tiến độ để bổ sung sản lượng lên lưới.

Nếu đúng kế hoạch phát điện của năm 2009, sẽ có thêm 3.300 MW từ các nguồn mới. Nhưng đến nay, tổng công suất toàn hệ thống (hiện có khoảng 17.000 MW) mới được bổ sung 1.200 MW và dự kiến, hết tháng 12 có thể thêm được 600 MW.

Cho dù thực tế không bị thiếu điện, nếu xét về tổng nguồn cung, nhưng việc chậm tiến độ của các nguồn điện mới (tất cả ở miền Bắc) như: Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động, Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả I, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng I, nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng I, đã gây căng thẳng về cung ứng điện đầu năm đến nay, và nhiều thời điểm trong năm đã gây quá tải trên các tuyến đường dây 500 KV truyền điện từ Nam ra Bắc.

Năm 2010, dự báo tình hình khó khăn hơn. Theo tính toán của các chuyên gia ngành điện, từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2010 và duy trì mức tăng trưởng cao các năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện năm 2010 cũng phải ở mức 13-15% so với các tháng cùng kỳ năm 2009.

Theo báo cáo của EVN, dự kiến năm tới sẽ có 14 nhà máy lớn đi vào vận hành, với tổng công suất lắp đặt là 3.330 MW. Nếu tính theo phương án tăng trưởng tiêu thụ điện ở mức cao (15%), mùa khô năm 2010, hệ thống cả nước vẫn đủ và còn dự phòng công suất, nhưng riêng miền Bắc có thể thiếu 350 MW vào các giờ  cao điểm.

Nhưng, hầu như chưa năm nào các nhà máy dự kiến đưa vào vận hành lại vận hành đúng kế hoạch. Thậm chí, mấy năm nay, rất nhiều các nhà máy  của cả EVN lẫn của các nhà đầu tư khác chậm tiến độ từ 1-3 năm.

Một cơ quan của Bộ Công Thương nhận định, nhiều nguồn điện mới dự kiến hoà lưới điện quốc gia năm sau cũng không đúng lịch, như Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả (300 MW) dự kiến phát điện vào tháng 12-2009 (đã lùi thời điểm vận hành tới tháng 5-2010), Nhiệt điện Quảng Ninh (300 MW) vào 2-2010, Nhiệt điện Sơn Động  (300 MW) tháng 3-2010.

Nếu các nhà máy này chậm, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.200MW. Nếu xảy ra việc thiếu công suất nguồn lớn như vậy, chắc chắn sẽ lại tái diễn cảnh thiếu điện và phải cắt luân phiên như trong các năm 2007 và 2008.

Thủy điện đang mắc cạn

Tình trạng hạn hán, khô kiệt nguồn nước có thể trông thấy rõ bằng mắt thường ở hàng loạt hồ chứa thủy điện miền Bắc vào thời điểm này: Hòa Bình, Thác Bà…

Điều này cho thấy, không chỉ thiếu về nguồn mới, mà ngay cả nhiều nhà máy thủy điện lớn có nguy cơ không chạy hết công suất trong năm sau, nhất là sắp tới lại phải xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu đo đạc về mức nước tại nhiều hồ thủy điện ở miền Bắc, lượng nước hiện chỉ đạt khoảng 50 - 60% dung tích thiết kế. Ví dụ hồ thủy điện Hòa Bình, đã đóng toàn bộ cửa xả lũ từ 8 - 9 - 2009 nhưng đến nay, mức nước trong hồ còn thấp hơn khoảng 2,7 m so với yêu cầu tích nước năm 2010.

Theo các chuyên gia, điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động không nên phát triển quá nhiều các công trình thủy điện nữa, không để cơ cấu nguồn điện lệ thuộc quá lớn vào thủy điện (theo quy hoạch phát triển điện VI, đến năm 2020, thủy điện phải chiếm trên 60% cơ cấu nguồn điện, hiện nay mới chỉ trên 40%).

Cho dù chi phí rẻ nhưng những sự biến đổi nhanh chóng của khí hậu, nguồn nước… đang đặt ra nguy cơ thiếu nước vận hành các nhà máy thủy điện sau này.

Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương và EVN, vừa họp bàn, tìm các giải pháp để hạn chế cao nhất khả năng thiếu điện mùa khô. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra không có gì mới, như: tăng cường mua điện từ các nhà đầu tư ngoài ngành, nhập khẩu điện của Trung Quốc, đảm bảo an toàn vận hành đường dây 500 KV, đề nghị Tập đoàn Dầu khí ổn định cung cấp khí cho các nhà máy điện khí…

Các giải pháp này có thể gặp trở ngại, khi hàng loạt dự án điện lớn, nhỏ vẫn liên tục xin hoãn, lùi tiến độ, trục trặc trong vận hành như thời gian qua. Trong khi đó, các cơ quan trên vẫn chưa có hướng giải quyết cho vấn đề này.

Chỉ cần vài nhà máy mới có qui mô các tổ máy 200 - 300 MW chậm tiến độ 6 tháng - 1 năm, tình trạng thiếu điện trên diện rộng lại xảy ra. Và điều này, trên thực tế là rất khó tránh khỏi. 

. Theo TPO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thí điểm thành lập Tập đoàn Viễn thông Quân đội  (16/12/2009)
Việc phía Trung Quốc nhiều lần bắt giữ tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam là hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam  (16/12/2009)
Sân nhà là bầu sữa của DN  (16/12/2009)
Hôm nay, Ga Sài Gòn bán vé ghế phụ tàu tết  (16/12/2009)
Môi trường và đói nghèo  (16/12/2009)
Giá xăng giảm 300-350 đồng/lít, dầu diesel tăng tiếp  (15/12/2009)
Quy định xử phạt lĩnh vực năng lượng nguyên tử  (15/12/2009)
Không có chuyện "bơm" tiền cho các ngân hàng  (15/12/2009)
Hiệu trưởng trường tư thục không là công chức, viên chức nhà nước  (15/12/2009)
Đề nghị giám sát tối cao về thành lập trường và chất lượng đào tạo đại học  (15/12/2009)
Trưng bày nhiều tài liệu chưa từng công bố về Bác Hồ  (15/12/2009)
Thêm văn bản chứng minh chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa  (15/12/2009)
Tết Nguyên đán Canh Dần: Tăng 850 chuyến bay trên hai tuyến cao điểm  (15/12/2009)
Chấm dứt tranh cãi về đường bay vàng  (14/12/2009)
Chấm dứt trình Thủ tướng dự án chỉ định thầu  (14/12/2009)