Trước tình hình tiêu chảy cấp đang có nguy cơ lây lan rộng, chiều 12.5 Tiến sĩ Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bộ đang khẩn trương triển khai các hoạt động dập dịch, khoanh vùng, xử lý kịp thời các ổ dịch.
Bộ Y tế cũng xác định nguyên nhân lây truyền dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lần này vẫn do người dân thiếu ý thức phòng bệnh và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo: dịch bệnh vẫn xảy ra tại các ổ dịch cũ và nguyên nhân vẫn là do người dân sử dụng một số thực phẩm như: thịt chó, mắm tôm sống, rau sống, một số thức ăn không đảm bảo vệ sinh khác; sử dụng thức ăn đường phố...
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Đến nay, cả nước đã ghi nhận 25 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả tại thành phố Hà Nội (3 trường hợp ở các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ và huyện Từ Liêm), Hải Phòng (5 trường hợp), Bắc Ninh (9 trường hợp), Thanh Hóa (7 trường hợp) và Nam Định (1 trường hợp). Còn lại các trường hợp khác tại các địa phương kết quả xét nghiệm âm tính với phẩy khuẩn tả.
* Ngày 12.5, Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Để phòng chống dịch cúm A (H1N1) xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế thực hiện giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ và chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đáp ứng với dịch cúm A(H1N1) trong trường hợp dịch xâm nhập vào Việt Nam.
Theo đó, Bộ Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế 63 tỉnh, thành phố về các nội dung giám sát, điều trị, tuyên truyền về phòng chống dịch cúm A(H1N1); tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống thông tin đại chúng; dự trữ và phân phối thuốc, vật tư, trang thiết bị hỗ trợ chống dịch kịp thời. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới trao đổi thông tin và hỗ trợ chống dịch.
* Ngày 11.5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
Theo đó, quyết định đã định về chế độ phụ cấp của nhân viên y tế thôn, ấp, bản, buôn, làng, sóc (sau đây gọi chung là thôn, bản). Mỗi thôn, bản được bố trí từ 1 - 2 nhân viên y tế căn cứ vào quy mô dân số và địa bàn hoạt động.
Trong thời gian công tác, nhân viên y tế thôn, bản được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung. Cụ thể là: mức 0,5 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, bản tại các xã vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg (5-3-2007) của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; mức 0,3 áp dụng đối với nhân viên y tế thông, bản tại các xã còn lại.
. Theo TTXVN |