Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội
Kích cầu hiệu quả, đề phòng tái lạm phát
10:1', 22/5/ 2009 (GMT+7)

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) phát biểu tại hội trường.

Ngày 21.5, thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, việc Chính phủ đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP là hợp lý, nhưng để đạt mức tăng 5% trong năm 2009 thì vẫn là một nhiệm vụ khó khăn. Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các gói kích thích kinh tế một cách hiệu quả, giám sát chặt chẽ dòng tiền đưa vào kích cầu để tránh nguy cơ tái lạm phát.

Tăng trưởng GDP 5%: Hợp lý hay khó khăn?

Hầu hết ý kiến thảo luận ở các tổ ĐBQH đều cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc Chính phủ đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu vĩ mô là cần thiết. “Việc điều chỉnh chỉ tiêu không phải là để hoàn thành kế hoạch, mà là để phù hợp với tình hình và cân đối các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế” - ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM nhận xét.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, đến nay tình hình kinh tế đang có chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nét trong các diễn biến của 4 tháng đầu năm. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 quý còn lại của năm 2009 sẽ tăng cao hơn quý 1 (3,1%): quý 2 tăng 3,8% - 4,2%, quý 3 tăng 5,6% - 6,5%, quý 4 tăng 6,8% - 7,4%; và cả năm dự báo mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 5% - 5,5%: “Vì thế, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống khoảng 5% là hợp lý”.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH nhìn nhận mức tăng trưởng 5% vẫn là rất khó khăn. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) nói: “Chúng ta không thể lạc quan trong bối cảnh như hiện nay. Nhiều nước tăng trưởng âm, chúng ta tăng trưởng dương, nhưng điểm xuất phát của mỗi nước khác nhau. Đặt mục tiêu tăng trưởng 5% là rất khó khăn, bởi như thế những tháng cuối năm phải đạt trên 7%, tôi e chưa chắc đã đạt”.

Cho rằng mức 5% vẫn còn là “quá lạc quan”, ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng GDP năm 2009 xuống khoảng 4,5% là hợp lý, bởi vấn đề quan trọng là cần dự báo đúng tình hình để có các biện pháp phù hợp.

Kích cầu phải đúng địa chỉ

Những lo ngại của một số ĐBQH về chỉ tiêu tăng trưởng là có lý, nhưng nếu thực hiện các gói kích thích kinh tế có hiệu quả, mức tăng GDP 5% vẫn có thể đạt được. Điều quan trọng là các gói kích cầu này được thực hiện và tính toán ra sao.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) phân tích: “Gói kích cầu của Chính phủ lên đến 8 tỷ USD. Nếu phần lớn nguồn vốn này rơi vào khu vực doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không hiệu quả thì sẽ rất nguy hiểm, bởi hiện nay lạm phát đã bắt đầu rình rập”.

ĐB Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) thì cho biết người dân và cử tri đang lo về vấn đề thực hiện các gói kích cầu: “Giải pháp thì đúng, nhưng phải làm sao thực hiện cho tốt. Chính phủ muốn phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu là hợp lý, nhưng phải giám sát thế nào để đồng vốn đó được sử dụng một cách hiệu quả”. Ông Nhân dẫn chứng về vấn đề thực hiện các giải pháp còn chưa tốt, chẳng hạn như ở Quảng Ngãi tiếp cận vốn vay ưu đãi còn khó khăn, vấn đề kích cầu kinh tế hợp tác còn chưa được chú ý.

ĐB Đặng Ngọc Tùng (TPHCM), cũng đồng ý là các giải pháp đi vào thực tế còn chưa đạt. Ví dụ như chính sách cho vay (lãi suất 0%) hỗ trợ người lao động mất việc làm, áp dụng cho năm 2009 nhưng đa số DN có lao động mất việc làm lại rơi vào năm 2008, nên đến nay hầu như triển khai cho vay rất khó.

Một số ĐBQH cho rằng, vừa qua các gói kích cầu đã thực hiện linh hoạt và kịp thời, nhưng lại đang tập trung cho những đơn vị, doanh nghiệp “khỏe”, còn những đơn vị đang gặp khó khăn thì không tiếp cận được vốn. Vì thế, cần phải có giải pháp để những DN khó khăn được hưởng chính sách này để tạo sự công bằng.

Cũng liên quan đến các gói kích cầu, ĐB Trần Du Lịch băn khoăn: “Chính phủ công bố gói kích cầu 8 tỷ USD, tương đương 145.000 tỷ đồng, nhưng trong đó lại có một số nhóm là nguồn chứ không phải là chi thêm. Chẳng hạn như việc chuyển nguồn vốn đầu tư từ năm 2008 sang; hay như phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ là để bù vào nguồn thu bị thâm hụt, không phải là chi thêm để kích cầu”. Ông Lịch cho rằng, thống kê như vậy sẽ khó đánh giá đúng tác động của các gói kích cầu.

Khai thác nguồn thu, giảm bội chi ngân sách

Liên quan đến việc Chính phủ đề nghị điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách năm 2009 từ 4,82% lên không quá 8% GDP, ĐB Nguyễn Đăng Trừng cho rằng mức bội chi 8% là quá cao, cần phải có biện pháp quyết liệt để giảm xuống. Nguồn tiền dự trữ trong kho bạc, trong quỹ bảo hiểm trả nợ nước ngoài, quỹ cổ phần hóa… cần phải được huy động hết để giảm áp lực tăng bội chi, lạm phát. Theo ông Trừng, bội chi ngân sách năm nay khoảng 6% - 6,5% GDP là hợp lý.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cũng tỏ ra lo ngại: “Nếu bội chi ngân sách tăng lên 8% sẽ ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Vì thế, cần triệt để khai thác mọi nguồn thu để giảm bội chi ngân sách”. Còn ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đề nghị Chính phủ cần lý giải đầy đủ tại sao lại đặt ra con số bội chi 8%, bởi đây là mức bội chi “rất lớn từ xưa đến nay”.

Tuy nhiên, dưới con mắt của một nhà kinh tế, ĐB Trần Du Lịch lại nói nếu mức bội chi 8% đạt được trong bối cảnh kiềm chế được lạm phát dưới 10% thì sẽ là “cú huých” cho nền kinh tế trong điều kiện khó khăn. Nhưng ông Trần Du Lịch đề nghị Quốc hội cần ra một nghị quyết riêng về tăng bội chi ngân sách với các điều kiện đi kèm như: làm rõ phần nào là để bù thiếu hụt cho thu ngân sách, phần nào để chi thêm cho kích cầu và cuối cùng là kết quả của việc tăng bội chi ra sao.

Không thi hành công vụ, gây thiệt hại cũng phải bồi thường

Chiều 21.5, Quốc hội nghe và cho ý kiến về Dự án luật Bồi thường Nhà nước. So với bản dự thảo trình xin ý kiến QH tại kỳ họp thứ 4, dự thảo lần này đã được chỉnh lý theo hướng có các chương riêng về trách nhiệm bồi thường nhà nước theo từng lĩnh vực, trong đó quy định cụ thể các trường hợp được và không thường; cơ quan có trách nhiệm bồi thường và cách xác định cơ quan này trong từng trường hợp cụ thể, trình tự giải quyết bồi thường, xác định thiệt hại được bồi thường...

Đáng lưu ý, dự thảo luật đã bổ sung quy định về hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ – đó là không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng theo quy định của pháp luật. Từ đó, dự thảo luật đã quy định một số trường hợp người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Quy định này nhận được sự đồng thuận của nhiều ĐBQH.

Phạm vi được bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính cũng là vấn đề được các ĐBQH quan tâm. Dự thảo luật trình 2 phương án. Phương án 1 giới hạn phạm vi bồi thường trong 11 trường hợp cụ thể, trong khi phương án 2 giới hạn phạm vi bồi thường là những hành vi không thực hiện công vụ hành chính trái pháp luật (không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép...) mà không liệt kê các trường hợp cụ thể được Nhà nước bồi thường.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thêm 280 triệu USD đầu tư vào 'thành phố khoa học'  (21/05/2009)
Giám sát đồng vốn kích cầu  (21/05/2009)
Cổ phiếu ngân hàng "có giá" vì lãi lớn trong quý 1.2009  (21/05/2009)
Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống còn khoảng 5%  (21/05/2009)
Giữ ổn định 3,6 triệu ha đất sản xuất lúa  (20/05/2009)
Giá xăng, điện tăng kích chỉ số tiêu dùng lên  (20/05/2009)
Tập trung mọi nguồn lực để ngăn chặn suy giảm kinh tế  (20/05/2009)
Hợp long cầu Phú Mỹ nối liền Q.2 và Q.7  (20/05/2009)
Xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống đại dịch  (20/05/2009)
Hôm nay 20.5, khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII  (20/05/2009)
Giá bán lẻ sữa tại VN quá cao  (19/05/2009)
Xóa bỏ loại hình trường dân lập cấp phổ thông  (19/05/2009)
Cổ phiếu ào ạt tăng trần, Vn-Index chinh phục mốc 400  (19/05/2009)
Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng dioxin  (19/05/2009)
“Bác vẫn như đang nói với chúng ta”  (19/05/2009)