Thị trường giá cả năm 2009:
Nhiều lúc tin đồn vẫn thao túng
10:10', 29/12/ 2009 (GMT+7)

Giá cả bất thường chủ yếu là do tin đồn.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường giá cả năm 2009 không có nhiều biến động. Thường thì giá bắt đầu tăng từ tháng 10 nhưng 3 tháng cuối năm nay giá lại tăng không đáng kể.

Trao đổi với VOVNews, TS Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: Thị trường giá cả năm 2009 không có nhiều biến động. Giá cả bất thường chủ yếu là do tin đồn. Tháng 5.2008 cũng đã từng có tin đồn về thiếu gạo làm cho chỉ số giá tiêu dùng lúc ấy tăng tới 3,91%. Đến tháng 12.2009, cũng xuất hiện tin đồn thiếu gạo tuy nhiên lần này người tiêu dùng có vẻ "tỉnh" hơn nên hiện tượng "sốt giá" chỉ xảy ra cục bộ ở một vài địa phương.

Tăng giá sẽ tập trung vào tháng 1.2010

"Năm vừa rồi giá cả diễn biến không theo dự tính của cơ quan phân tích. Nếu cuối 2008, người ta dự tính CPI 15% thì đến khoảng 6.2009 thì con số này còn 7%. Diễn biến của giá cả trong nhiều tháng vẫn thấp hơn bình thường" - TS Ánh nói.

Theo phân tích của TS Vũ Đình Ánh, thường thì chu kỳ tăng giá cuối năm bắt đầu từ tháng 10, nhưng 3 tháng cuối năm nay giá tăng không đáng kể, vì vậy sẽ dồn sang tháng 12 và tháng 1.2010 sẽ tăng bù.

"Năm tới người ta vẫn hy vọng sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ với các khoản vay trung và dài hạn được hỗ trợ lãi suất. Đây cũng là một yếu tố sẽ đẩy giá lên. Trong kinh doanh, ngoài việc thu lợi từ việc giá tăng, giảm thì còn có kỳ vọng là giá sẽ tăng nữa. Người tiêu dùng cũng có tâm lý giá hôm nay cao nhưng biết đâu  ngày mai còn cao hơn".

Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì bao giờ giá cũng tăng để hỗ trợ, kích thích cho sản xuất. Còn các nước giàu (EU, Nhật Bản, Mỹ...) phát triển sản xuất dựa vào tiêu dùng vì sản xuất quá tốt rồi (nếu giờ tăng giá người ta không tiêu dùng nữa thì sản xuất đổ đi đâu?). "Để người ta tiêu dùng được thì cứ phải bơm tiền ra. Như vậy thì chỉ số giá, lạm phát tăng so với các nước phát triển". 

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẳng định: Thường trên thế giới, mỗi năm giá biến động khoảng 3-4%, vượt qua con số này luôn là tai họa. Tai họa xảy ra ngay và tai họa để lại lâu dài. Biến động trong những giới hạn tối thiểu là cần thiết và không thể tránh khỏi. Lạm phát (trừ chiến tranh và thiên tai gây ra) thì chỉ do con người gây ra. Chúng ta luôn sợ và ngại lạm phát nên luôn kìm nó trong một thời gian dài và lúc nào đó phải trả. Trả vào lúc nào lại là nghệ thuật điều hành. "Tôi cho rằng, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội vàng của cuối năm 2008 đầu 2009. Bây giờ chúng ta phải trả vào lúc không được thuận lợi lắm" - ông Giá nói.

Cần thay đổi cách điều hành giá

Pháp lệnh về giá ra đời hơn 10 năm nay. Theo TS Vũ Đình Ánh, đến thời điểm này, quản lý giá cần phải thay đổi. Điều không rõ trong cách quản lý của chúng ta là không qui định rõ cái gì là thị trường, cái gì không là thị trường và cái gì là thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

TS Vũ Đình Ánh ví dụ, người dân hoặc doanh nghiệp cứ "hô" là Nhà nước phải can thiệp, nhưng Nhà nước nếu can thiệp thì can thiệp như thế nào... "Rất nhiều ngành nghề không qui định rõ sự can thiệp này" - TS Ánh nói.

Hay câu chuyện của ngành ô tô. Đến giờ, chắc chắn ngành ô tô phá sản kế hoạch nâng tỷ lệ nội địa hóa. Ông Ánh đặt câu hỏi: "Tại sao ô tô đắt thế mà người tiêu dùng cứ đổ xô đi mua? Cứ bảo người tiêu dùng thiệt thòi, doanh nghiệp trục lợi. Hỗ trợ thuế thì doanh nghiệp "đút túi" nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp phải giả giá. Giờ doanh nghiệp bán đắt mà còn tranh nhau mua, thậm chí còn phải đưa tiền trước cho doanh nghiệp kinh doanh ô tô thì mới mua được xe. "Trong câu chuyện này người tiêu dùng Việt Nam phải tự chịu trách nhiệm về việc "ai bảo các ông vào để người Việt Nam phải mua ô tô với giá cao như thế?".

Năm 2010, quan trọng nhất là câu chuyện giữa dự tính và diễn biến thực tế nền kinh tế. Nếu cứ dự tính CPI cho năm 2010 trên 7% vì năm 2009 là 7% là thiếu căn cứ. Vì năm 2010 diễn biến kinh tế hoàn toàn khác. Lật lại câu chuyện của năm 2009 cũng tương tự (dự tính là 15% nhưng thực tế còn 7%). "Khi xác định ngưỡng CPI mà căn cứ vào con số năm trước là rất vô lý" - ông Ánh khẳng định.

Thực ra, theo TS Ánh, CPI tăng, giảm do diễn biến thị trường trong nước (do nhiều yếu tố không dự tính được) cộng (+) diễn biến thị trường thế giới. Chúng ta có chỉ là công cụ chính sách. Vì thế, điều quan trọng nhất là dự tính CPI trong năm phải căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế năm ấy. Ví dụ ta phải phấn đấu tăng trưởng rất cao thì dự tính kiềm chế lạm phát ở mức 10%. Nếu lạm phát dưới 10% thì chỉ việc ngồi nhìn tăng trưởng, còn lạm phát quá 10% thì phải áp dụng biện pháp để can thiệp làm sao giữ được ở mức 10%. "Chúng ta không nên đưa ra chỉ tiêu lạm phát căn cứ vào năm trước. Khi đó, với các công cụ mình có được sử dụng để đạt mục tiêu đã đặt ra. Khi không đạt được mục tiêu thì có nghĩa trong cách điều hành có vấn đề, chứ không phải là tại thị trường thế giới lên cao thì giá cả trong nước lên cao. Câu chuyện ở đây là thị trường thế giới lên cao thì chúng ta phải làm gì để giá trong nước không lên cao" - ông Ánh nói.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Trần Xuân Giá, vấn đề đặt ra đối với câu chuyện giá cả của Việt Nam là phải giảm bớt nhập siêu, cấu trúc lại nền kinh tế, trong đó có câu chuyện chúng ta đã nói nhiều nhưng làm rất ít, đó là tăng phần "mồ hôi, nước mắt" của người Việt Nam trong các sản phẩm.

. Theo VOV News

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
21,480 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam năm 2009  (28/12/2009)
Đổi thẻ BHYT mới - Quyền lợi của người bệnh vẫn được bảo đảm  (28/12/2009)
Số lượng Việt kiều về đón Tết sẽ đạt kỷ lục  (28/12/2009)
8 sự kiện nổi bật của ngành bảo hiểm 2009  (28/12/2009)
Sẽ mở rộng hệ thống trường THPT chuyên  (28/12/2009)
Xây dựng luồng tàu biển có trọng tải lớn cho ĐBSCL  (28/12/2009)
Đầu tư hơn 360 ngàn tỷ đồng cho hệ thống cảng biển  (27/12/2009)
Việt Nam đầu tư 6 tỷ USD vào Campuchia  (27/12/2009)
Từ 1.1.2010 tổng kiểm kê đất đai toàn quốc  (27/12/2009)
Người bệnh BHYT được thanh toán ngay tại nơi khám bệnh  (25/12/2009)
Chấm dứt ưu đãi thuế cho ô tô từ 31.12.2009  (25/12/2009)
Lãi suất cơ bản bằng VND tiếp tục ở mức 8%  (25/12/2009)
Lao động trong doanh nghiệp hưởng lương tháng 2,7 triệu đồng  (25/12/2009)
Giáng sinh tin yêu và hy vọng  (25/12/2009)
Việt Nam - trung tâm hậu cần tiềm năng của khu vực  (25/12/2009)