Phải chế tài việc từ chối cung cấp thông tin cho báo chí
10:36', 18/12/ 2009 (GMT+7)

Bên lề các kỳ họp Quốc hội hiện là nơi báo chí có thể tiếp cận các thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội một cách dễ dàng nhất. Trong ảnh: các nhà báo phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc tại một kỳ họp Quốc hội.

Ngày 17.12, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Thông tin - truyền thông được sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức bàn tròn về vai trò báo chí - truyền thông trong tiếp cận thông tin.

Theo bà Setsuko Yamazaki (giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam), “đây là thời điểm quan trọng để đề cập vấn đề liên quan đến quyền tiếp cận thông tin, bởi Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi từ quốc gia thu nhập thấp tiến tới vị trí quốc gia thu nhập trung bình.

Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy khi công dân có cuộc sống đầy đủ hơn và có cơ hội học tập nhiều hơn, họ sẽ yêu cầu các dịch vụ hành chính chất lượng hơn từ phía Chính phủ”. Ông Lê Quốc Trung (phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng “các phương tiện thông tin đại chúng là kênh quan trọng để người dân thực hiện quyền được thông tin của mình. Đây là cánh cửa rộng nhất để người dân tiếp cận thông tin”, tuy nhiên “nhìn chung việc tiếp cận thông tin chính thức còn gặp không ít khó khăn, có nhiều nguyên nhân trong đó có việc một số cơ quan, cá nhân nắm giữ thông tin vì lợi ích cục bộ, cá nhân hoặc vì một lý do nào đó cố tình che giấu thông tin”.

Nhà báo Hữu Thọ (nguyên trưởng Ban Tư tưởng - văn hóa trung ương) nói kinh nghiệm cho thấy những khó khăn trong tiếp cận thông tin từ các cơ quan công quyền không chỉ có ở Việt Nam, nhiều nơi trên thế giới “nhà báo vừa được yêu vừa bị ghét” trong hành trình tìm kiếm thông tin chân thật cho độc giả, “từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới sự im lặng đáng sợ của các cơ quan công quyền”.

Đại diện Bộ Tư pháp, cơ quan soạn thảo Luật tiếp cận thông tin, cho rằng liên quan đạo luật này hiện còn nhiều vướng mắc về cơ sở hạ tầng và đội ngũ trong các cơ quan công quyền để thực hiện chức năng cung cấp thông tin, ngay cả kinh phí để thực hiện việc này cũng rất hạn hẹp, do vậy có thể đưa vào quy định pháp luật nhưng điều kiện bảo đảm chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nhà báo Hữu Thọ nói “phải có phương pháp luận khác, nếu đợi hoàn chỉnh công cụ thì có khi đến... kiếp sau chúng ta cũng chưa cho ra được luật về tiếp cận thông tin. Đừng nên cầu toàn, luật có thể được ban hành và sửa đổi, chính đời sống báo chí, dân chủ sẽ đẩy mọi việc dần tiến lên”.

Đi sâu vào phân tích các nội dung trong dự thảo Luật tiếp cận thông tin, nhà báo Hữu Thọ cho rằng một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải có quy định về cơ chế giám sát, chế tài việc trì hoãn hoặc từ chối cung cấp thông tin của cơ quan công quyền, “người ta có thể tìm được hàng trăm lý do để trì hoãn yêu cầu cung cấp thông tin của người dân hoặc của nhà báo, do vậy nếu sử dụng cơ chế nội bộ để giám sát thì không kiểm soát được, do vậy phải có một cơ chế cho khả thi”.

Liên quan đến quy chế người phát ngôn, nhà báo Hữu Thọ đề nghị quy định theo hướng người phát ngôn trong các cơ quan công quyền phải là người có năng lực và có thẩm quyền để có thể đối thoại được với nhà báo.

Ông Lê Quốc Trung và ông Đoàn Công Huynh (tổng biên tập báo Tiền Phong) cũng cho rằng cần có thêm những chế tài đủ mạnh để bảo đảm việc cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin cho báo chí để báo chí thực hiện được trách nhiệm của mình cung cấp thông tin cho xã hội.

Dự thảo Luật tiếp cận thông tin dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5.2010).

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Học phí cao nhất bậc phổ thông tại thành thị 200.000 đồng/tháng  (17/12/2009)
Tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Canh Dần  (17/12/2009)
Tổng kiểm tra các cửa hàng vàng bạc, ngoại tệ  (17/12/2009)
Khuyến khích tư nhân tham gia phát triển mạng hạ tầng viễn thông  (17/12/2009)
Cấp bách khắc phục thiếu nước sản xuất, sinh hoạt  (17/12/2009)
Luật hóa y đức để hạn chế "phong bì"   (17/12/2009)
Giám sát chặt chẽ việc tăng giá xăng dầu   (17/12/2009)
Thêm hai phụ nữ mang thai tử vong vì cúm A/H1N1   (17/12/2009)
Người vay ngân hàng bị thiệt hại do bão lũ được xem xét miễn giảm lãi suất vay  (16/12/2009)
Mùa khô 2010: Thiếu điện nặng!  (16/12/2009)
Thí điểm thành lập Tập đoàn Viễn thông Quân đội  (16/12/2009)
Việc phía Trung Quốc nhiều lần bắt giữ tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam là hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam  (16/12/2009)
Sân nhà là bầu sữa của DN  (16/12/2009)
Hôm nay, Ga Sài Gòn bán vé ghế phụ tàu tết  (16/12/2009)
Môi trường và đói nghèo  (16/12/2009)