Không cung cấp thông tin, công chức phải bồi thường thiệt hại
13:27', 7/5/ 2009 (GMT+7)

Vụ phó Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa.

"Là công chức, nhưng khi đến UBND hỏi thông tin về đất đai, tôi được gợi ý là phải đến Sở Quy hoạch. Tại đây, tôi được đề nghị phải chi một khoản tiền, không hiểu theo quy định nào, nhưng thông tin có được cũng không giá trị gì", bà Đặng Thị Trang Hưng (Bộ Thông tin - Truyền thông) kể với các chuyên gia dự hội thảo "Xây dựng Luật Tiếp cận thông tin tại Việt Nam" diễn ra hôm 6.5 tại Hà Nội.

Từ chối bao nhiêu, tốt bấy nhiêu

Bà Hưng cho hay, với một người am hiểu pháp luật như bà, mỗi khi đến "gõ cửa" các cơ quan Nhà nước để tìm hiểu những thông tin mà theo quy định của pháp luật là công khai, thì vẫn là cả một vấn đề lớn và thường không mấy khi được thỏa mãn.

Khảo sát gần đây về việc thực hiện quyền được thông tin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nhân quyền, ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Đăng Dung nói, mặc dù đã có những quy định về việc cung cấp thông tin cho nhân dân nhưng hầu như các công chức đều không coi đây là trách nhiệm.

Phần lớn công chức từ chối và chuyển lên cấp trên. Vì thế, người dân chẳng mấy khi đến hỏi và không hiểu mình có quyền được cung cấp những thông tin gì.

"Đây là cung cách làm việc theo cơ chế tập trung, chỉ làm những việc mà thủ trưởng giao và từ chối được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu", ông Dung kết luận.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ phó Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), danh mục và dạng thông tin mà các cơ quan Nhà nước nghiễm nhiên phải cung cấp cho người dân tương đối nhiều.

Sở dĩ người dân khi cần thông tin về quy hoạch để mua đất nhưng vẫn bị từ chối với lý do "thông tin nội bộ" là vì, theo pháp luật hiện hành, chưa có cơ chế xử lý với cán bộ từ chối cung cấp thông tin.

Hơn nữa, theo bà Thoa, chưa có văn bản nào quy định rạch ròi thông tin nào phải cho dân biết, thông tin nào không nên, dẫn đến tâm lý ngần ngại, loanh quanh từ chối khiến người dân và doanh nghiệp bức xúc.

Thực tế, việc bưng bít thông tin diễn ra rõ nhất trên các lĩnh vực đất đai, đền bù giải tỏa, dự án ưu đãi. Chính hiện tượng bưng bít thông tin, cửa quyền, hách dịch trong các cơ quan Nhà nước đã dẫn đến khiếu kiện đông người kéo dài, khiếu kiện vượt cấp.

Đóng dấu mật tràn lan

Cũng theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Bộ Tư pháp, hiện tượng đóng dấu mật lên các văn bản giấy tờ không thuộc phạm trù bảo mật vẫn còn tràn lan. "Ngay cả văn bản về quản lý Nhà nước đối với công tác thanh niên cũng đóng dấu mật. Rõ ràng, khi các  cơ quan mà không muốn công bố thông tin là cứ thế đóng dấu mật vào", bà Kim Thoa nói.

Tuy nhiên, dự thảo Luật tiếp cận thông tin đưa ra lần này cũng mới chỉ đưa ra một tiêu chí chung về thế nào là thông tin "mật". Theo bà Thoa, để quy định chi tiết thế nào là "mật" và trường hợp nào đóng dấu mật cũng như "giải mật" thì phải sửa Pháp lệnh về bảo mật Nhà nước.

"Việc khai thác bô-xít Tây Nguyên và vụ kiện Vedan gần đây càng cho thấy yêu cầu cấp thiết của việc phải công khai thông tin".

Ông Hoàng Ngọc Giao - Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật

Thực tế, những thông tin về an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ... thì nhiều quốc gia vẫn coi là "mật" nhưng Pháp lệnh này lại quy định cả việc thông tin mật là thông tin của các bộ, ngành khi chưa công bố, nên càng dễ dẫn tới tình trạng bị lạm dụng vì chỉ cần vin vào Pháp lệnh là có quyền không công khai bất kỳ thông tin nào.

TS Nguyễn Đăng Dung kể lại chuyện mới năm ngoái, khi có thông tin về việc nước tương không đảm bảo tiêu chuẩn, thanh tra Sở Y tế đã vào cuộc. Nhưng kết quả thanh tra lại chỉ được cung cấp cho chính doanh nghiệp sản xuất nước tương mà không hề được công khai để người tiêu dùng biết.

Dân có quyền khiếu kiện nếu bị từ chối

Theo dự thảo luật, thông tin được công bố rộng rãi bao gồm: Thông tin về các dự án đầu tư công, về sản phẩm hàng hóa dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; quy hoạch, kế hoạch sử dụng, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng...

Những thông tin không công khai là: thông tin bí mật nhà nước, cá nhân, bí mật kinh doanh...

Người yêu cầu có thể tiếp cận thông tin bằng văn bản hoặc trực tiếp. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có thông tin theo yêu cầu thì phải thông báo cho người yêu cầu trong vòng 10 ngày. Nếu từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Yêu cầu được tiếp nhận thông tin phải được xem xét, giải quyết chậm nhất trong vòng 20 ngày. Trong trường hợp bị từ chối hoặc được cung cấp quá muộn thì người dân có quyền khiếu kiện và cơ quan đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Sau đó, căn cứ vào mức độ vi phạm để yêu cầu cán bộ, công chức phải bồi hoàn.

Người nào có hành vi hủy hoại hoặc làm sai lệch thông tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
UBMTTQ Việt Nam chúc mừng Đại lễ Phật đản năm 2009  (07/05/2009)
Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp  (06/05/2009)
Cấp sổ đỏ cho đất có giấy tờ trước 30.4.1975  (06/05/2009)
Khánh thành Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ  (06/05/2009)
Báo cáo của HRW thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình Việt Nam  (06/05/2009)
Kinh tế - những dấu hiệu khởi sắc  (06/05/2009)
Bão số 1 gây mưa lớn từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận  (06/05/2009)
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (06/05/2009)
Bão số 1 được "tiếp sức", miền Trung gấp rút đối phó  (05/05/2009)
“Chứng khoán sẽ hồi phục vào giữa năm 2010”  (05/05/2009)
Bão số 1 mạnh lên, mang dáng dấp bão Chanchu  (05/05/2009)
4 tháng, PVN tăng 8,4% sản lượng khí  (05/05/2009)
Tướng Giáp tiếp tuỳ viên quân sự các nước  (05/05/2009)
Thủy sản Việt Nam đoạt giải lớn tại châu Âu  (04/05/2009)
Nhiều ngân hàng đua tăng lãi suất lên trên 9%  (04/05/2009)