Bão số 1 được "tiếp sức", miền Trung gấp rút đối phó
15:1', 5/5/ 2009 (GMT+7)

Trung tâm Dự báo KTTV TƯ cho biết, hồi 7h ngày 5.5, vị trí tâm bão số 1 cách bờ biển các tỉnh Khánh Hoà - Ninh Thuận khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12 và còn tiếp tục mạnh thêm.

 

Các tỉnh ven biển phải chuẩn bị tốt các phương án nếu có bão

 

Bão sẽ lên cấp 13-14 

Sáng 5.5, bão đang ở vị trí khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông.

Dự báo, trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển chậm theo hướng Bắc sau đó là Bắc Đông Bắc mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.

Trên ảnh mây vệ tinh cho thấy rõ, bão Kujira đang rất mạnh, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 300 - 400km về phía đông. Do tác động của bão Kujira, bão số 1 còn di chuyển chậm trong 1-2 ngày. Sau đó, khi khoảng cách giữa hai cơn bão này vượt 2.000km thì bão số 1 sẽ di chuyển nhanh hơn và có xu hướng mạnh lên.

Trung tâm KTTV quốc gia dự báo, đến 7h ngày 6.5, bão số 1 cách đảo Song Tử Tây khoảng 260km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89-117 km/h). Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính 100km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, cơn bão này di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 7h ngày 7.5, vị trí tâm bão ở khu vực giữa biển Đông. Lúc này, bão đã mạnh lên cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Thậm chí, đến sáng ngày 8.5, bão còn giật cấp 13-14.

Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính 150km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250km.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, biển động rất mạnh. Khu vực giữa biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10.

Vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 13, cấp 14, sóng biển cao từ 5-7m. Biển động dữ dội.

Ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

Do vậy, hồi 0h30 ngày 5.5, Ban Chỉ đạo PCLB TƯ tiếp tục có Công điện khẩn số 03 yêu cầu các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận phải kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết tin và tìm nơi trú tránh; khẩn trương sắp xếp, neo đậu hoặc kéo tàu thuyền lên bờ đảm bảo an toàn.

Các địa phương, bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án, lực lượng để chủ động đối phó với tình huống bão số 1 tiếp tục đổi hướng.

Miền Trung không để xảy ra thảm nạn Chanchu thứ hai 

Các địa phương miền Trung đang tích cực chủ động phòng tránh bão số 1, không để lặp lại thảm nạn Chanchu thứ hai đối với ngư dân đang hoạt động trên biển.

Sáng 5.5, Văn phòng Chống lụt bão miền Trung (thuộc Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (PCLB) - Bộ NN-PTNT) cho hay, các địa phương trong khu vực đều đang tích cực chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của cơn bão số 1 (bão Chan-hom) mang dáng dấp bão Chanchu, với tinh thần không để lặp lại một thảm nạn từng xảy ra hồi năm 2006.

Qua theo dõi của Văn phòng Chống lụt bão miền Trung, tính đến 8h sáng 5.5, tỉnh Bình Định có 1.565 tàu khai thác thuỷ sản của ngư dân đang hoạt động trên biển với 13.135 lao động. Trong đó, đáng quan ngại nhất là có 198 tàu với 1.784 lao động đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐB) Bình Định đã cử cán bộ trực tiếp đến từng gia đình chủ thuyền, yêu cầu họ liên lạc với thuyền trưởng để năm tình hình. Hiện chủ thuyền của 198 tàu đều đã liên lạc được với các thuyền trưởng và cho biết tất cả đã chạy ra khỏi khu vực nguy hiểm, vào trú ẩn ở nơi an toàn.

Trung tá Nguyễn Văn Quy, trực ban tác chiến BĐBP Bình Định cho biết thêm, đơn vị lấy đại đội C19 làm đại đội cơ động của tỉnh để sẵn sàng ứng phó với bão số 1. Ngoài ra, mỗi đồn BP thành lập một đội cơ động sẵn sàng ứng cứu, phòng chống và khắc phục hậu quả của bão. BĐBP Bình Định cũng chuẩn bị 4 xe ô tô, 2 tàu sắt, 1 tàu tìm kiếm cứu nạn và 4 ca-nô để làm nhiệm vụ cơ động khi có tình huống xảy ra.

Tại Phú Yên, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai, duy trì các kíp trực với 130 cán bộ, chiến sĩ cùng 5 tàu, 5 ca-nô, 5 ô tô của các đồn BP, hải đội và cơ quan thường trực, sẵn sàng cơ động phòng chống bão số 1. Đồng thời sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của đơn vị và phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển, gia đình chủ tàu thuyền thông báo được cho 145 tàu đánh cá với 1.000 lao động đang hoạt động ngoài tỉnh về diễn biến của bão số 1 và yêu cầu vào nơi tránh trú.

Theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn Phú Yên, hiện đã có 22 tàu với 123 lao động vào bờ an toàn; còn 123 tàu với 877 lao động đang tìm nơi tránh trú bão (trong đó có 71 chiếc với 586 lao động hoạt động ở khu vực từ 7 – 90 Bắc, 109 – 1110 Đông; 52 tàu với 291 lao động hoạt động ở khu vực biển Khánh Hoà – Bình Thuận). Tất cả số tàu thuyền này đều đã liên lạc được với gia đình và BĐBP tỉnh, chưa có thông tin về ảnh hưởng hay thiệt hại của ngư dân do bão số 1.

Tại Khánh Hoà, đại tá Nguyễn Đức Phúc, Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho hay, tính đến 6h sáng 5.5 còn 291 tàu đánh cá với 2.430 ngư dân đang hoạt động trên biển. Trong đó, đáng quan ngại nhất là đang có 25 tàu với 244 lao động hoạt động đánh bắt ở khu vực biển Trường Sa. BĐBP tỉnh đã liên lạc được với số tàu thuyền này để thông báo hướng di chuyển của bão số 1 và hướng dẫn các thuyền trưởng tìm nơi tránh trú an toàn.

Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam Nguyễn Minh Tuấn cho biết, hiện còn 28 tàu cá với 813 lao động đang hoạt động trên biển Đông, chủ yếu là tàu đánh bắt xa bờ. Trong đó có 10 tàu đang hoạt động và trú gió tại các đảo Đá Tây, Song Tử Tây, Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa; 1 tàu đang hoạt động ở khu vực đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận).

Đáng lưu ý là có 10 tàu đang thả dòm tại toạ độ 110 Bắc – 1100 Đông, 7 tàu đang hoạt động tại toạ độ 15,50 Bắc – 1120 Đông (thuộc khu vực quần đảo Trường Sa) trong điều kiện thời tiết gió cấp 6. Ngoài ra còn có 13 tàu vận tải với 99 thuyền viên của ngoại tỉnh đang trú gió tại Cù lao Chàm. Các tàu này đang trên đường di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và thường xuyên giữ liên lạc với BĐBP tỉnh.

Tại Đà Nẵng, thiếu tá Trần Công Thành, Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy BĐBP TP cho hay, hiện còn 288 tàu đánh bắt thuỷ sản với 1.099 lao động đang hoạt động trên biển. BĐBP TP đã thông báo cho 134 tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển có khả năng xảy ra nguy hiểm biết vị trí của bão số 1 để chủ động tìm nơi trú tránh.

Hiện đã xảy ra thiệt hại đầu tiên đối với ngư dân miền Trung do ảnh hưởng của cơn bão này. Đó là trường hợp của thuyền đánh cá QNg 8573, công suất 33CV của ông Huỳnh Quyền (sinh năm 1975, ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bị sóng đánh chìm trong khi chạy vào cửa biển Mỹ Á. Rất may là 2 ngư dân trên thuyền vẫn an toàn và hiện chiếc thuyền đã được trục vớt, kéo vào bến để sửa chữa.

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Chứng khoán sẽ hồi phục vào giữa năm 2010”  (05/05/2009)
Bão số 1 mạnh lên, mang dáng dấp bão Chanchu  (05/05/2009)
4 tháng, PVN tăng 8,4% sản lượng khí  (05/05/2009)
Tướng Giáp tiếp tuỳ viên quân sự các nước  (05/05/2009)
Thủy sản Việt Nam đoạt giải lớn tại châu Âu  (04/05/2009)
Nhiều ngân hàng đua tăng lãi suất lên trên 9%  (04/05/2009)
Hơn 4.700 tỷ đồng hỗ trợ người lao động 61 huyện nghèo xuất khẩu lao động  (04/05/2009)
Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng  (04/05/2009)
Hồ sơ giảm trừ gia cảnh: Dân “lơ là”, cơ quan “ngán ngại”  (04/05/2009)
Hôm nay, 4.5: Chính phủ họp thường kỳ tháng 4  (04/05/2009)
Bão số 1 đổ bộ vào Trường Sa  (04/05/2009)
Đầu tư chứng khoán, có khi cần… đơn giản   (03/05/2009)
Đà Nẵng hoàn thành việc bổ nhiệm lãnh đạo   (03/05/2009)
Áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Nam Trung Bộ   (03/05/2009)
Triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về khai thác bauxite  (01/05/2009)