Trong thời gian tới, một loạt các giải pháp hỗ trợ thị trường có thể sẽ được triển khai như giao dịch buổi chiều, cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản.
Đối với việc chấp thuận cho sàn Tp.HCM được áp dụng phương thức thanh toán trực tiếp với thời gian T+1 đối với các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu/chứng chỉ quỹ có khối lượng từ 100.000 đơn vị trở lên, Ủy ban Chứng khoán kỳ vọng tính thanh khoản sẽ tốt hơn.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán.
Việc cho phép rút ngắn thời gian thanh toán xuống còn T+1 đối với giao dịch thỏa thuận từ 100.000 đơn vị có ý nghĩa gì đối với thị trường lúc này, thưa ông?
Theo tôi, việc rút ngắn thời gian xuống còn T+1 chắc chắn sẽ giúp thị trường thanh khoản tốt hơn.
Tại sao không áp dụng thời gian thanh toán nhanh này cho cả những giao dịch thỏa thuận với khối lượng thấp hơn, thưa ông?
Theo quy định hiện nay, giao dịch thỏa thuận phải từ 5.000 đơn vị trở lên tại HASTC và từ 20.000 đơn vị trở lên tại HOSE, thực ra đây cũng là con số bình thường, mà mình muốn là khối lượng giao dịch cực lớn sẽ được thực hiện với thời gian nhanh hơn.
Thực sự, khối lượng lớn thì người ta mới gắp những cặp song phương để mà xử lý được nhanh, khối lượng nhỏ quá không đáng bao nhiêu cả. Quan điểm của Ủy ban Chứng khoán là đẩy nhanh công nghệ để giảm thiểu thời hạn thanh toán. Trước mắt giải quyết cho các trường hợp giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn từ 100.000 đơn vị trở lên. Thực tế thì Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã triển khai từ lâu rồi.
Về nguyên tắc, nếu áp dụng thời gian T+1 cho giao dịch thỏa thuận thì cũng áp dụng được cho giao dịch khớp lệnh không, thưa ông?
Thực chất của thời hạn thanh toán T+1 là đến chiều ngày hôm sau mới chuyển tên, nhà đầu tư muốn bán, thực chất phải đến ngày T+2, giống như bản chất của T+3 là phải T+4.
Cơ sở của việc chấp thuận giao dịch này là: bản thân đó phải là giao dịch thỏa thuận và khi thực hiện khối lượng lớn như vậy sẽ sử dụng phương thức bù trừ trực tiếp, khác hẳn với hệ thống khớp lệnh là phương thức bù trừ đa phương (đòi hỏi phải T+3, giữa tất cả các thành viên với nhau với nhà đầu tư - PV).
Đây là bù trừ song phương, hay còn gọi là thỏa thuận bù trừ trực tiếp. Chính vì vậy, khi giao dịch với khối lượng lớn như vậy Ủy ban Chứng khoán cho phép thực hiện thời gian thanh toán T+1.
Về mặt công nghệ, thực tế, HASTC đã triển khai được hơn 2 năm, không phải bây giờ mới triển khai vì hệ thống công nghệ của HASTC ra đời sau, nên họ tách ra các khoản bù trừ song phương đối với các giao dịch thỏa thuận trên 100.000 cổ phiếu và thời gian thực hiện cũng không có vấn đề gì.
Bên cạnh việc rút ngắn thời gian thanh toán, sắp tới đây để hỗ trợ thị trường, Ủy ban Chứng khoán có những kế hoạch nào nữa, thưa ông?
Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán cũng xem xét có thể sẽ chuyển sang cả giao dịch vào buổi chiều để hỗ trợ nhà đầu tư trong việc theo dõi sát các giao dịch trên thị trường quốc tế.
Chuyện nâng cấp hệ thống công nghệ, thanh toán bù trừ, giảm thời hạn thanh toán sẽ phải làm về lâu dài, và mục tiêu là càng rút ngắn thời gian thanh toán càng tốt.
Lộ trình thực hiện ra sao, thưa ông?
Theo kế hoạch, Ủy ban Chứng khoán đang cố gắng đẩy sớm việc thực hiện giao dịch cả buổi chiều, phù hợp với thị trường Việt Nam bây giờ và dần dần cũng theo thị trường quốc tế.
Tất nhiên, để làm được điều này đòi hỏi cao hơn về công nghệ của sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán cũng như cả hệ thống bù trừ thanh toán cuả Trung tâm Lưu ký.
Hiện nay, Trung tâm Lưu ký đang triển khai dự án đầu tư công nghệ nhằm rút ngắn thời hạn thanh toán.
Riêng về giao dịch buổi chiều, với hệ thống của sở giao dịch chứng khoán hiện nay thì không vấn đề gì, chỉ là kéo dài sang buổi chiều mà thôi. Nếu cho phép giao dịch cả buổi chiều thì cố gắng vẫn giữ thời hạn thanh toán T+3. Còn nếu không thì cố gắng rút ngắn ngày T+3 xuống.
Một trong những giải pháp hỗ trợ cầu đầu tư trên thị trường chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán đề cập nhiều lần là việc cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản. Có thể kỳ vọng sớm nhất là bao giờ, giải pháp này thành hiện thực, thưa ông?
Về vệc cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản, Ủy ban Chứng khoán đã lấy ý kiến thẩm định các vụ chức năng xong sau khi có ý kiến đồng ý của Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) và dự kiến tuần này sẽ trình lên Bộ Tài chính. Khả năng cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản cũng sẽ sớm thôi.
. Theo VnEconomy
|