Bế mạc phiên tòa công luận ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam
15:2', 17/5/ 2009 (GMT+7)

Biểu tình ủng hộ nạn nhân chất độc da cam VN tại Paris ngày 1.5.2009.

Sau hai ngày làm việc với chương trình nghị sự dày đặc, ngày 16.5, Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam do Hội Luật gia dân chủ quốc tế tiến hành tại thủ đô Paris đã kết thúc tốt đẹp.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, phiên tòa đã trở thành dịp để công chúng chứng kiến tận mắt những cơ thể tàn tật, các di ảnh của người đã khuất, nghe những lời tâm sự đầy nước mắt và nỗi đau buồn của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, của những người vợ cựu chiến binh Mỹ đến từ Nhật Bản, Mỹ và Đức, của chính những cựu chiến binh Hàn Quốc và Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam.

Đây cũng là dịp để công chúng Pháp và quốc tế hiểu rõ hơn về chất độc da cam/đi-ô-xin trong 80 triệu lít chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Qua những báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học, các bác sĩ, các nhà làm phim và các nhà nghiên cứu xã hội học Việt Nam và quốc tế, cũng như những số liệu thống kê kinh hoàng mà họ đưa ra trước tòa, các thẩm phán và những người tham dự phiên tòa đã thấy được hậu quả khủng khiếp và nặng nề mà chất độc da cam/đi-ô-xin đã gây ra và kéo dài cho đến ngày nay, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ con người và môi trường Việt Nam.

Phần biện hộ của các luật sư đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của các vị thẩm phán và người nghe. Luật sư người Mỹ Jeanne Mirer đã đưa ra nhiều cơ sở pháp lý để chứng minh các công ty hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm về hậu quả nặng nề mà các sản phẩm của họ gây ra.

Đặc biệt, phiên tòa đã lặng đi khi luật sư Roland Weyl người Pháp - Chủ tịch Hội quyền và tự do - thành viên Hội Luật gia dân chủ quốc tế, lên tiếng bào chữa cho các nạn nhân da cam/đi-ô-xin. Với những lập luận đanh thép và đầy sức thuyết phục, ông khẳng định rằng tội ác mà chất độc da cam/đi-ô-xin đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam là không thể chối cãi được.

Chính vì vậy, những kẻ gây tội, mà đặc biệt là những công ty hóa chất đã cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ, phải bồi thường cho những mất mát, đau thương mà các nạn nhân đang phải gánh chịu. Đã đến lúc phải trả lại sự công bằng cho hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.

Theo luật sư Roland Weyl, nếu các cựu chiến binh Mỹ đã được bồi thường thì các nạn nhân Việt Nam phải được bồi thường nhiều hơn thế vì họ không chỉ là nạn nhân của chất độc da cam/đi-ô-xin, mà trên hết, họ còn là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Bên cạnh sự bù đắp về thiệt hại đối với con người, các công ty hóa chất Mỹ còn phải có trách nhiệm trong việc giảm thiểu tối đa những tác hại của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với môi trường sinh thái ở Việt Nam, nhất là ở những điểm nóng, nơi có nồng độ độc tố đi-ô-xin cao như các khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Đó chính là nguyên nhân khiến thảm họa da cam tiếp tục tàn phá dân tộc Việt Nam cho đến tận ngày nay và rất có thể cả sau này nữa. Ngay sau khi dứt lời biện hộ, vị luật sư từng trải qua 70 năm trong nghề đã nhận được những tràng vỗ tay dài tán thưởng của người nghe và thái độ đồng tình của các thẩm phán.

Theo chương trình nghị sự, tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào sáng 18.5 trước khi tổ chức cuộc họp báo quốc tế để công bố quyết định của quan tòa.

. Theo TTXVN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Không thể cấm tại vùng thuộc chủ quyền VN  (17/05/2009)
Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh  (17/05/2009)
Vi phạm hành chính về quyền tác giả có thể bị phạt tới 500 triệu đồng  (15/05/2009)
Hỗ trợ 5 triệu đồng/xe ba, bốn bánh phải thay thế  (15/05/2009)
Thêm hàng nghìn mặt hàng được giảm một nửa thuế VAT  (15/05/2009)
“Khủng hoảng đến VN muộn, nhưng có thể ở lại lâu hơn”   (15/05/2009)
Ngày 20.5, khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII   (15/05/2009)
Chống tham nhũng: Sẽ thu hẹp phạm vi bí mật Nhà nước  (14/05/2009)
Chủ động, quyết liệt, kịp thời phòng, chống 2 dịch bệnh nguy hiểm  (14/05/2009)
LHQ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam phát triển kinh tế xã hội  (14/05/2009)
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009: Hồ sơ đăng ký dự thi giảm  (14/05/2009)
Mỹ sẽ là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong vòng 2 năm tới  (14/05/2009)
Miễn lệ phí visa cho khách quốc tế đến Việt Nam  (13/05/2009)
Chủ động ngăn chặn dịch tiêu chảy cấp không để lây lan  (13/05/2009)
Lăng Cô vào danh sách các vịnh biển đẹp nhất thế giới  (13/05/2009)