Thị trường gas đang thiếu sự quản lý
15:9', 22/12/ 2009 (GMT+7)

Thị trường gas vẫn loạn trong mấy tuần qua. Giá gas đã tăng 30-40.000 đồng/bình loại 12kg, trong khi những lý do được đại diện các công ty kinh doanh gas đưa ra rõ ràng không thuyết phục: kinh tế thế giới phục hồi, nhiều nơi vào mùa lạnh…

Giá gas nhập khẩu hiện nay (sau khi đã tính thuế) chưa đến 18.600 đồng/kg thì chi phí về gas cho một bình 12kg vào khoảng 223.000 đồng. Vì thế, giá bán một bình gas đến tay người tiêu dùng (dao động từ 270.000-300.000 đồng/bình) được coi là cao đến mức phi lý.

Vậy mà dường như các giải pháp quản lý đã không được đưa ra kịp thời để kiểm soát.

Vai trò của Tổng công ty Khí ở đâu?

Kết quả của thanh tra mới đây tại 6 công ty kinh doanh gas do Thanh tra Bộ Tài chính công bố gồm Công ty cổ phần Dầu khí Anpha, Công ty Khí hóa lỏng miền Bắc, Công ty Khí hóa lỏng miền Nam, Tổng công ty Khí, Công ty cổ phần Gas Petrolimex, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại-Dịch vụ Gia đình cho thấy thị trường gas từ trước đến nay đã bị thả nổi như thế nào.

Cho dù Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành lập Tổng công ty Khí - đơn vị sản xuất gas duy nhất trong nước và là nguồn cung cấp gas lớn cho các công ty khác bên cạnh nguồn nhập khẩu. Nhưng trên thực tế, tổng công ty này cũng không hoàn thành nhiệm vụ tham gia bình ổn thị trường gas.

Năm 2007, sản lượng của tổng công ty đạt 283.913 tấn, chiếm 31,7% tổng sản lượng gas tiêu thụ trong nước, 6 tháng đầu năm 2008 sản xuất đạt 123.458 tấn, chiếm 30%.

Giá thành sản xuất tại tổng công ty khá rẻ: năm 2007 giá thành chỉ 2.391 đồng/kg, 6 tháng đầu năm 2008 ở mức 3.478 đồng/kg.

Mặc dù tổng công ty đã bán cho các đơn vị đầu mối với giá thấp hơn giá nhập khẩu cùng thời điểm nhưng tỷ lệ giảm so với giá nhập khẩu rất thấp: bình quân các tháng năm 2007 chỉ giảm 0,7%, 6 tháng đầu năm 2008 giảm có 0,3%.

Với mức giảm đó, làm sao thực hiện được yêu cầu bình ổn giá một khi giá nhập khẩu tăng nhanh? Hơn nữa, thực tế, một số đơn vị mua gas của tổng công ty nhưng không bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà đi bán lại cho các công ty khác nên khi đến tay người tiêu dùng giá gas đã ở mức rất cao, không kém gì giá gas nhập khẩu.

Loạn 30 sứ quân…

Trong khi đó, ở khâu nhập khẩu, hiện có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu gas, trong đó có hơn 20 doanh nghiệp nhập khẩu thường xuyên. Bình quân mỗi doanh nghiệp nhập 30.000 tấn/năm.

Theo thanh tra Bộ Tài chính, do Nhà nước chưa có quy hoạch tổng thể đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh gas nên có quá nhiều “doanh nghiệp đầu mối” có quy mô nhỏ, năng lực kho chứa… rất nhỏ, chỉ một số rất ít công ty có kho chứa trên 1.000 tấn.

Hoạt động nhập khẩu chủ yếu theo từng chuyến nhỏ lẻ, từ nhiều nhà cung cấp khác nhau nên khối lượng, giá mua hoàn toàn phụ thuộc vào giá gas thế giới và nhà cung cấp.

Một thực tế khác là hiện nay các doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh gas hầu như không có hoặc có rất ít các cửa hàng bán lẻ trực tiếp, việc bán hàng chủ yếu thông qua hệ thống tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ với hợp đồng mua đứt, bán đoạn.

Một doanh nghiệp có thể làm tổng đại lý, đại lý cho nhiều doanh nghiệp nhập khẩu với các nhãn hiệu gas khác nhau. Các doanh nghiệp chỉ quản lý giá bán tới các tổng đại lý, đại lý. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng do các đại lý, các cửa hàng bán lẻ quy định theo cơ chế thị trường.

Không có cơ chế đăng ký giá bán, không có điều khoản ràng buộc của Nhà nước, của các doanh nghiệp cung cấp gas về giá bán của các đại lý.

Cơ chế phân phối gas hiện nay có thể coi là xé lẻ hệ thống phân phối: lợi nhuận từng khâu không cao nhưng giá đến người tiêu dùng cao; các doanh nghiệp không kiểm soát được giá bán đến người tiêu dùng mà chỉ “chăm sóc” hệ thống đại lý, dẫn đến việc người tiêu dùng phải mua gas với giá cao, sử dụng gas không an toàn do giao dịch trực tiếp với các đại lý, cửa hàng bán lẻ.

Từ các tổng đại lý đến đại lý lại càng… loạn. Mỗi tổng đại lý ký hợp đồng với nhiều công ty nhập khẩu, kinh doanh gas với các thương hiệu gas khác nhau; một số tổng đại lý còn thực hiện luôn chức năng chiết nạp thuê cho các công ty nhập khẩu, kinh doanh gas. Còn về giá, các tổng đại lý chủ yếu thực hiện chức năng phân phối gas bình cho các đại lý, không thực hiện bán gas trực tiếp tới hộ tiêu dùng.

Hầu hết các tổng đại lý kinh doanh khí hóa lỏng có kho chứa bình gas không lớn dẫn đến khối lượng gas mua bán phát sinh hàng ngày, giá bán liên tục thay đổi, không ổn định.

Đến các đại lý kinh doanh gas dân dụng thì tình hình cũng rất lộn xộn. Các đại lý, thực chất là các hộ kinh doanh cá thể - đều bán nhiều loại gas cho các hãng khác nhau, hầu hết không thực hiện niêm yết giá.

Tất cả do thiếu luật

Nguyên nhân của tất cả tình trạng lộn xộn trên thị trường gas, theo đánh giá của thanh tra Bộ Tài chính, là do từ trước đến nay vẫn chưa có văn bản pháp quy nào đủ tầm quản lý và điều hành về xuất nhập khẩu và kinh doanh nội địa với mặt hàng này.

Thực tế, cơ quan chức năng Nhà nước chưa thống nhất quản lý, quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí đốt hóa lỏng cho cơ sở chiết nạp khí hóa lỏng có đủ điều kiện. Nhà nước thiếu quy định đối với các cơ sở chiết nạp khí về các điều kiện hợp pháp về đầu tư, thiết kế, về trang thiết bị kỹ thuật, về an toàn, về trình độ cán bộ chuyên môn kỹ thuật, đào tạo công nhân.

Nhà nước cũng chưa quy định về trách nhiệm cụ thể trong việc quản lý và chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng sản phẩm gas, về chất lượng và quản lý vỏ bình gas khi đã đưa ra lưu thông ngoài thị trường.

Một nguyên nhân quan trọng khác, theo thanh tra Bộ Tài chính, là quy định hiện hành cho phép ai cũng có thể tham gia nhập khẩu kinh doanh gas mà chưa có quy định về điều kiện đối với nhà nhập khẩu, đối với các tổng đại lý, đại lý về các điều kiện như: có năng lực tồn chứa là bao nhiêu, có hệ thống phân phối như thế nào…

Hơn nữa, hiện nay, chưa có quy định về dự trữ khí hóa lỏng, từ đó thiếu quy hoạch về hệ thống này. Cũng theo Bộ Tài chính, hiện nay các doanh nghiệp, nhà kinh doanh gas chưa phải chịu trách nhiệm về giá bán gas đến người tiêu dùng.

Cơ quan quản lý giá, cơ quan thuế, quản lý thị trường các cấp cũng chưa thực sự quan tâm đến hoạt động này, nên tình trạng tùy tiện nâng giá, kinh doanh gas lậu, trốn thuế, lậu thuế còn diễn ra ở nhiều địa phương, doanh nghiệp.

Sau cuộc thanh tra, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2009/NĐ-CP quy định về tổ chức kinh doanh gas. Nghị định này lần đầu tiên đưa ra một số quy định chặt chẽ hơn như: mỗi cửa hàng bán gas chỉ được làm đại lý tối đa cho 3 hãng, đại lý phải chịu sự kiểm soát về giá, chất lượng của nhà cung cấp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các quy định tại Nghị định mới chỉ là bước đầu, còn sơ sài, có những quy định khó triển khai vì thiếu chế tài đủ mạnh đi theo. Cho nên, về cơ bản, thị trường gas vẫn còn… loạn như cũ!

. Theo Doanh Nhân/Vietnam+

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cúm A/H1N1 và H5N1 vẫn phức tạp, tử vong cao  (22/12/2009)
Một số dịch vụ khách sạn được mở đến 2 giờ sáng  (22/12/2009)
“Sốt” lãi suất đầu vào  (22/12/2009)
Kỷ niệm trọng thể 65 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam  (21/12/2009)
60 triệu USD hỗ trợ VN ứng phó biến đổi khí hậu  (21/12/2009)
ADB hỗ trợ 45 triệu USD cho nước sạch miền Trung  (21/12/2009)
Lương trong doanh nghiệp thấp hơn lao động tự do  (21/12/2009)
Chúng ta có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc  (21/12/2009)
70 tấn hạt dưa có chất gây ung thư: Nguồn gốc từ Trung Quốc  (21/12/2009)
Khu kinh tế Dung Quất: Mở rộng quy hoạch phải đảm bảo đời sống người dân  (21/12/2009)
Thăm, tặng quà các đồng chí Lão thành cách mạng và nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị  (21/12/2009)
Tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi  (20/12/2009)
Miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp hoạt động bảo vệ môi trường  (20/12/2009)
Sập nhà đang xây, 5 người chết, 4 nguy kịch  (20/12/2009)
Ngừng bố trí vốn cho dự án kém hiệu quả  (20/12/2009)