|
Đồng tiền đang đổ vào TTCK ngày càng nhiều. |
"Moment tăng và luồng tiền vào thị trường tốt. Tổng giá trị giao dịch như vậy cho thấy sức bền. VN-Index đang nhắm tới đích cao mới, trước mắt là 400. Các blue-chips sẽ tiếp tục đi lên, từng bậc một... Thị trường Mỹ NYSE đang có đà tăng tốt" - (lời một NĐT trên diễn đàn mạng).
"Lòng tham" được xuất phát bởi niềm tin
TTCK sau kỳ nghỉ lễ đầu tháng 5 khá dài đã hưng phấn đến bất ngờ. Bên bán khá quyết tâm ghìm hàng, còn bên mua cũng tiếp tục mua vào. VN-Index leo được những mốc khá ngoạn mục khiến ngỡ ngàng cả thị trường. Nhiều NĐT tiếc nuối hùi hụi vì đã trót "bán non".
Với các NĐT đang nắm tiền "chậm chân" bước vào thị trường thì bỗng thấy mình mất đi cơ hội kiếm lời mấy phần trăm mỗi ngày, sự tiếc nuối của họ đã làm cho khả năng dòng tiền sẽ đổ vào thị trường trong những ngày sắp tới lại càng lớn thêm.
Nếu chỉ nhìn vào diễn biến thị trường hai ngày 4 và 5.5 thì dễ có cảm giác là thị trường đang bị đẩy lên hoàn toàn bằng lòng tham của các NĐT, nhưng sức bền của VN-Index cho đến ngày cuối tuần đã cho thấy "lòng tham" đó được xuất phát bởi niềm tin của sự kỳ vọng.
Một NĐT nói: "Thị trường đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Đã xuất hiện dấu hiệu tích cực cho thấy khủng hoảng đã đến đáy. Vì vậy, chỉ cần có dấu hiệu hồi phục là thị trường tăng điểm. Điều này cũng dễ hiểu. Có nhiều người tự hỏi rằng không hiểu dòng tiền đâu ra mà đổ vào thị trường nhiều thế. Cá nhân tôi cho rằng cũng không cần tìm hiểu kỹ vấn đề này lắm, mà chúng ta chỉ cần hiểu rằng đã có sự quan tâm đến thị trường, đã có cơ hội kiếm lời lâu dài trên thị trường thì người ta mới đổ tiền vào. Đó chính là "dòng tiền thông minh".
Có lẽ đây là cảm nhận của rất nhiều NĐT hiện nay. Dù không ai chắc chắn xu hướng thị trường sẽ ra sao vào 2 ngày đầu tuần, nhưng đích đến 400 đối với nhiều NĐT không còn cảm thấy xa vời như trước đây nữa. Nhiều NĐT cho rằng CP họ nắm giữ nhất định sẽ tăng giá. Một kiểu đầu tư tạm gọi là lưỡng tính theo suy luận "nếu lướt sóng không được, thì để đầu tư dài hạn"...
Chính niềm tin này đã khiến cho tâm lý các NĐT cá nhân vững vàng hơn, không quá hốt hoảng trong những phiên thị trường có dấu hiệu đảo chiều, CK sẽ dễ dàng được găm lại (hạn chế cung) nếu giá bán kỳ vọng không đạt được.
Rủi ro cần tính
Trong một không khí thị trường thế này, những lời cảnh báo mạnh, nếu không đúng thì sẽ sai lầm rất lớn, và cũng khó có thể được nhiều NĐT đồng tình. Tuy nhiên, với TTCK thì không có gì là không thể; đặc biệt trong một bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, bất trắc như hiện nay.
Không ít NĐT trên TTCKVN chịu ảnh hưởng tâm lý bởi sự lên xuống của TTCK Mỹ, và sự lên xuống đó đang là một tiêu chí nằm trong tổng hợp các tiêu chí để đánh giá xu hướng về TTCK của họ. Nhưng TTCK của Mỹ lên không phải do nền kinh tế Mỹ đã xuống đến đáy, hoặc do nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, mà là do có những thông tin vừa được công bố (ví dụ thông tin kiểm tra "sức khỏe" của 19 NH Mỹ) đã làm cho thị trường thấy được rõ hơn mức độ tổn thất lớn nhất có thể chịu đựng, cũng như khả năng thoát khỏi khó khăn hiện tại thế nào, chứ không mơ hồ như trước đây nữa. Vì vậy mà kỳ vọng vào sự tăng trưởng sẽ đến trong thời gian tới dẫn đến TTCK Mỹ đi lên (nhằm đánh cược với kỳ vọng tăng trưởng sẽ đến).
TTCKVN (chỉ xét riêng về sự minh bạch và tính chính xác trong việc công bố thông tin) vẫn còn là một điểm yếu quá xa nếu so với TTCK Mỹ. Ngoài ra, khả năng thực hiện chính sách kinh tế cùng với tiềm lực tài chính của ngân sách là có hạn; do đó, việc nhìn vào TTCK Mỹ để "soi lại" vào TTCKVN, từ đó mà có thêm niềm tin thì dễ có những sai biệt lớn trong nhận định tình hình, và đây cũng chính là rủi ro mà NĐT rất cần tính đến trong khoảng thời gian này.
Thị trường vẫn có thể có xu hướng đi lên
Theo một số chuyên gia phân tích CK trong dài hạn, những CP có kết quả kinh doanh quý I khả quan, có lĩnh vực hoạt động mà lợi ích gắn với sự phục hồi kinh tế cũng như là đối tượng hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ tiếp tục thu hút được giới đầu tư. Ở kỳ vọng ngắn hơn về thời gian, CP thuộc lĩnh vực sản xuất các mặt hàng đang có dấu hiệu phục hồi về giá trong thời gian qua như sắt thép, ximăng, cao su cũng có thể đem lại nhiều cơ hội.
Bởi vậy, thị trường vẫn có thể có xu hướng đi lên trước khi bước vào những phiên điều chỉnh. Sự tăng nóng của thị trường cũng không đáng quan ngại vì đà tăng nóng sẽ được hãm lại bởi sự khác biệt trong quan điểm kinh doanh giữa các NĐT “lướt sóng” và “đầu tư giá trị”; giữa sự nhìn nhận khác nhau của các thành phần tham gia thị trường. Đó là chưa kể đến những tác động của các thị trường khác như BĐS… sẽ đến với TTCK khi nền kinh tế ấm lên, mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho dòng vốn đầu tư đang có.
. Theo Lao Động |