Chiều 30.4, Bộ Y tế đã có cuộc họp với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam để bàn các biện pháp ứng phó của Việt Nam trước việc WHO quyết định nâng mức cảnh báo nguy cơ đại dịch cúm heo A/H1N1 lên cấp độ 5.
TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, kiêm Người phát ngôn Bộ Y tế nêu rõ, nguy cơ một đại dịch nguy hiểm ảnh hưởng tới toàn cầu đã cận kề, do vậy để phòng tránh lây nhiễm cúm A/H1N1, mọi người phải tuân thủ thực hiện tuyệt đối các biện pháp phòng chống dịch mà Bộ Y tế đã đề ra nhưng không nên quá hoang mang.
Theo đó, tất cả người dân đều phải thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt khi tiếp xúc với dịch tiết hầu, họng. Những người bị mắc bệnh đường hô hấp cấp tính, nên tránh nơi đông người và đeo khẩu trang. Người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch.
Nếu bắt buộc đi đến các khu vực này, phải áp dụng các biện pháp phòng hộ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ y tế nơi đến. Nếu đã tới vùng dịch trong vòng 7 ngày vừa qua thì theo dõi sức khỏe bản thân. Nếu có biểu hiện ho, sốt, đau đầu và mệt mỏi sau khi từ vùng dịch trở về, cần phải khai báo y tế để được cách ly và điều trị kịp thời.
Các hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch phải thông báo với các cơ quan y tế và thực hiện các biện pháp cách ly theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A/H1N1 nhưng trong thời điểm hiện nay, đòi hỏi tất cả các bộ, ngành chức năng phải xây dựng ngay kế hoạch ứng phó trước nguy cơ đại dịch xảy ra.
TS Nguyễn Huy Nga đặt vấn đề, chẳng may nếu đại dịch xảy ra, các cửa hàng lương thực, thực phẩm đóng cửa thì việc cung cấp thực phẩm cho người dân sẽ thực hiện như thế nào. Không chỉ vậy, các vấn đề về điện, nước, giao thông đi lại của người dân trong trường hợp có đại dịch cũng cần phải tính đến ngay từ bây giờ để tránh tình trạng bị động.
Trong ngày 30.4, mặc dù là ngày nghỉ lễ nhưng tại sân bay quốc tế Nội Bài, luôn có 12 bác sĩ chia làm 2 ca trực giám sát, theo dõi thường xuyên đối với những hành khách nhập cảnh.
* Ngày 30.4, Sở Y tế TPHCM cho biết đã cho in ấn 500.000 tờ khai sức khỏe và hướng dẫn cách phòng ngừa cúm A/H1N1. Số tờ khai này đã được cung ứng cho Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế ngay trong ngày hôm qua và đã phát cho hơn 20 hãng hàng không trong nước và quốc tế để yêu cầu hành khách trên các chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) khai báo.
Nội dung khai báo gồm họ tên, quốc tịch, địa chỉ liên lạc tại Việt Nam, tình trạng sức khỏe, từ đâu đến, lịch trình bay (từ vùng dịch hay đã quá cảnh ở đâu)… Theo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, tờ khai của hành khách sẽ được nộp lại tại cửa khẩu hải quan sân bay và đưa vào hệ thống lưu trữ.
Nếu hành khách lưu trú tại các khách sạn sẽ đề nghị cơ quan quản lý du lịch giám sát khi có yêu cầu. Nếu khách lưu trú trong cộng đồng sẽ được thông báo cho chính quyền địa phương nơi khách cư ngụ giám sát, theo dõi diễn biến sức khỏe khi cần thiết.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM ngày hôm qua, cơ quan này đã giám sát dịch tễ được 6.000 hành khách quốc tế qua sân bay Tân Sơn Nhất và các hải cảng, trong đó có 300 hành khách đến từ vùng đang có dịch cúm A/H1N1.
Tuy nhiên, chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc cúm heo. Sở Y tế TPHCM cũng đã có báo cáo khẩn gửi Bộ Y tế xác nhận thông tin này vào lúc 18 giờ ngày hôm qua.
. Theo SGGP |