Với chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 đã tăng nhẹ 0,35%, nhiều ý kiến lo ngại thời điểm này, đà tăng của giá cả sẽ mạnh lên, nhất là khi lương cơ bản sẽ tăng từ 1.5 tới.
Tiềm ẩn yếu tố tăng giá
Ngay từ thời điểm này, tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá từ 5 - 7%. Thịt lợn tại các chợ đều tăng bình quân 5.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp, gia cầm khác cũng tăng giá thêm từ 15 - 20% so với mức giá cũ. Các loại rau, củ tăng từ 1.000 - 5.000 đồng/kg.
Thị trường thực phẩm đang phải chịu sức ép tăng giá từ nhiều phía. Một chuyên gia nhận xét: tháng 4, chỉ số giá lương thực chỉ tăng 0,03%, nhưng chỉ số của mặt hàng thực phẩm đã tăng tới 0,46%. Đáng lo ngại nhất là ăn uống ngoài gia đình đã tăng 0,83%. Từ đầu tháng 4, khi giá xăng 2 lần điều chỉnh tăng lên 12.000 đồng/lít thì giá hàng hóa - dịch vụ cũng rục rịch tăng theo. Nhiều người bán hàng ở chợ rau Long Biên, Hà Nội cho biết, sau khi giá xăng tăng, giá rau đã tăng lên thêm vài giá.
Giá nguyên liệu thức ăn tăng cùng với việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm cũng đã làm cho giá thực phẩm có dấu hiệu tăng cao. Giá các loại lúa thường bán trên thị trường ở mức 4.000 - 4.500 đồng/kg.
Ngoài ra, một số nguyên liệu sản xuất như hóa chất, nguyên liệu sản xuất chất tẩy rửa, sản xuất hàng nhựa đã tăng khoảng 2 - 3% như những chất hoạt động bề mặt để sản xuất xà phòng từ 1.200 USD tăng lên 1.250 USD/tấn, một số loại dung môi tăng 30 USD/tấn.
Hiện một số nhà cung cấp hóa chất từ nước ngoài đã gửi thư đến một số doanh nghiệp ở Việt Nam thông báo giá có chiều hướng tăng thêm khoảng 3 - 5% trong tháng 5 tới. Điều này cũng đồng nghĩa trong tháng tới các mặt hàng nói trên sẽ tăng giá bán lẻ trên thị trường. Đó là chưa kể, như "tiền lệ" nhiều mặt hàng sẽ nhân cơ hội lương tăng để đẩy giá lên cao.
Không để lương "chạy" theo giá
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết việc tăng lương từ 540.000 lên 650.000 đồng/tháng dành cho cán bộ công nhân viên chức làm việc trong khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước nhằm bù đắp tỷ lệ trượt giá diễn ra từ năm 2008. Hơn nữa, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, mức tăng 20% lương tối thiểu có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người lao động.
Theo bà Ngân, có khoảng 4 triệu người được hưởng mức lương mới này, tuy nhiên so với 46 triệu người lao động Việt Nam còn lại không hưởng chế độ lương khối hành chính và sự nghiệp, vấn đề tăng lương cơ bản không ảnh hưởng đến giá cả thị trường.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, sức mua đang chậm nên các doanh nghiệp rất cần cân nhắc việc tăng giá hàng hóa. Mặc khác, thời gian này, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức "Tuần lễ hàng Việt Nam" tại nhiều địa phương, trong đó, nhiều doanh nghiệp tham gia đã cam kết giảm giá bán hàng hóa từ 20 - 30%.
Không để "té nước theo mưa"
Để tránh tình trạng các hàng hóa, dịch vụ đang mượn cớ tăng lương để tăng giá bất hợp lý, khiến người tiêu dùng bị “móc túi”, theo các chuyên gia kinh tế việc kiểm tra, kiểm soát giá cả cần được sớm tăng cường. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng để thực sự hiệu quả thì cần thay đổi phương thức kiểm tra, thanh tra giá.
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, các cơ quan chức năng như tài chính, quản lý thị trường không nên kiểm tra theo kiểu bề rộng, dàn trải như hiện nay, mà nên tập trung kiểm tra các mặt hàng mà người dân có nhu cầu tiêu dùng lớn như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Đối với các địa chỉ có số lần vi phạm cao, thường xuyên theo dõi và kiểm tra lại thì mới có hiệu quả. Nếu chỉ kiểm tra qua loa, hoặc không áp dụng biện pháp kiểm tra lại, thì dễ dẫn đến tái phạm.
Còn Tiến sĩ Quách Đức Pháp, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng phải tạo được hệ thống chính sách để làm lành mạnh hóa thị trường như tăng cường kiểm soát độc quyền; khuyến khích hình thành mạng lưới phân phối hàng hóa, tạo sự cạnh tranh bình đẳng. Từ đó đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, góp phần hạn chế tình trạng tăng giá vô tội vạ.
Mạnh tay xử lý
Theo các chuyên gia, trước tình trạng gian lận về giá đang diễn ra muôn hình vạn trạng như tăng giá vô tội vạ, bán hàng không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết... thì khi phát hiện hành vi gian lận về giá cần “mạnh tay” xử lý, thì mới chặn được tình trạng tăng giá theo kiểu “mượn gió bẻ măng”.
Hiện Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính đang tích cực đốc thúc các địa phương tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý giá và chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường triển khai nhiều biện pháp quản lý, giám sát giá cả thị trường như kiểm soát giá. Đối với các mặt hàng Nhà nước còn chi phối giá, cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng biện pháp định giá trực tiếp bằng nhiều hình thức thích hợp là đưa ra mức giá tối thiểu, tối đa, theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ nhằm thực hiện lộ trình giá thị trường đối với nhiều mặt hàng.
Bên cạnh đó, mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đối với hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ ngân sách. Hoàn thiện cơ chế để dần chuyển từ hình thức trợ giá, trợ cước đối với một số mặt hàng sang đầu tư trực tiếp cho các đối tượng được thụ hưởng.
Theo Cục Quản lý giá, về lâu dài, để hạn chế những vi phạm về giá tập trung điều hành giá nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Từng bước xóa bao cấp, bù giá đối với những hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp giá đi đôi với thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng gặp khó khăn trong sản xuất, các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, đối tượng chính sách, để giảm thiểu tác động tiêu cực khi tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường.
Trường hợp giá thị trường có biến động bất thường, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp ổn định giá phù hợp, đặc thù nhằm đảm bảo bình ổn cung cầu hàng hóa cho thị trường.
. Theo Tin tức/Vietnam+ |