* Việc làm của ông Thích Quảng Độ ngược với giáo lý Phật giáo
Hàng năm, cứ vào đầu tháng 4 Âm lịch, phật tử trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng lại rộn ràng với các hoạt động mừng ngày Phật đản. Không khí của mùa Phật đản năm nay, như cách nói của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (ảnh), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), có phần phấn khởi, tưng bừng hơn. Vì như hòa thượng nói, thành công của Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc (Vesak) 2008 được tổ chức tại Hà Nội như thể hiện sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam trong mùa Phật đản.
Một nét đẹp truyền thống khác mà trong suốt cuộc trò chuyện với PV Báo SGGP, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã nhiều lần nói đến, là sự đoàn kết, hòa hợp giữa các hệ phái Phật giáo trong ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam…
Phật giáo Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển hưng thịnh
* PV: Tinh thần hòa hợp và đoàn kết trong truyền thống của đạo Phật mùa Phật đản được thể hiện qua ý nghĩa gì, thưa hòa thượng?
+ Hòa thượng THÍCH THIỆN NHƠN: GHPGVN gồm có 3 hệ phái chính là Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Trong suốt gần 30 năm qua, 3 hệ phái này đều hoạt động thống nhất trong hệ thống GHPGVN với tinh thần đoàn kết, hòa hợp, không có gì tách rời được. Các hoạt động trong ngày Đại lễ Phật đản hàng năm đều được tổ chức chung và thống nhất từ nội dung đến các nghi thức hành lễ. Đây được coi là nét đẹp truyền thống của Phật giáo Việt Nam kể từ ngày thống nhất đến nay.
* Hoạt động chính trong mùa Phật đản năm nay được thể hiện qua những nội dung gì, thưa hòa thượng?
+ Trong thông bạch của Trung ương GHPGVN, có đề cập đến các cấp giáo hội Phật giáo tại các tỉnh, thành cũng như tăng ni, phật tử cả nước, ngoài các hoạt động mừng ngày Phật đản cần chú trọng tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện như: tặng quà người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương… Các tỉnh, thành đều có sự kết hợp nhuần nhuyễn, thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp và tri ân, báo ân của người con Phật trong ngày Phật đản.
* Đạo pháp – Dân tộc – CNXH, đường hướng hoạt động của GHPGVN từ ngày thành lập đến nay, hòa thượng có đánh giá gì về sự phát triển so với trước kia?
+ Sự thật là số lượng tăng ni hiện nay so với trước năm 1975 tăng gấp 10 lần. Riêng tại TPHCM hiện nay có hơn 6.000 tăng ni và hơn 1.000 ngôi chùa, tự viện. Về tổ chức của hệ thống GHPGVN, hiện có 55/63 tỉnh, thành lập Ban trị sự Phật giáo. Hệ thống đào tạo cũng phát triển vượt bậc và hiện nay trên cả nước đã có 4 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 30 trường trung cấp và 26 trường sơ cấp Phật học. Hoạt động của GHPGVN trên quốc tế cũng ngày được mở rộng, chứng minh cho thời kỳ phát triển của GHPGVN hiện nay.
"Nhân" sai sẽ dẫn đến "quả" xấu
* Trong mùa Phật đản năm nay, có người lại phát biểu ngược với quan điểm của GHPGVN, cũng như sự hòa hợp dân tộc, có những lời kêu gọi trái với tinh thần của đạo Phật. Hòa thượng có ý kiến gì về điều này?
+ Nhân mùa Đại lễ Phật đản năm nay, GHPGVN đã ban hành 3 văn bản: Thông điệp Phật đản của Đức Pháp chủ GHPGVN, diễn văn Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN và bài giảng về ý nghĩa Phật đản của Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN. Nội dung của 3 văn bản này đã nói lên ý nghĩa của ngày Phật đản, đồng thời nói lên tinh thần đoàn kết, hòa hợp của các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong ngôi nhà chung GHPGVN.
Đối với một số vị được gọi là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thật ra số đó ít thôi, thời gian qua họ có những tuyên bố đi ngược lại chủ trương của GHPGVN. Vấn đề này từ trước đến nay cũng từng xảy ra. Quan điểm của giáo hội nói chung, cũng như của Hòa thượng Đức Pháp chủ đã xác định, chuyện gì nó cũng có “nhân” và có “quả”. Hễ chúng ta làm cái “nhân” đúng, đương nhiên hưởng “quả” đúng. Còn nếu cái “nhân” sai thì sẽ hưởng cái “quả” xấu mà thôi.
Cho nên, công việc của giáo hội thì cứ như thế mà tiếp tục với một kết quả tốt đẹp. Lịch sử cũng đã chứng minh cho sự tồn tại và phát triển của GHPGVN trong hiện tại và tương lai.
* Thưa hòa thượng, vừa rồi ông Thích Quảng Độ có đưa lên blog lời kêu gọi “bất tuân dân sự…”, điều này có đúng với tinh thần của Phật giáo?
+ Tuyên bố của Hòa thượng Thích Quảng Độ thực ra là không thể, bởi vì theo chương trình hoạt động của nhân dân thì các công việc vẫn bình thường thôi. Hàng ngày cứ đến các cơ quan, xí nghiệp mà làm việc. Sẽ không có ai nghe theo lời kêu gọi phi lý này và tới ngày đó dân chúng vẫn đi làm bình thường. Lúc đó, thực tế sẽ chứng minh lời kêu gọi của cụ Thích Quảng Độ không có giá trị.
Việc làm này của cụ Thích Quảng Độ cũng không thể hiện ý nghĩa tốt đẹp trong ngày Đại lễ Phật đản và đi ngược giáo lý Phật giáo. Nói chung là GHPGVN đã phát triển không ngừng trong những năm qua. Các mùa Phật đản đều như thế. Đối với cụ Thích Quảng Độ và cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, trong những mùa Phật đản năm qua, chúng ta thấy cũng đâu có làm được kết quả gì.
* Ở Việt Nam, hiện có nhiều tôn giáo cùng hoạt động, xin hòa thượng nói thêm về sự đoàn kết, hòa hợp giữa các tôn giáo?
+ Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn có chủ trương tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ở Việt Nam, hiện có 2 tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo, cùng khoảng chục tôn giáo khác. Với chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, cũng như luật pháp quy định, dù là tôn giáo lớn hay nhỏ đều bình đẳng như nhau trước pháp luật. Chính vì vậy, trong những năm qua, Phật giáo, Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác như Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Hồi giáo… hoạt động đều có kết quả tốt đẹp, không có gì mâu thuẫn. Trong các ngày lễ trọng đại, đại diện các tôn giáo đều đi thăm và bày tỏ mối đoàn kết, hòa hợp với nhau trong sự phát triển chung của mọi tôn giáo.
Lời xúi giục “Bất tuân dân sự” của ông Thích Quảng Độ: Việc làm trái đạo lý
Trước thềm Đại lễ Phật đản Phật lịch 2553, trong lúc hàng triệu tăng ni, phật tử đang sống trên quê hương Việt Nam và ngoài nước rộn ràng với các hoạt động hướng tâm, hướng thiện lòng mình về với ngày Phật đản thì ông Thích Quảng Độ, nhân danh một cao tăng của cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, kêu gọi mọi người “Bất tuân dân sự”, “Biểu tình tại gia”. Không chấp nhận những việc làm trái đạo lý và xâm phạm đến quyền tự do con người của ông Thích Quảng Độ, nhiều tăng ni, phật tử TPHCM đã lên tiếng phản đối...
Ông Thích Quảng Độ vi phạm giới luật của nhà Phật
(Hòa thượng Thích Như Niệm, Viện chủ chùa Pháp Hoa, Phú Nhuận)
Cụ Thích Quảng Độ đã có lời kêu gọi “Bất tuân dân sự”, “Biểu tình tại gia”. Chuyện này không hợp lý, không hợp tình bởi lẽ: Một người tu hành phải làm sao đem lại lợi lạc cho chúng sanh. Trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư mọi công sức để vượt qua. Cụ Thích Quảng Độ là một người tu hành và là công dân của đất nước Việt Nam, không biết cụ nghĩ thế nào lại kêu gọi mọi người “Bất tuân dân sự”. Làm như vậy, chẳng khác nào một đất nước không có luật pháp. Cũng như trong người tu của đạo Phật, phải có giới luật. Mà giới luật nói, người nào không tuân thủ thì người đó không phải là người tu hành; người đó ẩn dương, nương Phật, mượn đạo để làm những việc khác mang tính vụ lợi. Cụ Thích Quảng Độ kêu gọi “Biểu tình tại gia”, tức là học sinh không đi học, công nhân không đi làm việc, tiểu thương không đến chợ…, sẽ dẫn đến xã hội tê liệt. Những lời nói đó chẳng qua do sự xúi giục của những kẻ xấu và của các thế lực phản động. Là người có lương tri, có đức tin của người con Phật, chắc chắn sẽ không có ai làm theo lời kêu gọi trái đạo lý của cụ Thích Quảng Độ.
Với tư cách là người tu hành, chúng tôi phản đối lời kêu gọi này và yêu cầu cụ Thích Quảng Độ không nên làm điều gì vi phạm giới luật và đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Việc làm trái đạo lý
(Thượng tọa Thích Minh Giác, Trụ trì chùa Pháp Quang, Bình Thạnh)
Là người tự xưng có bề dày về tu tập, có nhiều năm đóng góp cho Phật pháp nước nhà, thử hỏi việc cụ Thích Quảng Độ kêu gọi mọi người “Bất tuân dân sự”, “Biểu tình tại gia” có phù hợp với giáo lý của nhà Phật? Cụ Thích Quảng Độ đại diện cho ai lại có hành động phi đạo lý như vậy? Cụ kêu gọi mọi người hành động trái đạo lý này trong 1 tháng, có phải nhằm mục đích làm tê liệt mọi hoạt động của đất nước? Chắc chắn lời kêu gọi này sẽ không được ai chấp nhận vì nó quá phi lý.
Đức Phật ra đời đã thấu đáo hết chân lý của cuộc đời và đem chân lý đó phổ biến khắp chúng sanh, để mọi người cùng giác ngộ và từ đó đem lại cuộc sống an vui cho chính mình. Mọi người đều an vui, tất cả đều an vui thì hạnh phúc sẽ tràn ngập khắp mọi nơi. Những lời nói của cụ Thích Quảng Độ mang tính cá nhân. Về mặt giáo lý, suy nghĩ và phát biểu của mỗi người khác nhau, nhưng nếu đó là chung quy cho lợi ích nhân loại, chúng ta tán đồng. Nếu lợi ích nào thuộc về cá nhân và làm phương hại đến toàn cục, chúng ta phải phản đối.
Đạo Phật không dung túng những hành động ngược với lợi ích quốc gia, dân tộc (Đại đức Thích Giác Bình, chùa Tuyền Lâm, quận 6)
Trong suốt hơn 30 năm làm từ thiện, tôi luôn quan niệm, đạo với đời gắn liền là một. Từ bi, bác ái, trước tiên phải thể hiện ở lòng yêu thương con người, hành động vì con người. Những việc làm từ thiện, giúp đỡ đồng bào nghèo cũng là biểu hiện của từ bi, bác ái, cao hơn đó là lòng yêu thương con người, yêu dân tộc.
Người tu hành không lo tu tâm tích đức mà đi cổ súy, kêu gọi biểu tình là việc làm đi ngược lại giáo lý nhà Phật và lợi ích của nhân dân. Kêu gọi “biểu tình tại gia” không chỉ là hành vi đi ngược lại với những điều đạo Phật răn dạy mà còn trái với lương tâm chân chính của một người tu hành, bôi nhọ hình ảnh cao quý của vị thầy tu. Bởi vậy, các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi có tính chất kích động, chống phá Nhà nước của ông Thích Quảng Độ…
Năm 1963, hàng ngàn tăng ni, phật tử đã xuống đường biểu tình phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đòi bình đẳng tôn giáo, chống đàn áp Phật giáo và đòi dân sinh dân chủ. Hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức chính là tiếng nói yêu nước của giới tu hành. Nhưng giờ đây, đã 34 năm đất nước được hòa bình, thống nhất, đời sống của người dân đang thanh bình, yên ổn, thì tại sao ông Thích Quảng Độ lại kêu gọi biểu tình? Lời kêu gọi này lại thực hiện trong mùa Phật đản không chỉ gây rối an ninh trật tự mà còn khiến cho lòng dân không yên.
Không được kêu gọi làm xáo trộn xã hội
(Phật tử Trần Thị Kim Lan, 639/73/4/22 Hương lộ 2, Bình Tân)
Lễ Phật đản sắp đến, tôi sẽ vào chùa Lộc Uyển (quận 6, TPHCM) để cầu xin Đức Phật phù hộ độ trì cho gia đình khỏe mạnh, con cái an vui. Tôi cũng sẽ cầu xin Đức Phật hướng thiện cho những người lầm đường lạc lối đi ngược lại lời răn dạy của Phật pháp: không làm điều ác, điều xấu sai trái với lương tâm. Tôi nghĩ ông Thích Quảng Độ nay đã lớn tuổi, cũng cần tịnh tâm để an hưởng tuổi già, tụng kinh niệm Phật để cõi lòng được thanh thản chứ đừng kêu gọi này nọ làm xáo trộn xã hội.
Ông Thích Quảng Độ cũng nên nhớ rằng phật tử và đồng bào các giới cũng đã đổ rất nhiều xương máu để có cuộc sống an bình, ấm no như hôm nay. Trong thời buổi kinh tế thị trường, chuyện cơm áo gạo tiền phải lo trước mắt, sau khi đã đầy đủ rồi thì người ta hướng thiện bằng cách giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi, người già neo đơn. Có làm việc, cống hiến như vậy thì cuộc sống mới có ý nghĩa. |
. Theo SGGP |