Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, để tạo điều kiện chủ động trong điều hành, bảo đảm các cân đối kinh tế vĩ mô, cần điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống khoảng 5%.
Sau phiên khai mạc buổi sáng, chiều 20.5, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII tiếp tục làm việc.
Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, bội chi ngân sách, phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009, việc miễn, giảm, giãn thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân…; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề này; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007...
Tình hình kinh tế trong nước đang có chuyển biến tích cực
Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, bội chi ngân sách, phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009, việc miễn, giảm, giãn thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân…
Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 Quốc hội đề ra là khoảng 6,5%. Do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, tăng trưởng kinh tế trong quý I của nước ta đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp chính sách hỗ trợ và kích thích kinh tế, bao gồm các chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bổ sung thêm vốn đầu tư phát triển, miễn giảm thuế… tình hình kinh tế đang có chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nét trong các diễn biến của 4 tháng đầu năm.
Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 quý còn lại của năm 2009 sẽ tăng cao hơn Quý I (3,1%): Quý II tăng 3,8 – 4,2%, Quý III tăng 5,6 – 6,5%, Quý IV tăng 6,8 –7,4%; và cả năm dự báo có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 5 – 5,5%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, để tạo điều kiện chủ động trong điều hành, bảo đảm các cân đối kinh tế vĩ mô, trình Quốc hội cho điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống khoảng 5%.
Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày, cho thấy các thành viên trong Ủy ban tán thành với phân tích tình hình trong báo cáo của Chính phủ và cho rằng: Mặc dù đã xuất hiện một số nhân tố tích cực nhưng tình hình kinh tế thế giới vẫn đang ở giai đoạn suy thoái chưa có dấu hiệu phục hồi ngay trong năm 2009. Nền kinh tế trong nước tuy có được một số yếu tố thuận lợi do lạm phát từng bước đã được kiềm chế và các giải pháp kích cầu của Chính phủ bước đầu đã đem lại kết quả tích cực, song nền kinh tế nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt từ những nguyên nhân nội tại và tác động không thuận lợi do kinh tế thế giới suy thoái mang lại, dẫn tới NSNN tiếp tục bị thâm hụt với mức độ cao, cân đối ngoại tệ gặp khó khăn, đầu tư của các thành phần kinh tế tăng chậm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thu nhập và việc làm không ổn định, đã ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người lao động. Trước thực trạng trên, đa số ý kiến nhất trí điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 cho phù hợp với tình hình mới.
Báo cáo cũng cho biết, đa số ý kiến đồng ý với đề nghị của Chính phủ điều chỉnh giảm mức tăng trưởng kinh tế năm 2009 xuống còn khoảng 5% và cho rằng: Nếu tích cực tháo gỡ những khó khăn, ách tắc về cơ chế, thực hiện có hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ và nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt 5,5%. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, do tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,1% nên mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả năm 5% là hết sức khó khăn, thậm chí sẽ đạt ở mức thấp hơn nếu Chính phủ không có những giải pháp tích cực và nền kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sâu hơn.
Cũng có ý kiến lo ngại rằng, mục tiêu tăng trưởng hiện nay chủ yếu do tăng vốn đầu tư nhưng hệ số sử dụng vốn (ICOR) có xu thế tăng lên, vai trò của khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực còn rất hạn chế, làm cho nền kinh tế tuy phát triển nhưng kém hiệu quả, sức cạnh tranh thấp.
Cùng với điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đa số ý kiến đồng tình với kiến nghị của Chính phủ về điều chỉnh tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và chỉ số giá tiêu dùng và đề nghị Quốc hội quyết định điều chỉnh chỉ số giá tiêu dùng từ dưới 15% xuống còn dưới 10%, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 13% xuống còn 3%.
Các hộ kinh doanh sẽ được miễn, giảm thuế TNCN?
Chính phủ đề nghị miễn toàn bộ số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với các đối tượng đã được giãn thuế trong 6 tháng đầu năm 2009.
Theo ông Phùng Quốc Hiển: Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc miễn toàn bộ số thuế TNCN đã giãn nộp trong 6 tháng đầu năm 2009 nhằm mục tiêu góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt do tác động của khủng hoảng kinh tế.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với phương án tiếp tục miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư và chuyển nhượng vốn trong năm 2009 để khuyến khích thị trường tài chính phát triển.
Nhiều ý kiến không tán thành với việc tiếp tục thực hiện giảm thuế TNCN cho các đối tượng nộp thuế khác cho 6 tháng cuối năm. Lý do được các thành viên đưa ra là những cá nhân có thu nhập từ trên 4 triệu đồng/tháng trở lên sau khi đã được giảm trừ gia cảnh, mới phải nộp thuế. Cá nhân có thu nhập đến ngưỡng nộp thuế là nghĩa là người đó có đủ khả năng nộp thuế. Đối với đa số cán bộ, công chức nhà nước, người làm công, ăn lương có thu nhập ở mức trung bình khá, sau khi được chiết trừ gia cảnh đều không phải nộp thuế.
Trên thực tế, ở Việt Nam, những đối tượng phải nộp thuế TNCN là người có thu nhập cao. Hơn nữa, số lượng người phải nộp thuế TNCN không nhiều (khoảng 300.000 người). Vì vậy, việc giảm thuế TNCN không mang ý nghĩa giải quyết khó khăn cho đối tượng phải nộp thuế, không mang ý nghĩa xã hội cao. Ngược lại, biện pháp này sẽ không thực hiện được mục tiêu phân phối lại thu nhập cho người nghèo.
Ông Phùng Quốc Hiển cũng cho biết: Có ý kiến đề nghị Chính phủ lưu ý đến miễn giảm thuế TNCN cho gần 2 triệu hộ kinh doanh, vì các hộ kinh doanh này bảo đảm công ăn, việc làm cho một số lượng lớn lao động của xã hội. Số thu từ thuế TNCN không nhiều so với tổng chi kích cầu của Chính phủ; vì vậy, đề nghị thực hiện miễn thuế TNCN cho mọi đối tượng (trừ đối tượng không cư trú) đến hến năm 2009 và thực thi đầy đủ các quy định của Luật TNCN từ ngày 01.1.2010.
Không điều chỉnh dự toán chi NSNN
Báo cáo thẩm tra phương án điều chỉnh dự toán NSNN năm 2009 do ông Phùng Quốc Hiển trình bày khẳng định: Trong điều kiện thu NSNN giảm, không điều chỉnh dự toán chi NSNN để chống suy giảm kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng tình với phương án của Chính phủ cần điều chỉnh tăng mức bội chi NSNN năm 2009, nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc: Số thu thuế và phí phải lớn hơn chi thường xuyên; bội chi không vượt quá số chi đầu tư phát triển.
Các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách, sắp xếp lại các khoản chi, cho phép sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để bù đắp số hụt thu; trường hợp đặc biệt, hụt thu lớn thì NSTW hỗ trợ bổ sung cho các địa phương để bảo đảm thực hiện dự toán chi được giao theo quy định của pháp luật.
Báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2007 do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày cho biết: Nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2007 đã thực hiện vượt 16,3% so với dự toán và tăng 17,3% so với quyết toán năm trước; kết quả thu của hầu hết các lĩnh vực và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đạt và vượt dự toán; tỷ trọng thu nội địa tăng so với năm 2006 (năm 2007 là 55,8%; năm 2006 là 52%).
Tổng thu ngân sách Nhà nước (không kể yếu tố tăng thu từ nhà và đất, tăng thu dầu thô do giá tăng, tăng thu viện trợ không hoàn lại, thu hồi khoản chi năm trước) quyết toán năm 2007 tăng 5,6% so với dự toán, cho thấy công tác xây dựng dự toán và quản lý thu ngân sách năm 2007 nhìn chung là sát với tình hình thực tế, có nhiều tiến bộ so với năm 2006.
Sáng nay (21.5), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường.
. Theo VOV News |