|
Tái hiện hình ảnh lực lượng bộ đội, TNXP trong chiến tranh |
Đường Hồ Chí Minh là con đường huyền thoại, nhiều tên núi, tên sông, tên làng trên con đường này đã trở thành “Địa chỉ đỏ” ghi lại dấu ấn một thời oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Tối qua (16.5), tại khu tượng đài thanh niên xung phong, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959) với chủ đề “Huyền thoại một con đường”. Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, 1.000 cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong trong cả nước về dự lễ.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nêu rõ ý nghĩa của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, những chiến công hào hùng của các lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội trên con đường lịch sử mang tên Bác, cũng như những đóng góp của quân và dân tỉnh Quảng Bình đối với con đường Trường Sơn huyền thoại cũng như suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong chiến tranh, đường Hồ Chí Minh đi qua Quảng Bình là con đường huyền thoại, nhiều tên núi, tên sông, tên làng trên con đường này đã trở thành “Địa chỉ đỏ” ghi lại dấu ấn một thời oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam. Những địa danh quen thuộc như Khe Ve, ngầm Rinh, phà Xuân Sơn, phà Long Đại (đường 15), Bãi Dinh, La Trọng, Cổng Trời (đường 12A), Trà Ang, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích (đường 20)... là những trọng điểm nổi tiếng ác liệt của toàn tuyến.
Tại buổi lễ, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã trao cờ, danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ Trang cho 8 liệt sĩ Thanh niên xung phong thuộc Đại đội 217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 đã có nhiều thành tích xuất sắc trong mở đường Trường Sơn, kháng chiến chống chống Mỹ cứu nước.
Tiếp sau lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật “Huyền thoại một con đường”. Đây là một chương trình tổng hợp ca múa nhạc do 300 nghệ sĩ, diễn viên của các đơn vị: Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, trường Cao đẳng múa Việt Nam, Đoàn nghệ thuật tổng hợp tỉnh Quảng Bình, Đoàn ca nhạc Đài TNVN và Hãng phim tài liệu khoa học trung ương phối hợp thực hiện, với 3 phần, gồm “Bên tượng đài chiến thắng”, “Trường Sơn-con đường huyền thoại”, và “Đường tới tương lai”.
Thông qua hình tượng nghệ thuật của các tác phẩm múa, các tác phẩm âm nhạc tiêu biểu về Quảng Bình, về đường Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ và giai đoạn đổi mới phát triển đất nước, “Huyền thoại một con đường” tái hiện hình ảnh lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong với chí khí chiến đấu ngoan cường, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh tất cả vì giải phóng miền Nam, vì hoà bình, thống nhất đất nước, qua đó khơi dậy truyền thống anh hùng của dân tộc trong những năm chống mỹ cứu nước.
. Theo VOV |